Vâng, đó là dấu hiệu của nhiều loại bệnh như tụt huyết áp tư thế, thiếu máu, rối loạn tiền đình, bệnh tim mạch…
Ngồi xuống đứng lên bị chóng mặt là bệnh gì?
Đây là dấu hiệu thường thấy nhất của chứng tụt huyết áp tư thế. Khi bạn đứng dậy, chân bạn hoạt động đột ngột nên máu sẽ tập trung về chân. Lúc này, tim điều chỉnh không kịp nên bị hụt mất một lượng máu nhỏ trong thời gian ngắn, khiến cho máu trên não bị giảm và gây ra cảm giác chóng mặt, choáng váng, tối sầm mắt, lảo đảo, loạng choạng và có khi là ngất xỉu.
Nhìn chung, chứng tụt huyết áp tư thế thường gặp ở các chị em phụ nữ hơn. Mặc dù tụt huyết áp không nguy hiểm cao nhưng nó lại có thể dẫn đến các biến chứng và rủi ro không đáng có. Ví dụ như: choáng váng sẽ dễ dẫn đến tai nạn khi đang lao động, lái xe, nhất là những việc đòi hỏi sự tập trung cao độ và khả năng giữ thăng bằng…
Cách nhận biết tụt huyết áp:
- Chỉ số huyết áp thấp hơn 90/60mmHg (hoặc số đo huyết áp giảm hơn 20 mmHg so với thông thường).
- Hay mệt mỏi, cảm thấy buồn ngủ, mất sức, muốn nghỉ ngơi.
- Đầu óc lơ mơ, khó tập trung và hay có tình trạng tim đập nhanh.
- Tay chân hay lạnh, giảm ham muốn tình dục.
- Làm việc nặng không nổi, nếu cố làm thì sẽ thở dốc, khi đi cầu thang cũng thở dốc.
- Xây xẩm, hay xỉu hoặc gần như xỉu.
Cách cải thiện: Khi đứng lên bị choáng váng, bạn hãy nhanh chóng nhắm mắt và ngồi xụp xuống ở tư thế ngồi xổm để giữ thăng bằng, đợi cho cơ thể bình thường trở lại thì mới mở mắt ra, xoa bóp chân, co duỗi vài cái cho máu lưu thông đều rồi mới chầm chậm đứng lên (nên nắm cái gì đó vững để làm trụ giúp giữ thăng bằng). Nếu ngay khi bị choáng váng, bạn nắm được vật làm trụ thì cứ nhắm mắt, nắm chắc ở tư thế đó cũng được (nhưng ngồi sụp xuống vẫn là tốt nhất, tránh té ngã và tổn thương).
Ngoài ra, để cải thiện tình trạng tụt huyết áp, bạn cũng cần thay đổi lối sống:
- Nếu hàng ngày bạn ăn uống lạt lẽo thì bạn nên nêm nhiều muối hơn một tí cho món ăn mặn mà (vì muối giúp tăng huyết áp lên). Tuy nhiên, bạn không nên cố ý nêm quá mặn vì ăn quá nhiều muối sẽ làm sưng phù mặt mày (do tích nước) và nhiều muối sẽ kéo huyết áp tăng đột ngột, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, bạn không thể dùng muối để điều trị tụt huyết áp mà chỉ có thể dùng nó để hỗ trợ một phần.
- Để huyết áp ổn định hơn, bạn cần tập thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày. Khi tập nhẹ nhàng như thế, máu huyết sẽ tuần hoàn tốt hơn và huyết áp sẽ ổn định hơn. Lưu ý không tập quá sức vì sẽ làm tụt huyết áp.
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng sức đề kháng, đặc biệt là bổ sung các thực phẩm giàu chất Sắt và vitamin C.
- Khi sắp thay đổi tư thế, bạn cần cử động tay chân, mình mẩy, co duỗi đầu gối hoặc nâng lên hạ xuống cho máu lưu thông đều rồi mới từ từ đứng dậy (ngồi dậy).
