Phép thuật không phải là bàn tay bạn chạm vào thứ gì đó, thứ đó liền biến thành vàng. Phép thuật là bạn chạm vào bất cứ thứ gì, bạn cũng thấy hạnh phúc.
***
Nhiều ngàn năm trước, ở Ấn Độ, nếu bạn bỏ tất cả rồi mặc áo cà sa và cầm bát đi ngoài đường thì người ta sẽ tự nguyện mang thức ăn đến cho bạn. Bạn sẽ không bao giờ phải nghĩ đến chuyện đói no và có thể chuyên tâm tu hành.
Thời ấy, người ta rất nhạy cảm với văn hóa tâm linh. Họ biết một người sa môn sẽ không bao giờ xin thức ăn nên họ sẽ tự mang đến. Truyền thống xã hội giai đoạn đó là như vậy.
Còn bây giờ, nếu bạn bỏ tất cả rồi cầm bình bát và đi thì bạn sẽ đi đến cái chết, bởi vì xã hội ngày nay không có văn hóa đó!
Cho nên, thứ đầu tiên mà bạn cần đảm bảo trong xã hội này chính là thức ăn và những nhu cầu cơ bản. Là con người, bạn phải xử lý cơ thể vật chất, phải yên ổn về mặt sống còn rồi mới nghĩ đến chuyện tâm linh. Nếu không, bạn sẽ chỉ thấy tâm linh là thứ gì đó mỉa mai và phù phiếm!
Nó thực tế như vậy!
Giả sử bạn đang túng thiếu và mình kêu bạn bố thí, bạn có muốn bố thí không?
Giả sử con bạn đang cấp cứu mà bạn lại không có tiền, lúc đó, bạn sẽ muốn tiền hay là giác ngộ? Lúc đó, dù Đức Phật có đứng trước mặt bạn, bạn cũng sẽ nói: Phật ơi, con cần tiền. Xin hãy cứu con của con.
Cuộc sống là như thế. Chúng ta không thể chối bỏ nhu cầu vật chất của cơ thể này. Trước đây, Đức Phật rời bỏ hoàng cung nhưng sau đó, ngài đã nhận ra đày đọa bản thân không phải là cách. Pháp môn khổ hạnh không thể đi đến sự giác ngộ mà ngài muốn, vì vậy, ngài mới từ bỏ pháp môn đó.
Còn bây giờ, vấn đề của chúng ta là: các tôn giáo dạy chúng ta từ bỏ lòng tham và hàng loạt câu hỏi xuất hiện.
“Vậy còn ước mơ của tôi thì sao?”
“Khát vọng của tôi, mục tiêu mà tôi đã đặt ra, sự nỗ lực của tôi trong những năm tháng vừa qua… tất cả đều phải từ bỏ hết sao?”
“Nếu bỏ hết thì tôi sống vì cái gì?”
***
Mình muốn hỏi: tại sao chúng ta cứ nhất định phải bỏ hết lòng tham? Tại sao chúng ta không thể vừa khát khao, vừa hạnh phúc?
Chỉ vì chúng ta cứ khao khát những thứ vô lý, những thứ không có được… nên chúng ta mới đau khổ. Giả sử thứ bạn khao khát trở thành hiện thực, giây phút đó, không phải hạnh phúc lắm sao?
Vì vậy, lòng tham chỉ xấu khi chúng ta tham lam sai cách và để cho lòng tham làm chúng ta khổ. Lòng tham chỉ xấu khi bạn tham lam một cách ngu ngốc vô độ mà không nhận ra điều quan trọng nhất của cuộc sống là gì!
Ngược lại, những người biết tham lam một cách khôn ngoan thì lòng tham sẽ là động lực tuyệt vời cho họ. Đức Phật muốn giúp chúng sanh thoát khổ, đó không phải là lòng tham sao?
