Đừng để tâm linh trong bạn chết đi.
Nhưng rất nhiều người đang chết.
Đúng vậy. Nhiều người đang chết trong sự giày vò mặc cảm, sống mà không biết cảm giác thiêng liêng là gì!
Bạn cũng vậy, ngày ngày té ngã vào công việc, nghĩ về một tương lai tươi sáng hơn.
… Nhưng…
Tương lai tới trước hay cái chết tới trước?
***
Các mối quan hệ, cơm áo gạo tiền, mưu tính đua chen, cạnh tranh thương mại, yêu đương lừa gạt…
Đã rất lâu rồi bạn sống dưới ánh mặt trời mà không hề thấy mặt trời lên như thế nào, thức đến nửa đêm mà không biết mặt trăng như thế nào…
Dưới ánh đèn công nghiệp, những con người với những chiếc ti vi, laptop, smartphone…, nhoi nhóp sự sống, bận rộn và bận rộn…
Lướt, like, bình luận, chém gió, tán tỉnh, hờn dỗi, ghi thù…
Lay hoay, lại gần Tết nữa rồi.
Và Tết cũng không vui, bởi vì đâu đó, có những người vẫn chưa quên được lỗi lầm từ quá khứ, có những người vẫn còn ám ảnh bởi sự xâm phạm và sỉ nhục…
Mệt mỏi với vợ con, gia đình…
Thất nghiệp, nợ nần, đổ vỡ…
Vì trót dại, ngông cuồng, bất cẩn.
Vì ngây thơ, hy sinh, chịu đựng.
Vì bạn bất tài.
Vì bạn xấu xí.
Bạn có một gia đình đáng xấu hổ!
…
Làm thế nào đối diện với những thứ này đây?
Chỉ có một cách thôi: chấp nhận.
***
Chỉ khi một người có sự chấp nhận sâu sắc trong lòng mình, người đó mới có thể khai tâm.
Bởi vì tâm linh, về cơ bản là cảm giác về sự thiêng liêng và trong sạch.
Nếu bạn cảm thấy mình dơ bẩn, tự nhiên bạn sẽ mất tâm linh.
Nhưng bạn đang bị u nhọt trong người, đang có vết nhơ trong tâm hồn, đang cắn rứt vì những hành động của mình… thì làm sao bạn cảm thấy trong sạch và thiêng liêng đây?
Cũng là câu trả lời đó: bạn phải có sự chấp nhận sâu sắc.
Vì sao?
Vì những gì đã xảy ra với bạn đều là để hoàn thành nghiệp của bạn. Khi bạn đến với cuộc đời này, bạn là một nguồn năng lượng với sức mạnh và cấu trúc nghiệp riêng.
Nó liên tục thu thập hàng ngày và tùy duyên mà biểu hiện ra, qua cuộc đời của bạn.
Quá trình hiện thực hóa năng lượng ấy được gọi là quá trình sống – mở rộng để viên mãn nghiệp, hoàn thành nghiệp, bắt đầu từ khi bạn sinh ra, lớn lên, kết hôn, sinh con, bệnh tật… và chết đi.
Mỗi sự kiện xảy ra với bạn đều là để hoàn thành vết khuyết trong bản đồ nghiệp của mình. Dòng năng lượng chảy đến đâu, theo bạn đến độ tuổi nào thì lấp đầy đến đó.
Lấp đầy rồi thì trải dài tới sự kiện khác, cứ thế cho đến khi lấp đầy tất cả sự kiện thì viên mãn nghiệp, và bạn qua đời.
Cho nên, những khi bạn đau đớn nhất, đau đớn đến tận cùng, không còn gì có thể khổ đau hơn nữa thì tự nhiên bạn sẽ thấy một cảm giác trống trải, hoang hoải…
Mỗi khi bạn đã đạt được cái gì đó, làm xong cái gì đó, bạn bắt đầu trống trải.
Và có khi giữa đau khổ, bạn lại nảy mầm hạnh phúc, bởi vì về cơ bản, nghiệp đó đã hoàn thành (dù là do bạn tạo từ kiếp này hay nhiều kiếp trước thì nó cũng đã hoàn thành).
Cái chết, nghĩa là nghiệp với cơ thể vật chất đã xong, linh hồn (năng lượng) lại đi tiếp con đường của nó, tùy theo sức mạnh và cấu trúc của nó.
Cho nên, người thân của bạn qua đời, dù là êm ái hay tàn khốc, thì cũng là lấp đầy nghiệp của họ. Bạn bảo “người ấy của tôi nhân từ như vậy, sao lại chết như vậy”?
Làm sao bạn biết được nghiệp từ kiếp trước của họ? Cuộc sống lớn hơn nhiều so với sự hiểu biết kiếp này của bạn, và bạn không thể đòi hỏi lời giải thích thỏa đáng được.
Từ góc độ của bạn, bạn đau khổ, day dứt, nhưng từ góc độ của họ, nghiệp đã hoàn thành.
Họ đã lấp đầy mảnh nghiệp cuối cùng của họ. 💎 Phải biết như vậy.
Tất cả những bi ai thảm khốc, sinh tử trong đời đều không nằm ngoài nghiệp. Bạn không thể thay đổi nó mà chỉ có thể chấp nhận nó, và thay đổi thái độ với nó mà thôi.
Hoặc là bạn chấp nhận, biết ơn và thanh thản. Hoặc là bạn mãi giày vò, day dứt…
Nhưng có ích gì khi bạn khóc cho một người đã ra đi, và họ đang soải bước trên con đường phía trước, còn bạn lại ở đây ủ rũ?
Có ích gì khi bạn đắm chìm trong đau khổ để tỏ vẻ sâu sắc, giàu tình cảm và trắc ẩn; trong khi họ đã không còn bận bịu với bạn nữa, và không khéo, năng lượng tiêu cực từ bạn còn ảnh hưởng đến họ…
Thay vì vậy, hãy chúc phúc cho họ đã hoàn thành sự kiện trọng đại nhất trong đời.
Từ đây về sau, họ không bao giờ đau khổ như bạn nữa.
Nói như vậy không có nghĩa là bạn bắt đầu giết chóc, lười biếng, nghĩ kế hại người, sống vô tâm và đổ lỗi cho nghiệp. Đó là xảo biện.
Bất kể lý do gì, hoàn cảnh nào, bạn cũng phải luôn hướng về ánh sáng, bởi vì khi bạn hướng về bóng tối, những gì bạn tạo ra cho người khác có thể là nghiệp của họ, cũng có thể không phải, nhưng chắc chắn đó là nghiệp của bạn, do bạn tạo thành.
Hôm nay trời mưa lớn lại có sấm sét, mấy người hay thề coi chừng nghe chưa 😆
(Tiêu đề của bài này là “khai tâm” 开心, trong tiếng Trung còn có nghĩa là vui vẻ). Vui vẻ không quạo nha.