Đậu xanh nổi tiếng là loại đậu giúp bổ nguyên khí, làm nảy nở da thịt, giải độc và thanh nhiệt. Vì vậy, những người thường ăn đậu xanh sẽ có vóc dáng đẹp, nở nang.
Không chỉ thế, đậu xanh còn được dùng trong nhiều bài thuốc như:
Nội dung chính ⇒
1. Đậu xanh giải các chứng ngộ độc thực phẩm
Khi có người bị trúng độc, bạn hãy nhanh chóng lấy hạt đậu xanh nghiền nát rồi hòa với nước và đưa cho người bị trúng độc uống.
Nước đậu xanh sống sẽ hơi tanh và khi uống thật nhiều thì sẽ gây nôn. Lúc đó, chất độc sẽ được nôn ra.
2. Đậu xanh điều trị đau bụng kinh (đau trằn ở bụng dưới)
Bạn có thể lấy đậu xanh (lượng vừa đủ), nấu thành cháo rồi ăn. Đây là cách đơn giản và dễ thực hiện nhất.
Ngoài đậu xanh thì bạn còn có thể hơ nóng lá ngải cứu để chườm đắp lên bụng hoặc dùng các vị thuốc chuyên điều trị trễ kinh, bế kinh, đau bụng kinh (như hồng hoa).
3. Dùng đậu xanh điều trị nhức đầu, xót ruột, bụng cồn cào, buồn nôn
Lấy đậu xanh nấu thành cháo rồi ăn với đường (ăn 1 chén cháo thì sẽ thấy cải thiện).
4. Dùng đậu xanh điều trị quai bị (có kèm sưng, đau và sốt)
Lấy một nắm hạt đậu xanh, giã nát rồi trộn với giấm, sau đó đắp lên chỗ bị sưng (đắp một lớp dày). Khi thấy khô, ta tiếp tục lấy giấm thấm vào cho ướt lại. Mỗi ngày thực hiện vài lần như thế thì sẽ mau chóng khỏi bệnh.
5. Dùng đậu xanh điều trị giời ăn (giời leo)
Lấy 1 ít đậu xanh, giã cho nát nhuyễn rồi trộn với nước vo gạo cho sệt sệt, sau đó thoa lên vùng da bị giời leo, khi nào thấy khô lại thì bạn tiếp tục lấy nước vo gạo thấm lên hoặc thoa tiếp phần thuốc mới. Cách này rất hay.
Cách khác: nhai nát hạt đậu xanh rồi đắp lên 2 – 3 lần mỗi ngày (thường thì sau 1 hoặc 2 ngày là khỏi).
6. Dùng đậu xanh điều trị Gút (thống phong, gout)
Lấy 70 g – 80 g đậu xanh nguyên hạt, cho vào chảo rồi vặn lửa vừa vừa, sao qua sao lại cho vàng rồi vặn lửa nhỏ lại, đổ 2 lít nước vào, nấu cho sôi rồi đợi 5 phút nữa thì tắt bếp. Sau đó, bạn cho vào bình giữ nhiệt, bình thủy (hoặc ca thủy tinh có nắp đậy) để uống dần trong ngày. Mỗi lần uống, bạn rót nửa ly hoặc một ly và ăn một ít cái (khi hạt đậu xanh đã chín nở).
Cách khác: lấy 100 – 150 g đậu xanh hạt, ngâm nước cho hơi nở (khoảng 60 phút) rồi nấu cho chín nhừ (nấu bằng lửa vừa). Sau đó, bạn chia thành hai phần rồi ăn vào buổi sáng và buổi chiều (hoặc buổi trưa cũng được).
7. Dùng hạt đậu xanh giải độc khoai mì (giải độc sắn)
Nếu ăn củ khoai mì sống hoặc chưa chín hẳn thì sẽ rất dễ bị ngộ độc. Để giải độc khoai mì, ta lấy một chén hạt đậu xanh, giã cho nát ra rồi cho vào nồi, đổ nước vào, nấu cho sôi rồi nhanh chóng làm nguội nồi nước đó (chẳng hạn như để vào thau nước lạnh). Khi thấy nước nguội, bạn chắt lấy nước rồi cho người bị ngộ độc uống một nửa, nửa còn lại thì uống sau 1 tiếng, như vậy thì sẽ giải được chất độc.
