Quả dưa gang có phải là dưa bở? Dưa gang (dưa bở) có tác dụng gì?
Dưa gang vừa là loại quả giải khát lại vừa có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, cuống dưa gang lại có độc nên cần lưu ý khi dùng.
Nội dung chính ⇒
Vài nét về dưa gang (dưa bở)
Quả dưa gang không xa lạ gì với người miền Nam. Vào những buổi trưa hè nắng nóng, dầm một ly dưa gang ăn thì vừa thơm vừa mát. Cái tên dưa gang, không biết có phải bắt nguồn từ chiều rộng tầm một gang tay của nó không nhưng cầm quả dưa gang chín vàng, vừa nặng vừa to thì vui thú vô cùng.
Ở miền Bắc, quả dưa gang được gọi là dưa bở vì khi quả chín, thịt và vỏ quả đều mềm bở ra, ăn vào thấy ngọt và thơm (1).
Ăn dưa gang có tác dụng gì?
Nếu là người từng ăn qua dưa gang, hẳn bạn sẽ cảm nhận được tác dụng giải nhiệt và giải khát rất hiệu quả của nó. Không chỉ thế, ăn dưa gang còn giúp dễ ngủ, nhuận tràng và điều trị táo bón. Theo Đông y, thịt quả dưa gang có vị ngọt và có tính lạnh (tính hàn).
Ngoài các tác dụng trên, việc ăn dưa gang thường xuyên còn mang lại những hiệu quả nhất định đối với đường tiết niệu, đồng thời giúp thanh lọc máu, giảm hôi miệng và làm chậm lão hóa da. Bạn có thể gọt vỏ, bỏ ruột rồi bóc lớp thịt ăn tươi, chấm đường hay xay sinh tố, dầm nước đá, làm kem dưa gang…
Lưu ý: Một số người thích ăn dưa gang chưa chín vì chúng cứng và giòn hơn (hoặc ăn dưa gang muối, mắm dưa gang…). Tuy nhiên, ăn nhiều dưa gang chưa chín sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa và làm cơ thể suy nhược. Vì vậy, hãy chọn những quả đã chín đều, vỏ chuyển sang vàng và thịt quả mềm để ăn, bạn nhé!
Trong dưa gang có chứa các chất dinh dưỡng nào?
Quả dưa gang chứa đường, chất đạm, chất béo cùng các vitamin A, B2, B5, C, E… Ngoài ra, trong dưa gang còn chứa nhiều khoáng chất như Canxi, Sắt, Photpho, Kali, Natri, Kẽm, Photpho, Đồng, Mangan, Selen…
Với thành phần dinh dưỡng như trên, dưa gang sẽ góp phần không nhỏ trong việc cân bằng và điều hòa các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Hoa, rễ và hạt dưa gang (dưa bở) có tác dụng gì?
Hoa dưa gang: Theo y học cổ truyền, có thể dùng hoa dưa gang để chữa bệnh ho bằng cách sắc uống (từ 5 – 15 g hoa mỗi ngày). Khi bị nhọt độc, bạn cũng có thể hái hoa dưa gang tươi, giã nát và đắp lên da.
Hạt dưa gang: Theo y học cổ truyền, hạt dưa gang có tính hàn và có tác dụng thanh phế, nhuận tràng, tán kết. Bên cạnh đó, hạt dưa gang còn giúp điều trị tê liệt, ho nhiệt và miệng khát. Khi có nhu cầu dùng hạt dưa gang làm thuốc, các bệnh nhân nên hỏi thêm ý kiến của thầy thuốc để có hướng dẫn về liều lượng cho từng trường hợp.
Rễ và lá dưa gang: Rễ dưa gang có tác dụng điều trị ho gió, lá dưa gang giúp lợi tiêu hóa. Trong trường hợp bị sưng tấy do độc và ngứa ngoài da, có thể lấy cả dây dưa gang giã nát, vắt lấy nước rồi thoa ngoài da.
Cuống dưa gang và độc tính cần lưu ý
Cuống dưa gang có vị đắng, tính lạnh và có độc. Nếu ăn nhầm cuống dưa gang, bạn có thể gặp phải các triệu chứng nhiễm độc như buồn nôn, đau bụng, kiết lỵ, khó thở… (thời gian phát độc thường trong vòng nửa tiếng sau khi ăn).
Tuy nhiên, với liều lượng và cách thức sử dụng phù hợp, cuống dưa gang lại có tác dụng trừ đờm, trừ thấp và giải độc bằng cơ chế gây nôn mửa (ngoài ra còn giúp điều trị vàng da). Tuy nhiên, như đã nói, cuống dưa gang có độc nên ít được dùng chữa bệnh.
Khi dùng dưa gang cần lưu ý điều gì?
1. Dưa gang có tính hàn nên người suy nhược hoặc vừa mới khỏi bệnh không nên dùng. Bên cạnh đó, những người thuộc tạng hàn, bị đái tháo đường hay đang mắc các bệnh về tiêu hóa, tim mạch cũng không nên dùng dưa gang.
2. Dưa gang (dưa bở) khác với dưa lưới, dưa hoàng kim…
3. Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng chữa bệnh.
Dưa gang có tên khoa học là gì?
Dưa gang là một giống nhỏ của loài Cucumis melo L., thuộc họ Bầu bí: Cucurbitaceae.
Dưa gang là loại trái cây ăn vặt ở quê tôi. Vào mùa lúa, nắng nóng, có một ly dưa gang chín thơm dầm nước đá thì sảng khoái vô cùng. Dưa gang không béo và chỉ ngọt nhẹ nhưng lại thơm đến khó cưỡng. Khi chín, thịt nó bùi, mềm, nháp nhưng dễ ăn và không gây ngán.
Bạn có thích ăn dưa gang không?
Xem thêm: Củ kiệu chữa bệnh gì, củ kiệu có tác dụng gì?
Tư liệu tổng hợp
- 甜瓜, https://baike.baidu.com/item/%E7%94%9C%E7%93%9C/2771789
- Minh Hạnh (biên soạn), Chữa bệnh bằng rau củ quả và động vật, NXB Văn hóa thông tin, trang 104.
- Vương Ngọc Điển, Trái cây chữa bệnh, NXB Phụ nữ, trang 83.
- Nhiều tác giả, Chữa bệnh bằng cây lá quanh nhà, NXB Văn hóa dân tộc, trang 109.