Vì vậy, khi bạn còn là con người thì bạn không cần khó chịu vì mình có lòng tham. Mục tiêu của bạn, bạn vẫn sẽ thực hiện, nhưng bạn không vì nó mà trở nên điên đảo, thống khổ…, đó mới là điều tuyệt vời nhất. Từ bỏ lòng tham không phải là vứt hết của cải và mục tiêu sang một bên, mà là ngay cả khi bạn có của cải và mục tiêu, bạn cũng không khổ lụy vì nó. Bạn làm việc với niềm vui chứ không phải bán mạng để đạt được mục tiêu.
***
Theo một cách nào đó, lòng tham chính là động lực sống của con người.
Nếu bạn nhìn vào cuộc đời này, một người cao cả sẽ tham lam những điều cao cả, một người tầm thường sẽ tham lam những điều nhỏ nhặt tầm thường. Ngay cả những người tu hành, họ cũng tham lam. Thậm chí, lòng tham của họ còn lớn hơn bạn rất nhiều, bởi vì họ đang tham một thứ gì đó vượt ra ngoài tính cá nhân… để hòa cùng đại thể.
Vấn đề chỉ là: những người muốn giác ngộ sẽ có thể giác ngộ, nhưng những người muốn giải thoát sẽ không thể giải thoát, bởi vì để có thể giải thể, bạn phải sẵn sàng buông xả hết đi, ngay cả ý niệm giải thoát cũng không còn! Vì vậy, ngày nay, những người giác ngộ còn sống thì vẫn có nhưng những người giải thoát thì không có, bởi vì giải thoát nghĩa là không còn gì nữa, kể cả lòng tham, linh hồn và thể xác này.
Vậy thì, trong chừng mực là một con người bình phàm, bạn không cần quá khắt khe với chính mình để trở thành tâm linh. Khi bạn chưa đủ tố chất để giải thoát; tốt nhất là cứ sống với lòng tham một cách vui vẻ, khôn ngoan.
***
Và hãy yên tâm. Dù sao thì bạn cũng sẽ giải thoát thôi!
Có thể bạn không thích điều này, nhưng tất cả mọi sự sống động đều sẽ trở về tĩnh lặng và rồi từ sự tĩnh lặng ấy lại thai nghén những khát khao sống động bên trong. Không phân biệt tốt – xấu, nặng – nhẹ, đúng – sai…; bạn và kẻ thù của bạn đều sẽ cùng giải thoát! Chỉ khác là: ai sẽ giải thoát trước và trên con đường giải thoát đó, trên con đường đi đến sự giải thể đó… ai sẽ có được những trải nghiệm ngọt ngào, ai sẽ có những trải nghiệm cay đắng… cái này tùy vào nghiệp mà bạn đã tạo ra.
Vậy thì, mục đích quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta là vui vẻ, bình an bước qua cuộc đời này. Bạn có thể nghèo, có thể giàu, có thể độc thân, có thể kết hôn, có thể nổi tiếng, có thể vô danh…, như thế nào cũng được, nhưng bạn cần chọn cho mình cuộc sống mà bạn ít vướng víu nhất. Mọi mối quan hệ mà bạn tạo dựng, bạn phải sắp xếp sao cho nó hỗ trợ bạn chứ không phải vướng víu bạn.
***
Và nếu bạn không muốn nghèo khó, hãy kiếm tiền và làm giàu. Nếu bạn muốn nổi tiếng để làm thứ gì đó, hãy học cách trở thành người nổi tiếng. Nó không có gì sai trái cả.
Từ trước đến giờ, người ta cứ định kiến rằng đắc đạo là phải mặc áo rách, ở trong một túp lều và nói những câu khó hiểu sâu xa. Không. Đó là kiểu giác ngộ của thời xưa, bởi vì thời ấy, không phải chỉ những cao nhân mà cả những thường nhân cũng đều ở trong nhà tranh và mặc áo rách. Còn ngày nay, một người giác ngộ có thể đi xe hơi, ở nhà lầu và ngồi máy bay hạng thương gia – điều đó không có gì là vô lý cả. Cuộc sống mang lại cho bạn những tiện nghi thì bạn phải sử dụng nó một cách khôn ngoan chứ không phải chối bỏ nó. Ngày nào chúng ta còn cho rằng tiền bạc là thần thánh hay quỷ ma, ngày đó chúng ta sẽ còn đau khổ. Nó tốt hay xấu là tùy vào bạn nhưng nó hữu dụng.