Lưu ý: Khi bị ngộ độc khoai mì (người miền Bắc gọi là say sắn), nạn nhân sẽ thấy chóng mặt, nhức đầu, nôn mửa… Vì vậy, nạn nhân cần tự “móc họng” để nôn hết chất độc ra, sau đó mới uống nước đậu xanh.
Cách khác giúp giải độc khoai mì: Nếu không có đậu xanh, bạn có thể hái một nắm lá và ngọn rau lang tươi (khoảng 200 g), rửa sạch, giã nát rồi cho thêm chút nước vào, vắt lấy nước ấy uống ngay.
Cách phòng ngừa ngộ độc khoai mì: Bạn nên chế biến thật chín rồi mới ăn. Đồng thời, củ khoai mì đào lên xong thì nên gọt vỏ và làm thành món ăn ngay (vì để lâu thì chất độc sẽ càng nhiều). Ngoài ra, khi luộc khoai mì, bạn nên bẻ vài lá rau lang bỏ vào nồi nước luộc, như thế sẽ giúp giảm nguy cơ ngộ độc.
Đậu xanh có tác dụng gì theo y học cổ truyền?
Theo y học cổ truyền, hạt đậu xanh có tính bổ mát, giúp thanh nhiệt giải độc và điều hòa ngũ tạng. Không chỉ thế, đậu xanh còn tốt cho khí lực và điều trị được các bệnh do nóng nhiệt gây ra. Vì vậy, người thường uống sữa đậu xanh, uống nước nấu từ đậu xanh hay ăn đậu xanh nấu cùng cơm sẽ có làn da đẹp, ít nổi mụn hơn những người khác.
Mỗi ngày ăn bao nhiêu đậu xanh là đủ?
Mỗi ngày, mỗi người chỉ cần ăn khoảng 50 – 100 g đậu xanh đã nấu chín (hoặc ít hơn, tùy khả năng), không nên ăn quá nhiều vì sẽ dẫn đến khó tiêu (đậu xanh rất bổ nên khó tiêu hóa).
Mỗi tuần, bạn chỉ cần ăn 2 hoặc 3 lần là đủ, không nên lạm dụng, bạn nhé!
Tác hại của đậu xanh – Ai không nên ăn đậu xanh?
- Người đang uống thuốc không nên ăn vì đậu xanh có tính giã thuốc, sẽ làm mất tác dụng của thuốc đó.
- Người bao tử yếu, hay khó tiêu hoặc thể tạng hàn (hay sợ lạnh, tiêu chảy, lạnh và nhức tay chân…) không nên ăn đậu xanh (vì đậu xanh rất bổ nên khó tiêu và đậu xanh có tính hàn, nếu ăn sẽ làm tình trạng xấu hơn).
- Không ăn quá nhiều đậu xanh vì sẽ dễ dẫn đến các tác dụng phụ như trướng bụng, bệnh dạ dày…
Đậu xanh có tên khoa học là gì, tên tiếng Anh, tiếng Trung là gì?
Cây đậu xanh có tên khoa học là Vigna radiata, trong y học cổ truyền được gọi là lục đậu.
Trong tiếng Anh, đậu xanh được gọi là “mung bean”.
Trong tiếng Trung, hạt đậu xanh được gọi là “绿豆” (lục đậu).
Đậu xanh có chứa các chất dinh dưỡng nào và cung cấp bao nhiêu calo?
Đậu xanh là loại hạt giàu dinh dưỡng. Trung bình, 100 g hạt đậu xanh cung cấp đến 347 kcal.
Ngoài hàm lượng đạm cao (28,86 g/ 100 g), đậu xanh còn chứa nhiều chất xơ (16,3 g/ 100 g) và nhiều loại vitamin, khoáng chất như: vitamin B1, B2, B3, B5, B6, B9, C, E, K…; Can xi, Sắt, Ma giê, Man gan, Phốt pho, Kẽm… (xem thêm bảng dưới đây).
Tư liệu tham khảo
- Tạ Duy Chân, Những phương thuốc hay – “Rau cỏ trị bệnh”, 1998.
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1.
- Mung bean, https://en.wikipedia.org/wiki/Mung_bean
Xem thêm: Đậu đỏ có tác dụng gì?