Đây là kinh nghiệm của cá nhân mình: một người có làn da dầu và từng bị rất nhiều mụn (vừa nổi mụn vừa ngứa nữa, nghĩa là da mình cũng bị viêm nhiễm nữa!).
Mình không cam kết phương pháp sau đây sẽ giúp bạn hết mụn, tuy nhiên, nó đã giúp mình trị mụn hiệu quả và mình nghĩ, nó vẫn có thể giúp bạn chút gì đó!
Nào, bắt đầu luôn nhé!
Nội dung chính ⇒
Cách trị mụn hiệu quả theo kinh nghiệm cá nhân
Mình đã trị mụn nhiều năm và mắc rất nhiều sai lầm vì không hiểu da mình cần gì!
Mình dùng từ thuốc Tây đến thuốc Nam, thuốc Bắc. Mình cũng thử đủ dạng thuốc: từ kem bôi, mặt nạ đến thuốc uống, xông hơi…
Cuối cùng, mình chỉ thấy thuốc Nam, thuốc Bắc (gọi chung là Đông y) là tiết kiệm, cho kết quả lâu dài.
Và phải kết hợp cả thuốc uống với đắp ngoài da thì mới hết mụn đáng kể.

Da dầu bị mụn nên đắp mặt nạ gì?
Lúc trước, thấy các cô gái gần nhà đắp mặt nạ mật ong và hết mụn, mình cũng đắp, thế nhưng mụn lại nhiều hơn! Theo mình, mật ong chỉ hợp với da bị mụn do khô, thiếu ẩm, thiếu dưỡng chất… chứ không hợp với da dầu, da đang bị mụn sưng, mụn mủ… (như da mình, vừa dầu vừa bị mụn sưng, đắp lên thì da ẩm ướt hơn và mụn sưng cũng nặng hơn!).
Mặt nạ dưa leo, da mình cũng không hợp.
Thế rồi, mình thấy trên mạng chỉ cách đắp mặt nạ đu đủ chín, mặt nạ xoài, mặt nạ rau má, rau diếp cá, sữa tươi không đường…, nói chung, chọn 1 trong các loại này, đắp mỗi tuần 1 hoặc 2 lần thì cũng giúp sạch da, giảm mụn đấy nhưng chỉ giảm một ít (trong khi đó, mình bị mụn rất nhiều).
Còn hiện tại, mình chỉ dùng mặt nạ lá ngải cứu non và mặt nạ lá ổi non.

Mình biết công dụng này của lá ngải cứu khi đọc một quyển sách y học và bắt đầu làm thử. Nhìn chung, lá ngải cứu có mùi thơm nhưng cũng hơi khó ngửi (vì có mùi đặc trưng của ngải cứu). Tuy nhiên, khi giã nát đắp lên thì da rất dễ chịu, sau 15 – 20 phút, rửa mặt lại thì da trắng hơn, khô thoáng, các nốt mụn cũng bớt viêm sưng và gọn lại đáng kể.
Không chỉ mình mà em gái mình cũng đắp mặt nạ này (em ấy đang ở tuổi dậy thì, da mụn rất nhiều và hay bị viêm ngứa, nhiễm khuẩn do bụi bặm).
Với mặt nạ lá ổi non thì mình tình cờ đọc một tài liệu và làm thử. Thực sự bất ngờ bạn ạ. Da mặt mịn, giảm nhờn và bớt mụn rõ rệt. Bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây nhé: Cách dùng lá ổi non trị mụn, giảm nhờn, se khít lỗ chân lông
Công dụng của mặt nạ lá ngải cứu
- Giúp giảm viêm nhiễm, ngứa ngáy ngoài da (do khói bụi, hóa chất, dùng sai mỹ phẩm…).
- Giúp giảm dị ứng cơ địa.
- Giúp giảm mụn, làm gọn các nốt mụn.
- Giúp da trắng hơn, sạch và thoáng hơn.
Lưu ý: nên dùng lá non, rửa sạch kỹ rồi giã nát, thoa lên mặt trong 15 phút (một ngày thoa 1 lần, ngưng 1 ngày rồi thoa tiếp).
Đây là biện pháp ngoài da. Vì vậy, muốn mụn không nổi lên thêm, bạn phải kết hợp thêm uống thuốc nữa mới mang lại hiệu quả như ý.
Da dầu bị mụn nên ăn gì và uống thuốc gì?
Có 3 nguyên nhân phổ biến khiến cơ thể nổi mụn, bạn xem bạn thuộc dạng nào nhé!
1. Nổi mụn do quá nóng trong người
Đây là dạng phổ biến và cách khắc phục là:
- Bớt ăn đồ cay nóng, đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, nhiều đường
- Nên ăn rau xanh, uống đủ nước, thỉnh thoảng uống thêm nước mát, nước chanh, nước tắc, nước đá me…
- Có thể ăn thêm một ít trái cây có vị chua (một ít thôi nhé!).
- Có thể hốt thuốc Nam và sắc uống (thành phần thường có cỏ mần trầu, cây chó đẻ và các vị thuốc khác).

