Mình có một thói quen, không biết bạn có không? Đó là khi bị ai đó làm tổn thương thì sau một khoảng thời gian, dù cho chuyện đó đã qua lâu rồi, mình cũng sẽ thỉnh thoảng nhớ lại.
Lúc đó, tự tâm trí mình kể lại nó. Mình bắt đầu nhớ lại câu nói khiến mình đau lòng, hành động khiến mình tổn thương, những điều khiến mình đau đớn, …
Và rồi bản thân mình đắm chìm, ngấm dần trong thứ cảm giác đó.
Bạn có như vậy không, có từng day dứt về những đau buồn, những bất hạnh trong quá khứ?
***
Bạn biết không, nếu để ý, bạn sẽ thấy trong lúc hồi tưởng lại những điều tổn thương đó, ngoài nỗi đau thì còn có một thứ cảm giác đặc biệt khác nữa.
Có một thứ gì đó vừa được thỏa mãn.
Vâng, chính là cái TÔI.
Nó khoác lên mình một bộ áo khôn lanh, rất kiêu ngạo nhưng bản chất thì lại vô cùng yếu đuối.
Trong sâu thẳm cái tôi ấy, nó luôn sợ bị bỏ rơi, sợ không được quan tâm…
Nó khát khao yêu thương, nó muốn được kết nối để thấy yên tâm, để biết mình còn tồn tại.
***
Người ta, dù cho tự cao thế nào cũng sẽ có lúc muốn biết người khác nghĩ gì về mình.
Và người ta, dù kiêu ngạo đến thế nào, cũng sẽ có lúc muốn được bảo ban, che chở…, không phải sao?
Cho nên, khi bị tổn thương, bản thân chúng ta trỗi dậy bản năng tự bảo vệ nó bằng cách cất lên tiếng nói an ủi:
- Không sao đâu! Cố lên!
- Đừng buồn!
- Đừng sợ! Mày phải cố lên!
Chúng ta tự nói với mình:
- Nỗi khổ này, những người ngoài kia làm sao hiểu được!
- Họ làm sao hiểu rằng trong cõi nhân sinh này, ta cô độc đến như thế!
- Không ai có đủ tư cách để phán xét tôi, bởi vì họ chưa trải qua những điều tôi đã trải qua.
Hơn nữa, có khi tiếng nói ấy còn bênh vực, chất vấn:
- Tôi có làm gì sai?
- Tại sao họ lại đối xử với tôi như vậy!
Giữa rất nhiều câu chuyện của cuộc đời, không phải ai cũng sẵn lòng bênh vực bạn; không phải ai cũng sẵn sàng bảo hộ và chất vấn những kẻ đã làm tổn thương bạn.
Cho nên, những lời tự an ủi ấy, nó xoa dịu bạn, giúp bạn đỡ sợ hãi hơn.
Và cũng đỡ tủi thân hơn.
Mỗi lần cái đứa trẻ yếu đuối bên trong bạn được vỗ về, nó cảm thấy yên tâm.
Chính vì vậy, bạn dần dần thích cảm giác đó – cảm giác tự mình bảo hộ mình, tự mình an ủi mình.
Cô đơn trong nỗi đau, nó giúp bạn thấy rõ hơn về sự tồn tại của mình.
Và cả những diễn biến trong cảm xúc của mình.
Hơn nữa, khi bạn được ủng hộ bởi cái TÔI của chính mình, nó còn cho bạn sức mạnh để tiếp tục sống, để vượt qua giai đoạn khó khăn tột cùng đó.
Bạn thấy rằng, sau mỗi lần hồi tưởng lại quá khứ đau khổ, bạn lớn lên thêm, trưởng thành hơn. Và bạn tin đó là điều tốt.
Hiển nhiên nó là điều tốt.
Vượt qua đau thương, con người sẽ trưởng thành hơn. Và ý chí cũng chỉ được tôi rèn khi chúng ta dám đương đầu với nghịch cảnh.
Thế nhưng, hoài niệm khổ đau cũng chứa điểm yếu của chính nó.
Ngày qua ngày, những câu chuyện bi đát mà bạn tự dằn vặt, tự kể lại bằng ký ức đó; nó bắt đầu trở thành một phần trong cuộc sống của bạn.
Càng đắm chìm trong thú đau thương, bạn lại càng khó dứt ra và cảm thấy nó như một món ăn tinh thần.
Để rồi, mỗi khi sắp mở rộng một mối quan hệ, mỗi khi đón nhận niềm vui hay những khi rảnh rỗi, …, bạn lại theo thói quen, nhớ về vết thương cũ và bắt đầu thu mình lại, an trú trong niềm đau thương đó.
Nó vừa cảnh báo bạn “Dừng lại đi, ngươi sẽ bị tổn thương đó!” lại vừa vuốt ve: “Không sao đâu! Đừng sợ! Hãy an trú ở đây, không ai có thể làm tổn thương ngươi nữa vì đây đã là nơi tổn thương nhất rồi!”
Bạn biết không, nỗi đau, nếu bạn không chấp nhận, không yêu thương và không thả nó đi thì nó sẽ quay trở lại mê hoặc bạn. Một khi bạn nghe theo nó, một khi bạn không từ bỏ được cơn nghiện đắm chìm trong những điều đau thương, bạn sẽ càng dung dưỡng cho thói thụ động, sợ sệt và trốn tránh các mối quan hệ trong cuộc sống.
***
Thậm chí, trong tình yêu, có không ít người còn vì mặc cảm thất bại mà từ chối cả những mối quan hệ mới. Họ sợ lại một lần nữa đối diện với cảm giác tan vỡ.
