Dừa nước là đặc sản ẩm thực chỉ có ở vùng sông nước, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ.
Đi về Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau…, bạn sẽ thấy thấp thoáng những vạt dừa nước mọc trên sông. Và như tên gọi, loài này mọc lan dưới sông nước, tạo thành một vùng cây ngập nước sầm uất.
Được biết, với cây dừa nước, bạn có thể thu dịch mật cuống hoa (để làm mật đường dừa nước, tương tự như đường thốt nốt, đường dừa), có thể thu lá để làm lá nhà và thu quả để làm thức ăn.
Quầy dừa nước to, tròn, rất nặng bởi gồm nhiều quả màu nâu hợp lại. Mỗi quả như thế có thể nắm gọn trong lòng bàn tay, chẻ ra làm hai thì bên trong sẽ có cơm dừa và một ít nước (rất ít, không đáng kể).
Nội dung chính ⇒
Dừa nước có tác dụng gì, có tốt không?
Trái dừa nước được nhiều người ưa chuộng vì có mùi thơm đặc trưng không dễ diễn tả. Nếu đã ăn qua một lần, ắt hẳn bạn sẽ nhớ đến mùi hương của nó (hơn là vị ngọt hay màu trắng trong của miếng cơm dừa).
Sau khi dùng muỗng múc lấy lớp cơm dừa trắng trong, ta cho vào ly, thêm chút đường và nước đá rồi thưởng thức!
Thật vậy, vào buổi trưa hè, có một ly dừa nước nhâm nhi thì sảng khoái không gì bằng!
Được biết, phần cơm dừa nước có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
- Cung cấp chất chống oxy hóa tự nhiên, làm chậm lão hóa, giúp đẹp da.
- Giải khát và cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa.
- Giúp kiểm soát đường huyết.
- Thanh nhiệt cơ thể, sảng khoái tinh thần.
- Giúp cân bằng điện giải, điều hòa huyết áp.
- Phòng ngừa thiếu máu và tốt cho não bộ.
- Cung cấp chất đạm và nhiều khoáng chất như Ka li, Phốt pho, Can xi, Na tri… và các vitamin như vitamin A, vitamin B9, vitamin C…
Cách dùng: dầm nước đá, làm mứt, nấu chè…
Ăn dừa nước có mập không và có nóng không?
Câu trả lời là KHÔNG vì dừa nước chứa nhiều nước (giúp thanh nhiệt), nhiều chất xơ (giúp bạn mau no) và không có chất béo. Hơn nữa, lượng đường tự nhiên có trong cơm dừa nước cũng không gây ứ trệ, tích tụ mỡ (vì nó được cơ thể hấp thụ và chuyển hóa từ từ).
Tuy nhiên, khi ăn thì bạn nên ăn không (không thêm đường hoặc các thực phẩm khác). Ngoài ra, bạn cũng không nên ăn quá 7 trái mỗi ngày.
Bà bầu ăn dừa nước được không?
Bà bầu có thể ăn dừa nước để thay đổi khẩu vị, thanh mát cơ thể, cải thiện tình trạng tiểu rắt và phòng ngừa tiểu đường thai kỳ.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên ăn quá nhiều vì sẽ gây áp lực cho hệ tiêu hóa.
Lưu ý
- Không nên ăn quá 100 g cơm dừa nước mỗi ngày (không ăn quá 7 trái mỗi ngày).
- Người thể tạng hàn, Âm thịnh Dương suy không nên ăn nhiều.
- Sau khi múc cơm dừa nước ra thì bạn nên ăn ngay và nên để trong ngăn mát trong tủ lạnh nếu ăn không kịp. Lưu ý: không nên để quá 12 tiếng.
- Bà bầu đang bị tiểu đường thai kỳ hoặc người bị tiểu đường không nên ăn nhiều.
Mật dừa nước là gì, ăn có tốt không?
Cây dừa nước giống cây dừa và cây thốt nốt ở chỗ: trong cuống hoa (cụm bông mo) có chất dịch mật ngọt như đường và khi chúng ta tác động bằng cách cắt (kết hợp massage, vỗ nhẹ… tùy loại cây) thì dịch mật ấy sẽ chảy ra (thường cắt vào buổi chiều, treo đồ hứng dịch mật và để qua đêm, đến sáng hôm sau thì lấy).