2. Nổi mụn do gan yếu (nóng gan)
Lúc này thì bạn nên uống các loại thuốc hoặc trà thảo dược hỗ trợ gan (do thầy thuốc hoặc các y bác sĩ chỉ định). Không nên tự ý mua thảo dược về uống để tránh làm hại gan, suy gan nặng hơn.
Một lưu ý nhỏ ở đây là bạn cũng không nên uống bia rượu, nước ngọt và không nên thức khuya (vì thức khuya rất hại gan, gan yếu thì nổi mụn và dẫn đến rất nhiều loại bệnh khác).
3. Nổi mụn do cơ địa quá mát (quá Âm)
Trường hợp này xảy ra khi bạn uống nước mát (nước dừa, nước sâm…) rất nhiều mà da vẫn nổi mụn, cơ thể hay thấy lạnh, hay chướng bụng khó tiêu.
Đó là vì bạn đã uống nước mát quá mức cần thiết và làm cơ thể bị mất cân bằng Âm – Dương (nước mát là Âm tính). Vì vậy, bạn nên điều chỉnh chế độ uống nước mát lại (mỗi ngày 1 ly, mỗi tuần uống 3 lần thôi, bạn nhé!).
4. Nổi mụn do da bị nhiễm khuẩn, bị tổn hại, suy yếu
Trường hợp này thì bạn bị mụn do các tác nhân bên ngoài. Có thể bạn làm việc trong môi trường chứa nhiều bụi, hóa chất… nên da bị kích ứng. Có thể bạn dùng sai mỹ phẩm, bôi quá nhiều các loại kem thuốc… làm da hao tổn, suy yếu.
Cách khắc phục là bạn nên đi bệnh viện da liễu để khám và được chỉ định loại thuốc phù hợp.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn thử bằng mặt nạ tự nhiên thì bạn có thể dùng lá ngải cứu (như đã nói ở trên).
Lưu ý khi bị da dầu và nổi mụn
- Không được ăn quá no (chỉ ăn lưng bụng, no 70 % thôi) và nếu bạn đang thừa cân thì hãy giảm cân (đây là kinh nghiệm cá nhân của mình, nó giúp bạn hết mụn nhanh hơn, ít bị nóng gan hơn).
- Không dùng các loại mỹ phẩm và sữa rửa mặt nhé (vì đa phần các loại sữa rửa mặt hiện nay đều làm da mất cân bằng về độ nhờn và trở nên mẫn cảm hơn).
- Chọn đúng loại mặt nạ dành cho da dầu, không đắp quá lâu và không đắp liên tục. Bạn cần để da nghỉ ngơi và có thời gian tự phục hồi, tự cân bằng lại (cơ thể chúng ta có một khả năng rất hay, đó là khả năng tự chữa lành).