Kênh radio Nhụy Hy nói rất đúng: Chưa yêu mà đã sợ đối phương không yêu mình, sợ mình bị tổn thương, sợ thiệt thòi, sợ không được hồi đáp… Suy tính thiệt hơn, đó không phải yêu mà là làm kinh doanh!
***
Mình nhớ một ai đó đã nói: Ngày nào con người còn giao tiếp với nhau là còn khả năng làm tổn thương nhau.
Thế nhưng, lẽ nào chúng ta lại chết dần chết mòn trong cái vỏ bọc của chính mình?
Thu mình lại, bạn có chắc rằng bạn sẽ bình an?
***
Hãy dũng cảm lên, bạn ạ! Hãy xem nỗi đau, sự tổn thương như một vết thương trên cần được chữa lành. Nó không làm xấu bạn đi mà ngược lại còn giúp bạn trở nên sâu sắc hơn, mẫn cảm hơn, tinh tế hơn. Càng trải nhiều, bạn lại càng thấu suốt.
Và sau này, dẫu cho có những tổn thương khác, bạn cũng sẽ không sợ hãi nữa. Bởi vì bạn biết: mỗi tổn thương đều mang lại một bài học, giúp bạn trưởng thành hơn và quan trọng là nó đến rồi sẽ đi.
Có một sự thật như thế này: Một người dự định sẽ mua đồng hồ thì khi đi vào cửa hàng, họ sẽ chú ý nhiều hơn đến những chiếc đồng hồ, bạn đồng ý chứ?
Tương tự như vậy, một khi bạn thích đắm chìm trong khổ đau, cô độc thì tâm cảnh của bạn cũng sẽ quen dần với “món ăn” là khổ đau, cô độc. Khi cái “NHÂN” (suy nghĩ) trong bạn là khổ đau, nó sẽ tương hợp những cái “DUYÊN” tương tự (từ bên ngoài).
Có nhiều người, trước muôn màu của cuộc sống, có tốt, có xấu… thì họ chỉ chú ý đến cái xấu, cái khổ đau, cho nên tâm cảnh của họ cũng đầy đau khổ.
Ngược lại, khi nhìn cuộc sống như nó vốn có, rằng có điều xấu nhưng cũng có rất nhiều điều tốt thì năng lượng tích cực trong bạn sẽ thu hút những điều tích cực, cuộc đời bạn sẽ ngày càng hạnh phúc, vui tươi.
Gặp một người nào đó, bạn mở miệng cười thì tự bạn cũng đã thấy vui trước rồi.
Đối diện với một vấn đề nào đó, bạn từ tốn và bình thản thì bên trong bạn cũng đã đỡ áp lực, như vậy không phải quá có lợi rồi sao!
Mọi thứ, rốt cuộc cũng từ tâm cảnh của bạn mà ra.
***
Vậy nên, bạn cần chiêm nghiệm và rút ra bài học từ tổn thương (để nó không tái diễn) nhưng cũng đừng quên biết ơn những điều tốt đẹp đang đến với bạn hàng ngày!
Đừng bỏ lỡ những giây phút cảm nhận cái đẹp vì mỗi người chỉ được sống một lần trong đời!
Bạn biết không, linh hồn của chúng ta là vĩnh cửu nhưng nó chỉ kết hợp với tấm thân này một lần duy nhất – trong không gian và thời gian duy nhất này – để học hỏi và tiến hóa. Cho nên, hãy trân trọng sự kết hợp này, trân trọng kiếp sống này, bạn nhé!
Mỗi ngày thức dậy, bạn mở mắt ra và biết mình còn sống, đó đã là một sự may mắn.
Trời đất cho bạn không gian để sống, cây cối cho bạn không khí trong lành để hít thở, cha mẹ cho bạn sinh mệnh để trải nghiệm cuộc đời.
Có người gieo cho bạn nỗi đau nhưng cũng có người dành tặng bạn những cảm xúc chân thành. Chỉ cần bạn mở tâm đón nhận, không chối bỏ, bạn sẽ thấy trong cuộc sống này rất nhiều điều ý nghĩa. Bạn sẽ được nếm trải yêu thương.
Dần dần, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui với chính mình. Bạn sẽ thấy yêu thương bản thân nhiều hơn và từ đó yêu thương, cảm thông cho những người khác nữa.
Hạnh phúc chính là VUI TRONG HOÀN CẢNH SỐNG.
***
Và nếu thấy không ai tốt với bạn, vậy thì bạn hãy làm người tốt đó. Không chỉ tốt với chính mình mà còn tốt với người khác nữa.
***
Mong bạn tin rằng yêu thương sẽ thu hút yêu thương, thiện ý sẽ nhận được thiện ý.
Mong bạn dũng cảm đối diện với những tổn thương mà không bị đắm chìm vào nó.
Mong bạn cất lên tiếng nói biết ơn, yêu thương với nỗi đau của chính mình:
– Ta không chấp nhất nữa. Ngươi được tự do từ hôm nay, khi nào muốn đi thì đi, ta không giữ và cũng không chối bỏ. Cảm ơn ngươi đã đến với ta. Cảm ơn sự tồn tại của ngươi đã giúp ta tôi luyện chính mình.
Cuối cùng, xin hãy nhớ rằng không phải chỉ mình bạn cảm thấy cô độc trên cuộc đời này. Con người, từ lúc sinh ra đã cô độc một mình, thay đổi cảm xúc để trưởng thành cũng là tự mình và sau này chết đi cũng vậy.
Thế nhưng, có một nhiệm vụ quan trọng hơn dành cho chúng ta khi đến với cuộc đời này, đó là yêu thương, kết nối và chia sẻ.
Làm người, như người ta thường nói, là một trải nghiệm mệt mỏi… nhưng cũng thật đáng yêu.
Xem thêm: Cách để vượt qua tổn thương và có được nét đẹp điềm đạm mặn mà