Dịch mật này thơm ngọt, nhiều dưỡng chất, nếu uống tươi (thêm nước đá) thì sẽ rất mát và ngon! Tuy nhiên, dân gian thường nấu lên để làm đường (hoặc cô đặc nhưng ở dạng chảy để làm mật hoa dừa…).
Được biết, mật hoa dừa nước là chất tạo ngọt an toàn vì có chỉ số đường huyết thấp. Vì vậy, nó thường được các bệnh nhân tiểu đường type 2 dùng thay cho đường cát (để hạn chế tình trạng tăng đường huyết và tăng cân).
Khi ăn, bạn sẽ thấy nó có vị ngọt thanh và nếm kỹ thì sẽ thấy hơi mặn nhẹ (vì có chứa các khoáng chất tự nhiên).
Cách dùng:
- Dùng để pha cà phê, pha nước chanh, nước cam, nước tắc, pha trà, pha sữa đậu nành…
- Dùng để kho cá, xào rau, nấu chè, làm bánh…
- Dùng cho các loại sinh tố và nước ép trái cây… (thay cho đường phèn hoặc đường cát).
- Dùng để ngào cơm dừa nước…
***
Với tôi, hình ảnh những dãy dừa nước mọc sầm uất trên sông là hình ảnh đẹp nhất của sông nước Nam Bộ. Nhìn sự sầm uất ấy, nhiều người sợ sẽ có cá sấu vì ngày xưa, dưới sông hay có cá sấu, nhất là những vùng vắng người, hay có dừa nước, cây bần, cây đước…
Ngày nay, những rừng dừa nước không còn nhiều, những ngôi nhà lợp bằng lá dừa nước cũng trở nên hiếm hoi. Phải đi sâu vào những vùng đất ruộng hoặc xuống vùng miệt thứ, người ta họa may mới thấy dừa nước.
Giá dừa nước cũng tăng bởi công thu hái và công sơ chế. Bạn biết đấy, quầy dừa nước rất to và nặng, chứa rất nhiều trái nhỏ. Phần thịt bên trong lại rất nhỏ, phải dùng dao (búa) chẻ ra mới lấy được. Ấy vậy mà bao người vẫn thèm thuồng cái lớp cơm dừa trắng trong ấy. Nhỏ xíu mà ngọt, mát, mềm và thơm vô cùng. Hương thơm của nó chất chứa tinh hoa của đồng nước, của sình lầy.
Như hương sen toát lên giữa bùn lầy, nhưng hương dừa nước đặc trưng và ấn tượng hơn.
Làm thế nào để bạn có thể cảm nhận được mùi hương ấy nhỉ? Chỉ khi ăn qua, ngửi qua, bạn mới hiểu vì sao nhiều người lại mê dừa nước đến thế!
Tư liệu tham khảo
- Phân biệt cây dừa nước và rau dừa nước, https://caythuoc.org/phan-biet-cay-dua-nuoc-voi-rau-dua-nuoc-trong-dieu-tri-benh.html
- Trái dừa nước có tác dụng gì, có công dụng gì?, https://voh.com.vn/dinh-duong/dua-nuoc-396346.html
- Dừa nước có gây béo mập không?, https://duanuocongsau.com/blogs/cam-nang-dua-nuoc/an-dua-nuoc-co-map-khong
- Dừa nước gây tăng cân hay giảm cân?, https://duanuocongsau.com/blogs/cam-nang-dua-nuoc/an-dua-nuoc-co-tang-can-khong
- Có bầu ăn dừa nước được không?, https://voh.com.vn/me-va-be/ba-bau-an-dua-nuoc-duoc-khong-396081.html
- Mang thai ăn dừa nước được không?, https://duanuocongsau.com/blogs/cam-nang-dua-nuoc/an-dua-nuoc-khi-mang-thai
- Ăn dừa nước nóng hay mát?, https://beanmart.vn/bat-dau-mot-bai-viet/