Với các chị em thì đau bụng kinh là nỗi ám ảnh không dễ nói. Với những người có kinh nguyệt tốt thì cơn đau thường nhẹ nhàng và mau hết (hoặc có khi không thấy đau gì cả).
Thế nhưng, với các chị em kinh nguyệt không đều, hay bị trễ kinh, bế kinh, máu kinh xấu… thì đau bụng kinh là nỗi khổ đáng sợ nhất.
Không chỉ là những cơn đau bụng âm ỉ, quằn quại đến mức tay chân rã rời, muốn ngất đi; đau bụng kinh do trễ kinh còn đi kèm với đau nhức lưng (nhức đến nỗi ngồi không nổi, nghiêng ngửa cử động đều đau).
Vì vậy, với những chị em phải làm việc công sở hay các công việc đòi hỏi sự vận động thì đau bụng kinh trong ngày đèn đỏ sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới công việc (thậm chí phải nghỉ việc).
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cách điều trị đau bụng kinh hiệu quả, đơn giản và ít tốn kém nhất. Hai cách này mình và các chị em trong nhà đều đã từng dùng – hy vọng nó sẽ giúp ích cho bạn. Hãy chia sẻ cho bạn bè của bạn nếu họ cũng đang khổ sở vì đau bụng kinh nhé!
Nội dung chính ⇒
Cách giảm đau bụng kinh theo kinh nghiệm dân gian, uống gì giúp giảm đau bụng kinh
Thông thường, với những cơn đau bụng vừa phải thì các chị em chỉ cần nằm nghỉ một lát hoặc ăn thêm rau xanh, uống thêm nước mát là cơn đau sẽ giảm dần.
Các loại đồ ăn, thức uống thanh mát thường được dùng là: nước dừa (khoảng nửa trái đến 1 trái) hoặc nước sâm (1 chai khoảng 500 ml), sữa đậu xanh (1 ly), rau tươi (khoảng 200 g)…
Bên cạnh đó, nếu hàng tháng các chị em đều bị đau ngay ngày đầu của kỳ kinh nguyệt thì có thể lấy 100 g hạt đậu xanh còn nguyên vỏ, đem nấu rồi ăn cả nước lẫn cái thì cũng sẽ giúp giảm đau bụng kinh, máu kinh cũng ra tốt hơn (theo kinh nghiệm dân gian).
Cây thuốc, vị thuốc giúp giảm đau bụng kinh
Còn như trường hợp đau bụng quằn quại hay đau nhức lưng không đi nổi, kinh bế không ra được thì mình thường dùng hồng hoa và dây cứt quạ – nước dừa tươi. Cụ thể như sau:
1. Đang có kinh mà đau bụng kinh quằn quại thì dùng “dây cứt quạ – nước dừa tươi”
Dây cứt quạ (Gymnopetalum chinense) là loại dây leo mọc hoang, thường thấy rất nhiều ở các vùng quê. Dây của nó có vị đắng, người ta thường bảo “đắng như cứt quạ”.
Tuy nhiên, trên thực tế thì dây cứt quạ cũng không đắng đến nỗi không uống được. Bạn chỉ cần nín thở, uống một hơi cho hết một chén là xong ngay (sau đó thì uống thêm nước lã hoặc ngậm đường cho bớt đắng là được).
Cách dùng cụ thể như sau: Bẻ một nắm dây cứt quạ tươi, rửa sạch rồi giã nát, sau đó đổ thêm một chén nước dừa tươi vào, khuấy đều lên rồi lượt nước ra riêng (bỏ bã) và uống (nếu uống một lần không nổi thì chia ra hai lần, uống xong nửa chén thì khoảng 15 phút sau uống thêm nửa chén nữa).
Kết quả: Theo cảm nhận của mình thì dây cứt quạ uống vào nó không hết đau ngay mà cơn đau giảm dần, thường thì khoảng 10 phút sau bạn sẽ thấy cơn đau giảm đi đáng kể và sau 30 phút – 1 tiếng thì sẽ hết đau (nếu còn cũng đau rất nhẹ, không đáng kể).
Ưu điểm: Dây cứt quạ mọc tự nhiên nên bài thuốc này chỉ cần bỏ công đi hái là được. Nước dừa thì cũng dễ tìm. Sau khi dùng bài thuốc này (1 lần) thì thường là vài tháng sau cũng không còn đau bụng kinh.
Nhược điểm: Dây cứt quạ đắng và có mùi hôi nên nhiều chị em không uống nổi. Hơn nữa, nhiều chị em ở thành phố thì khó tìm gặp loại dây này.
