Đậu xanh có tác dụng gì?
Không chỉ nổi tiếng là loại hạt giúp điều trị giời ăn (bằng cách nhai nát, đắp lên); đậu xanh còn giúp hạ mỡ máu, điều trị Gút và tiểu đường.
Nội dung chính ⇒
Cách dùng đậu xanh điều trị Gút (Gout, thống phong)
Bạn có biết tại sao người bị Gút cần tránh thực phẩm chứa nhiều đạm nhưng đậu xanh – chứa rất nhiều đạm (28 %) lại được dùng điều trị Gút không?
Đó là vì sau khi rang vàng 80 g đậu xanh rồi nấu lấy nước uống dần trong ngày thì nước đậu xanh rang sẽ có tác dụng lợi tiểu, hỗ trợ đào thải axit uric qua đường tiểu. Thêm vào đó, đậu xanh còn có tác dụng thanh nhiệt, kháng viêm, vì vậy, khi hạt đậu chín nở và ta vừa uống nước, vừa ăn cái thì nó sẽ giúp bớt sưng đỏ và làm dịu cơn đau.
Cách dùng đậu xanh điều trị tiểu đường (đái tháo đường)
Tương tự như thế, đậu xanh chứa 6,6 % đường nhưng lại có tác dụng hạ đường huyết và nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đều đã thừa nhận tác dụng này (ở từng mức độ khác nhau, xem thêm tại đây: (1) (2) (3) (4)).
Không chỉ thế, đậu xanh còn chứa các hoạt chất giúp cải thiện khả năng tiết insulin của cơ thể (hoocmon insulin giúp tế bào sử dụng đường, từ đó làm giảm lượng đường trong máu).
Trong công trình Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, trang 932, nhà nghiên cứu Đỗ Tất Lợi cũng có nói đến tác dụng điều trị tiêu khát (đái đường) của hạt đậu xanh. Cách dùng rất đơn giản, đó là nấu đậu xanh ăn hàng ngày (nấu chín nhuyễn như cháo rồi ăn, không bỏ thêm đường hay bất cứ gia vị gì).
Trong công trình Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới, tập 1, trang 918), nhà nghiên cứu Võ Văn Chi cũng nói rằng dân gian thường dùng đậu xanh nấu cháo ăn để trị khát nước uống nhiều và đái tháo đường (tiểu đường).
Ngoài cách dùng riêng đậu xanh (như đã kể trên) thì dân gian còn kết hợp đậu xanh với đậu đỏ và bo bo (tức vị thuốc “ý dĩ” được bán trong các tiệm thuốc Bắc hoặc ở chợ), mỗi loại 40 g, nấu chín thành cháo để ăn dần trong ngày (mỗi ngày đều ăn) (theo trang nongnghiep.vn).
Người bị tiểu đường kèm béo phì và máu nhiễm mỡ có dùng đậu xanh được không?
Câu trả lời là được. Đậu xanh chứa nhiều chất xơ nên giúp giảm cân, giảm mỡ máu và làm chậm quá trình giải phóng đường đơn vào máu. Vì vậy, nó có lợi cho bệnh nhân tiểu đường đang bị kèm các bệnh khác như mỡ máu cao, thừa cân, béo phì.
Cụ thể, theo tạp chí Plant Foods for Human Nutrition, bổ sung 1 hoặc 2 % đậu xanh có thể giúp giảm mỡ máu toàn phần (thông qua nhiều cơ chế, trong đó có sự tăng cường tiết axit mật giúp tiêu hóa chất béo) (3).
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu trên chuột thí nghiệm (ở chế độ ăn giàu chất béo) cũng cho thấy: việc bổ sung bột đậu xanh giúp giảm tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid, giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ và giảm sự tăng cân (giảm tích tụ chất béo) (theo tạp chí European Journal of Nutrition) (4).
Trong dân gian, đậu xanh cũng được dùng điều trị mỡ máu cao, giúp lợi tiểu và giải độc gan bằng cách lấy 20 – 30 g đậu xanh, nấu thành cháo để ăn trong ngày.
Tư liệu tổng hợp
- Đậu xanh trị tiểu đường, https://nongnghiep.vn/dau-xanh-tri-tieu-duong-d96854.html,
- Mung bean, http://www.gilisting.com/glycemic-index/2007/01/gi-of-mung-beans.html,
- Mung Bean Decreases Plasma Cholesterol by Up-regulation of CYP7A1, https://link.springer.com/article/10.1007%2Fs11130-014-0405-1
- Whole mung bean (Vigna radiata L.) supplementation prevents high-fat diet-induced obesity and disorders in a lipid profile and modulates gut microbiota in mice, https://link.springer.com/article/10.1007%2Fs00394-020-02196-2
Xem thêm: Đậu xanh và các bài thuốc chữa bệnh theo y học cổ truyền
Từ khóa: Đậu xanh có tác dụng gì?