Củ su hào có hương vị như phần cuống của bông cải nhưng đầm và thanh hơn, xào lên ăn rất ngon.
Và bạn biết đấy, chúng ta gọi nó là củ nhưng thực chất, nó lại là phần thân phình to của cây su hào.
Nội dung chính ⇒
Củ su hào ăn sống được không, ăn nhiều có tốt không?
Củ su hào có thể ăn sống được nhưng chúng ta không nên ăn vì nó dễ gây đau bụng và các tác hại khác đối với hệ tiêu hóa…
Với củ su hào đã gọt vỏ và chế biến (như xào, nấu canh…), bạn cũng không nên ăn quá nhiều vì nếu lạm dụng sẽ làm hao tổn khí huyết.
Đối tượng không nên dùng: Người bị đau bao tử không nên ăn. Bên cạnh đó, người bị bệnh về tuyến giáp cũng không nên ăn vì sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn (gây sưng tuyến giáp).
Củ su hào có chứa chất dinh dưỡng gì, có giúp giảm cân không?
Su hào là loại thực phẩm ít năng lượng (100 g củ su hào chỉ cung cấp khoảng 27 calo). Trong khi đó, nó lại chứa nhiều nước và chất xơ. Vì vậy, những người đang muốn giảm cân có thể ăn su hào 2 lần mỗi tuần, mỗi lần một ít (nấu canh hay xào đều được).
Về giá trị dinh dưỡng, củ su hào chứa đường, Ka li, Can xi, Sắt, Phốt pho, Đồng, Ma giê, Man gan, Na tri và nhiều loại vitamin như A, D, E, K, các vitamin nhóm B (như B1, B2, B3, B5, B6, B9, B12…), đặc biệt là vitamin C với hàm lượng lớn (100 g su hào đủ cung cấp 75 % nhu cầu lượng vitamin C hàng ngày của cơ thể).
Ăn củ su hào có tác dụng gì?
Được biết, củ su hào là loại thực phẩm có tính mát và có nhiều công dụng quý đối với sức khỏe như:
- Giúp thanh nhiệt, giải khát, nhuận tràng.
- Tăng cường miễn dịch.
- Giảm đau, giảm viêm.
- Giúp lợi tiểu, giải khát.
- Điều trị tiểu ra máu, nước tiểu đục.
- Tốt cho xương và hệ thần kinh.
- Tốt cho người tỳ hư hỏa vượng.
- Giúp tan đờm, hỗ trợ điều trị đại tiện ra máu.
- Hỗ trợ giảm cân.
- Giúp máu lưu thông tốt hơn.
Cách dùng: Bạn có thể nấu canh, hấp, luộc chấm muối tiêu đều được (mỗi tuần ăn 2 lần, mỗi lần một lượng vừa phải).
Ngoài ra, dân gian còn dùng su hào trong các bài thuốc như:
- Hỗ trợ trường hợp người nổi nhọt độc không rõ lý do: lấy một ít củ su hào tươi, rửa sạch, giã nát rồi xay nát, chắt lấy nước uống, phần xác thì đắp lên mụn nhọt.
- Điều trị khô khát cổ họng ở người tỳ hư hỏa vượng: lấy một ít su hào tươi, gọt vỏ, xắt nhỏ rồi cho vào máy xay sinh tố, xay nát, sau đó cho thêm một ít đường, thêm nước, nấu sôi và chắt lấy nước, để nguội thì uống nước ấy.
Bà bầu có thể ăn su hào không?
Câu trả lời là có, tuy nhiên không nên ăn nhiều và phải nấu chín, bạn nhé!
Được biết, phụ nữ mang thai ăn su hào với lượng vừa phải có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa, ngừa táo bón, ngừa loãng xương và ổn định huyết áp.
Su hào nấu món gì ngon?
Với su hào, bạn có thể nấu canh, xào tỏi, xào với trứng, xào với củ cải đỏ, xào với mực hoặc làm mứt…
Có một lưu ý nhỏ là bạn nên ăn cả củ (thân) và lá non để tận dụng nguồn dinh dưỡng từ lá non.
Ngoài ra, khi mua, bạn nên chọn củ vừa phải, nặng tay (không nên chọn củ to vì sẽ dễ bị xơ).
Thông tin thêm về củ su hào
Theo quyển Cây thuốc nam thông dụng trị liệu trong gia đình thì củ su hào có tính mát, có các thành phần dinh dưỡng chính là vitamin C, chất Sắt, Phốt pho, Can xi… Ngoài ra, nó còn chứa các hoạt chất như anbumin, axit nicotic…
Vì vậy, bạn có thể nấu canh hoặc xào ăn, như thế sẽ giúp hỗ trợ điều trị các loại bệnh như: nước tiểu đục, đại tiện ra máu, lạnh bụng nhiều đờm và giúp tiêu viêm, giải khát.
Riêng với người bị đờm nhiều thở gấp thì có thể dùng cả thân và lá su hào, rửa sạch, thái mỏng ra rồi xào với dầu mè, sau đó đổ nước vào và nấu thành món canh (mỗi ngày ăn một hoặc hai lần, khi ăn nên uống cả nước canh, nêm nếm vừa phải, không nên nêm quá ngọt hay quá mặn).
Tư liệu tham khảo
- Cây thuốc nam thông dụng trị liệu trong gia đình, NXB Đồng Nai, trang 71.
- Củ su hào có ăn sống được không, có tác dụng gì, trang bsphukhoagioi
- Củ su hào có tác dụng gì đối với sức khỏe, https://caythuoc.org/cu-su-hao-giup-tan-dom-giam-tieu-duc-va-tieu-ra-mau.html
- Có bầu ăn su hào được không, trang sức khỏe cộng đồng online.
- Kohlrabi – củ su hào có tác dụng gì, https://en.wikipedia.org/wiki/Kohlrabi
Xem thêm: Cải thảo có công dụng gì?