Có một chuyện khiến mình day dứt hoài, nên viết ra luôn để không day dứt nữa. Day dứt tạo ra nghiệp.
Tháng 9 năm ngoái, lúc bão Yagi tàn phá gây lũ cuốn, mình có ra Bắc để tiếp tế, đi cùng nhiều đoàn đến nhiều tỉnh và thấy khía cạnh này: nhiều người đi cứu trợ bão lũ – sạt lở nhưng đồng thời cũng là những người sở hữu nhiều gốc cây cổ thụ trong nhà nhất.
Nhiều bộ bàn ghế, lục bình, mô hình trang trí… được làm từ những cái cây hàng trăm năm tuổi. Một chị trong đoàn, đến khi nhìn những mảng đất trôi cùng nước, cuốn bao nhiêu thứ ra đi… mới bàng hoàng, nghĩ về “biệt phủ bằng gỗ” bỏ hoang của mình và nhận ra: con người, đôi khi là chính mình, vẫn chưa thực sự nhìn cuộc sống một cách sâu sắc!
Mình không chống lại nhà gỗ vì nó thoải mái, nhưng khi bạn dùng gỗ từ rừng, bạn phải có trách nhiệm trồng cây.
Trên mạng, nhiều người hô hào “hãy dùng giấy thay nhựa”, và khắp nơi, người ta dùng khăn giấy, chén giấy, ly giấy, ống hút giấy… một cách thoải mái đến mức vô tội vạ vì nghĩ “giấy phân hủy tốt, thân thiện với môi trường”. Đúng vậy. Nhưng bao nhiêu nhiên liệu trong quá trình sản xuất giấy đã được sử dụng và xả thải? Và giữa một cái ly nhựa có thể dùng được vài chục năm, so với hàng ngàn ly giấy phải dùng trong từng ấy năm, cái nào hoang phí hơn?
Vì vậy, đâu đó, mình nghĩ khẩu hiệu không phải là chống cái này cái kia, chống đồ nhựa hay túi nilon, mà là sử dụng làm sao cho tiết kiệm tài nguyên nhất. Ban đầu, người ta sản xuất ra túi nilon là để mọi người có thể dùng nhiều lần, nhưng cuối cùng nó lại trở thành thứ dùng 1 lần và vứt bỏ. Vấn đề là TÁI SỬ DỤNG một cách AN TOÀN và dùng tài nguyên của Trái Đất một cách có ý thức.
Đâu đó, mình cảm thấy hoang hoải cho sự vô minh của chính mình và của tập thể nói chung. Chính mình cũng hay vứt rác bừa bãi và phải thu gom hàng tuần. Phải mất rất nhiều thời gian để mình tập dần, thì huống chi những người không có quan niệm gì về rác thải.
Mình vừa gặp 1 cô về từ Mỹ. Cô ấy nói người Mỹ đa phần tiêu xài kinh lắm. Mua sắm rất nhiều và không dùng hết khả năng của từng món. Rất nhiều đồ hết hạn trở thành phế thải, làm tiêu tốn rất nhiều tài nguyên. Và Việt Nam cũng đang như thế. Khi sản xuất 1 thứ gì đó, máy móc đã thải khói bụi và tạp chất vào môi trường, chứ không phải khơi khơi mà có, và nó sẽ đi về đâu?
Mình bán hàng, nên nếu kêu mọi người bớt mua sắm linh tinh lại, tiết kiệm hơn thì chắc chắn nhiều món của mình sẽ không bán được, nhất là những món chỉ để trang trí (tầm 50 % hàng hóa của mình). Nên tuyên truyền như vậy chẳng khác nào tự chặt tay mình. Nhưng không sao, thị trường rộng mở, mình lại bán những món cần thiết hơn, những món không xả thải nhiều. Cuộc sống phải vận hành như vậy, muốn chống cái xấu thì cái tốt phải vươn lên.
Mình thích câu thơ này: “Thực hiện từ bi lực phải hùng”. Đó là văn hóa Á Đông, nơi mà các vị thần cầm gươm, các nhà sư sẵn sàng ra chiến trận, những người từ bi đầy sức mạnh, ra công phổ tế, trừ gian diệt ác. Viết tới đây tự nhiên thấy yêu nước quá. Văn hóa Việt Nam đẹp biết bao nhiêu!
