Hôm nọ, mình dịch bài “Sadhguru kể về Đức Phật”, dịch xong tự nhiên thấy buồn mênh mang.
Trong câu chuyện mà Sadhguru kể có chi tiết Đức Phật ăn thức ăn cúng dường và phát hiện nó có độc. Sau đó, Đức Phật xin người cúng dường hãy hài lòng vì Đức Phật đã ăn rồi, phần thức ăn còn lại, xin đừng cho các đệ tử ăn vì họ sẽ không tiêu hóa được.
Sau đó, Đức Phật bị cơn đau hành hạ đến mức không ngồi nổi và phải nằm để nói chuyện. Tuy nhiên, nếu nằm thẳng thì lại khó nói chuyện vì không thể nhìn thấy các đệ tử, vì vậy, Đức Phật mới nằm nghiêng.
Ngày nay, nhiều người bắt chước nằm với tư thế đó vì nghĩ rằng tư thế đó linh thiêng, nhưng thật ra, đó là tư thế của người bệnh.
Tự nhiên, mình nhớ lúc mình còn nhỏ, mỗi lần đi chùa, hễ thấy “tượng Phật nằm” là mình đi lại chạm vào bàn tay của ngài (vì các bàn tay của tượng Phật đều rất đẹp). Lúc đó, mình thắc mắc theo kiểu suy nghĩ trẻ con: “Đúng là 32 tướng tốt tuyệt vời, nằm cũng đẹp. Nhưng tại sao ông Phật lại nằm yểu điệu như vậy he? Y như con gái. Lại còn lấy bàn tay kê đầu nữa chứ”.
Sau này, mình đọc được một số tư liệu nói rằng Đức Phật qua đời vì bị tiêu chảy xuất huyết, vì bị hạ độc, vì một bệnh mãn tính nào đó… (có nhiều giả thuyết); nhưng nhìn chung là qua đời do bệnh tật và chắc chắn, những ngày cuối đời là những ngày không dễ dàng chút nào, của một người già 80 tuổi, xin cho phép mình gọi là một người già, bởi vì nếu gọi là Đức Phật, nhiều người sẽ nghĩ rằng Đức Phật có diệu pháp và không biết đau!
Không! Đau chứ! Đau đến ngồi không nổi và phải nằm để dặn dò các đệ tử bước tiếp con đường.
Tự nhiên, mình hình dung về cái ảnh éo le hôm đó, trong một khu rừng, có lẽ các đệ tử phải dìu hoặc khiêng Đức Phật (vì Đức Phật đi không nổi), và Đức Phật đã mất trên đường đi – chứ không phải mất trong một thị trấn hay trong một ngôi nhà nào đó.
Chân lý ở đây là gì? Không ai có thể tránh khỏi sinh – lão – bệnh – tử và những chuyện bất thình lình. Đó cũng là cái mà Đức Phật đã nói đến trong Tứ diệu đế. Đức Phật có thể có thần thông, có thể dùng năng lượng… nhưng ngài không thể chống lại quy luật của tự nhiên.
Khi đã mang xác thân vật chất, chúng ta phải chấp nhận những hạn chế của nó. Chúng ta không bất tử. Thời gian sống của chúng ta là có hạn.
Chỉ là, thái độ của chúng ta đối với nó như thế nào? Và làm sao để không bị khổ vì nó?
Đức Phật đã trải qua nỗi đau thể xác nhưng chắc chắn không bao giờ có sự đau khổ trong tâm trí của ngài. “Phật” nghĩa là người đã vượt lên trên trí tuệ của mình, như Sadhguru đã nói.
Phép mầu của Phật không phải là trường sinh… mà là cái nhìn giác ngộ. Nó không thể biến hòn đá thành thức ăn, nhưng nó có thể biến một người đau khổ thành hạnh phúc, để người đó bình thản bước qua cuộc đời này.
***
Chào bạn, mình là Tuyết Nhi, người viết bài này, cũng là admin của kênh.
Bạn có thể liên hệ và góp ý cho mình qua zalo 0979254124.
Cũng có thể ủng hộ mình tiếp tục viết lách và duy trì kênh qua số tài khoản 1800 259 157 122, Agribank.
Sách sắp xuất bản: Tư duy thành công trong mọi ngành nghề. Giá 89.000 đ.
Cảm ơn bạn.