Ở Trung Quốc, đậu đen được gọi là ô giang đậu (乌豇豆) và được biết đến như một loại đậu giúp kéo dài tuổi thọ, duy trì sự toàn vẹn của cơ thể. Vậy, tác dụng cụ thể của đậu đen là gì?
Ở nước ta, đậu đen được biết đến như một loại thực phẩm tốt cho thận, giúp tươi nhuận nhan sắc và làm đen tóc, đen râu.
Không chỉ thế, đậu đen còn được biết đến với tác dụng điều trị tiểu đường (1).
Nội dung chính ⇒
Tác dụng của đậu đen – Vì sao đậu đen có thể điều trị tiểu đường?
Đậu đen (Vigna cylindrica) là một trong những loại đậu được Hiệp hội đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyến nghị cho người bị tiểu đường.
Thứ nhất, đậu đen giàu dinh dưỡng nhưng lại có chỉ số đường huyết rất thấp, vì vậy, nó giúp ngăn chặn sự tăng đường huyết đột ngột và các biến chứng không đáng có.
Nói cách khác, đậu đen chứa nhiều chất xơ nên khi đi vào cơ thể, chất xơ này sẽ hòa cùng chất béo và đường để cùng được tiêu hóa. Vì vậy, nó sẽ làm chậm sự giải phóng đường vào máu, từ đó, lượng đường trong cơ thể không bị tăng đột ngột. Hơn nữa, với những người bị tiểu đường có kèm mỡ máu cao thì ăn đậu đen còn giúp giảm mỡ máu sau bữa ăn (nhờ chứa nhiều chất xơ giúp cơ thể chuyển hóa chất béo hiệu quả hơn).
Thứ hai, đậu đen chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin E. Bên cạnh đó, đậu đen còn chứa các hoạt chất có tác dụng chống oxy hóa mạnh, giúp ngăn ngừa các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường (1) (2).
Vì vậy, theo chia sẻ của lương y Vũ Quốc Trung thì bệnh nhân cao huyết áp và tiểu đường nên bổ sung thêm đậu đen (một lượng vừa phải) vào khẩu phần ăn hoặc nước uống hàng ngày.
Cách dùng đậu đen điều trị tiểu đường
Ở Trung Quốc, liều dùng đậu đen được đề nghị là 40 g mỗi ngày (nấu chín).
Ở nước ta, đậu đen thường được dùng bằng cách rang lên (để hạ bớt tính lạnh của đậu đen), sau đó nấu lấy nước uống (một ly nước đậu đen mỗi ngày, gia giảm theo hướng dẫn của thầy thuốc).
Được biết, nước đậu đen không chỉ giúp hạ đường huyết mà còn mang lại nhiều công dụng như:
- Thanh lọc cơ thể, hạ huyết áp.
- Hỗ trợ giảm cân.
- Tốt cho tim mạch.
- Tăng cường sức khỏe.
- Giúp da tươi nhuận.
- Giúp xương khỏe mạnh.
Cách dùng kết hợp: Theo công trình Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1 (Võ Văn Chi), ta có thể dùng đậu đen kết hợp với thiên hoa phấn để làm thuốc điều trị tiểu đường do thận hư.
Cách dùng như sau: lấy đậu đen và thiên hoa phấn (liều lượng như nhau), xay nát, nghiền thành bột rồi trộn lại và làm thành dạng viên (mỗi ngày uống một ít bằng nước sắc đậu đen làm thang, liều lượng theo hướng dẫn của thầy thuốc) (1) (3) (4) (5).
Ghi chú: Đậu đen lòng xanh và đậu đen lòng trắng đều có thể dùng làm thuốc, tuy nhiên, đậu đen lòng xanh thường được dùng nhiều hơn (xem cụ thể Tại đây).
Xem thêm:
- Cách dùng lá ổi điều trị tiểu đường
- Cách dùng đậu xanh điều trị tiểu đường
- Cách dùng trà nụ vối điều trị tiểu đường
- Cách dùng lá dứa (lá nếp thơm) điều trị tiểu đường
Ai không nên uống nước đậu đen?
Có một số trường hợp không nên dùng đậu đen như:
- Người tì vị hư hàn, tiêu chảy, lạnh bụng, tiêu hóa kém, sợ lạnh, tay chân lạnh… không nên dùng.
- Người bị loét hành tá tràng, viêm đại tràng… không nên dùng.
Ngoài ra, khi dùng đậu đen làm thuốc, bạn cũng cần lưu ý một số điểm như:
- Không dùng chung với viên uống bổ sung Can xi, Kẽm hoặc thực phẩm chứa nhiều Can xi, Kẽm (vì sẽ làm giảm hiệu quả hấp thu các chất này).
- Không cần cho thêm đường hay muối vào nước đậu (tuy nhiên, với những người làm việc nặng, huyết áp thấp thì có thể cho thêm một tí muối vì muối làm tăng huyết áp).
- Nhiều người thích nấu nước đậu đen rang và uống thay nước vào mùa hè (hay những ngày nắng nóng). Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ dùng 1 ly mỗi ngày và mỗi tuần dùng không quá 3 lần. Với nước đậu đen, bạn không nên uống liên tục trong thời gian dài vì nó sẽ cản trở sự hấp thu dinh dưỡng (làm suy dinh dưỡng, nhất là ở trẻ nhỏ).
Thông tin thêm
Trên mạng hiện có nhiều bài viết hướng dẫn cách nuốt 49 hạt đậu đen để điều trị bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này rất rủi ro vì các loại đậu nói chung đều cần dùng chín, nếu dùng sống sẽ rất dễ dẫn đến tiêu chảy, nôn mửa, loét bao tử, xuất huyết dạ dày… (4).
Tư liệu tham khảo
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, bộ mới, tập 1, trang 892.