2. Đang có kinh mà đau bụng kinh quằn quại/ hoặc chưa tới kinh mà nhức lưng, đau bụng/ hoặc trễ kinh, bế kinh khiến nhức lưng không nghiêng ngửa được thì dùng “hồng hoa”
Hồng hoa mà mình nói trong bài viết này là một vị thuốc Bắc – không phải hoa hồng mà chúng ta hay trồng. Hồng hoa, hay còn gọi là hoa rum, có tên khoa học là Carthamus tinctorius.
Cây này không có ở Việt Nam nhưng vị thuốc hồng hoa thì bạn có thể dễ dàng tìm mua trong các tiệm thuốc Bắc.
Ưu điểm: rất dễ uống, vị lạt, có mùi thơm nhẹ, nước có màu cam trông đẹp mắt (gần giống nước của nhụy hoa nghệ tây).
Nhược điểm: không nên dùng nhiều, chỉ uống vài lần và hết đau bụng thì ngưng, nếu uống nhiều sẽ bị rong kinh vì hồng hoa có tính phá huyết (nếu phụ nữ mang thai dùng nhầm thì sẽ gây sảy thai).
Với vị thuốc hồng hoa thì bạn cần biết những điểm đáng chú ý sau:
1. Công dụng chủ đạo của hồng hoa là phá máu ứ và sản sinh máu mới. Vì vậy, khi bị bế kinh (thậm chí từ 4 – 5 tháng) hoặc bị trễ kinh khiến nhức lưng (đấm thùm thụp vẫn không đỡ nhức) thì bạn uống hồng hoa từ 2 – 6 lần sẽ giúp cải thiện tình trạng này, mỗi ngày uống 2 lần).
2. Nếu chưa tới kỳ kinh mà thấy nhức lưng, đau bụng, bạn cũng có thể uống hồng hoa 1 – 3 lần để kỳ kinh sắp tới đỡ đau hơn (chỉ uống 3 lần trở lại, mỗi ngày uống 2 lần).
3. Nếu đang có kinh mà đau bụng kinh có kèm máu kinh hôi hoặc máu kinh ít, vón cục, màu tối sẫm… thì bạn cũng có thể uống hồng hoa để máu kinh ra nhiều hơn và tươi hơn. Thường thì sau khi bạn uống xong, cơn đau sẽ từ từ giảm dần và thường thì uống một, hai lần là không còn đau nữa.
Liều lượng: mỗi ngày lấy từ 3 – 8 g hồng hoa rồi hãm uống như trà (riêng bản thân mình thì mình thường múc 1 muỗng cafe hồng hoa cho mỗi lần dùng, sau đó đổ 1 chén nước sôi vào, đợi nguội thì uống (uống xong nước nhất thì châm nước thêm, đợi nguội thì uống tiếp nước thứ hai).
Lưu ý khi dùng hồng hoa
Phụ nữ mang thai, những người rong kinh, xuất huyết, viêm loét dạ dày hoặc sắp phẫu thuật thì không được dùng.
Lưu ý khi mua: Mình thấy có một số nơi bán nhụy hoa nghệ tây bị mốc, mối mọt và vụn nát, kém chất lượng (uống các loại này thì tác dụng rất kém, thậm chí gây hại cho cơ thể). Vì vậy, khi mua bạn cần kiểm tra chất lượng của thuốc và chọn nơi bán uy tín nhé.
Lưu ý phân biệt: Vị thuốc hồng hoa có màu vàng lẫn màu đỏ cam (như hình) vì nó được lấy từ các cánh hoa của cây hồng hoa. Nếu nhìn sơ qua bạn sẽ thấy hồng hoa giống như nhụy hoa nghệ tây nhưng nhìn kỹ thì sẽ thấy nó ngắn hơn, dẹp hơn và vụn hơn nhụy hoa nghệ tây (nhụy hoa nghệ tây là các sợi nhụy).
Cuối cùng thì nguyên tắc cơ bản để giúp kỳ kinh diễn ra trơn tru, không đau bụng vẫn là ăn uống đủ chất, ăn nhiều rau xanh để thanh mát cơ thể và giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái. Chúc các bạn thành công!
Về nhụy hoa nghệ tây thì mình cũng đã có viết một bài tại đây, mời bạn cùng đọc:
Nhụy hoa nghệ tây có thực sự tốt cho người dùng? Công dụng thực sự của nhụy hoa nghệ tây
Các bài viết liên quan:
- Hồng hoa chữa bế kinh, trễ kinh, giúp giảm đau bụng kinh do máu ứ và thai chết trong bụng không ra được
- Nên dùng hồng hoa hay nhụy hoa nghệ tây để giảm đau bụng kinh?