- Nếu đang chạy xe hoặc đang làm việc mà thấy có dấu hiệu choáng váng thì cần ngưng lại, tìm chỗ mát mẻ ngồi nghỉ ngơi, hít thở sâu và bình tĩnh để não đủ oxy.
- Duy trì lối sống lành mạnh: ăn đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc và bỏ các thói quen gây hại như: thuốc lá, rượu bia…

Hay bị chóng mặt, choáng váng là bệnh gì?
Hay chóng mặt, lảo đảo, choáng váng đầu óc còn là triệu chứng của một số bệnh như:
- Huyết áp cao: Vâng, huyết áp cao hay huyết áp thấp đều có thể gây chóng mặt.
- Tụt đường huyết: Thường kèm theo cảm giác đói, run tay chân, chóng mặt… Lúc này nên ăn một ít thức ăn ngọt, bánh, trái cây… để tăng lượng đường lên (không ăn quá nhiều vì sẽ làm tăng đường đột ngột, rất nguy hiểm).
- Thiếu máu: Nếu đứng dậy đột ngột sẽ dễ bị choáng, chóng mặt, buồn nôn.
- Do bệnh tim: Dễ dẫn đến đột quỵ (thường bị kèm nhức đầu, ù tai, hay đổ mồ hôi…).
- Do thoái hóa đốt sống cổ: Ngồi lâu rồi đứng dậy sẽ dễ bị.
- Do rối loạn tiền đình: Thường sẽ choáng váng, nhức đầu và mất thăng bằng (nguy cơ đột quỵ cao).
- Do bệnh hen, phù phổi… hoặc các bệnh khác về hô hấp.
- Do trúng nắng vào mùa hè (hoa mắt nhức đầu, có thể sốt, tim đập nhanh nhưng không đổ mồ hôi). Lưu ý: trúng nắng cũng có thể gây đột quỵ (do cơ thể mất nước nhưng nhiệt độ lại tăng khiến máu lên não không đủ, gây đột quỵ…).
- Nguy cơ đột quỵ (thường kèm theo các triệu chứng như: tê mỏi, méo miệng, nói chuyện không rõ, thị lực giảm, cứng mặt, nhức đầu dữ dội, đổ mồ hôi, buồn nôn…).
- Bệnh lý của tai trong.
- Do các chấn thương ở đầu, cổ, não…
- Do tác dụng phụ của thuốc.
- Do tinh thần căng thẳng, làm việc quá sức.
- Do dùng các chất kích thích như bia rượu, cà phê…
Cuối cùng, cần lưu ý rằng nếu bạn bị choáng váng, chóng mặt… có kèm theo nhức đầu dữ dội thì cần đi khám bệnh ngay.
Với trường hợp choáng váng thông thường hoặc hay bị choáng váng, bạn cũng nên xem lại tình trạng sức khỏe và tốt nhất là đi khám để biết mình bệnh gì, cơ thể đang có vấn đề chỗ nào… và khắc phục càng sớm càng tốt.
***
Rất nhiều người vì ngại gặp bác sĩ, ngại đi bệnh viện nên đến khi bệnh nặng mới hay. Vì vậy, nếu bạn ngại đi bệnh viện thì bạn hãy ghé các hiệu thuốc Đông y, nhờ bắt mạch để xem bệnh cũng được, bạn nhé!
Tư liệu tham khảo
- Đứng dậy bỗng thấy chóng mặt choáng váng là bệnh gì?, Báo Thanh Niên online.
- Bỗng dưng choáng váng đầu óc khi đứng dậy, trang medlatec.vn.
- Xây xẩm, chóng mặt là dấu hiệu của bệnh gì? Báo Sức khỏe và đời sống.
- Thường xuyên bị chóng mặt là vì sao? trang Minh Anh Hospital online.