Và nếu bạn có một đứa con, bạn sẽ muốn con bạn tu hành và có cuộc sống sung sướng… hay tu hành và sống nghèo khó thiếu thốn? Hãy trả lời thành thực. Bạn có thể học đức từ bi và buông xả của Đức Phật nhưng bạn không thể bỏ giang sơn và mang y bát như Đức Phật, bởi vì xã hội ngày nay không có văn hóa đó.
Ngày nay, ngay cả nam và nữ đều cần đến tiền. Đừng nghĩ đó là đồi bại. Chỉ khi bạn tôn thờ tiền và chạy theo tiền, bạn mới trở thành đồi bại. Ngược lại, khi bạn có tiền bạc rủng rỉnh trong túi, bạn có thể thư thả sống, thiền định và thưởng thức tâm linh.
Cho nên, nếu bạn có một mục tiêu nào đó, kể cả mục tiêu làm giàu, bạn hãy vui vẻ thực hiện nó, nhưng trước khi làm điều đó, hãy tự hỏi mình xem: Mục tiêu đó có đáng giá không? Nếu nó đáng giá và không làm tổn hại tính nhân văn thì bạn cứ thực hiện.
***
Đừng nghĩ “nghĩ về tương lai”, “hướng tới mục tiêu” là không thể “sống trong hiện tại”. Nếu không xác định được hướng thì làm sao bạn có thể bước đi? Bây giờ bạn đang đọc những dòng này và nếu bạn đứng dậy bước đi thì đầu tiên, bạn phải xác định hướng đi, phải không? Bạn phải có mục tiêu. Nó có thể lớn như một sự nghiệp, cũng có thể nhỏ như một bước đi.
Nếu không có định hướng, bạn sẽ quanh quẩn mãi với chính mình. Giác ngộ cũng là một định hướng. Giải thoát – tan ra cũng là một định hướng. Bạn hướng về đó.
Chỉ là: trên con đường đi đến mục tiêu, dù là hướng đến sự giàu có hay giác ngộ, bạn hãy thưởng thức cả những bông hoa bên đường. Đừng chỉ nhìn thấy mục tiêu mà không thấy những điều ngọt ngào trong từng bước nhỏ. Nhiều người tu hành và muốn thành Phật, nhưng bây giờ, ngày ngày họ đang đau khổ vô biên.
Ngược lại, ví dụ như mình, mình hướng đến mục tiêu phát triển kênh youtube trong năm nay, nhưng mình vẫn tận hưởng những phút giây này. Mình dịch bài trong hạnh phúc, mình trả lời câu hỏi của bạn trong niềm vui và viết bài thuê cho khách hàng với sự tận tâm. Mình làm việc một cách mê say cũng là đang sống một cách mê say, bởi vì công việc chính là cuộc sống. Nếu công việc không phải là cuộc sống thì chúng ta làm nó để làm gì?
***
Và người ta bảo bạn “an trú trong hiện tại” – nó là một cụm từ rất hay – mình cũng thích sự mỹ miều của nó. Nhưng có gì nguy hiểm đang rình rập bạn sao? Tại sao chúng ta cứ phải tự tạo ra nỗi sợ không cần thiết và rồi muốn an trú trong cái gì đó?
Không. Tỉnh thức là sống trong hiện tại chứ không phải trốn trong hiện tại. “An trú” chỉ là cách nói ví von. Sống trong hiện tại có nghĩa là bạn thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu thư thái mà đi.
Trọn vẹn với hiện tại nghĩa là: Giây phút này đây, bạn đang đọc những dòng này, bạn có thấy hạnh phúc không?
Buổi sáng, khi bạn đánh răng, rửa mặt, bạn có thấy vui vẻ và thư thái không? Khi bạn làm những việc linh tinh như cắt móng tay, bạn có tận hưởng khoảnh khắc đó không?
Hay khi bạn làm những việc được người ta trả tiền, bạn mới thấy vui vẻ và hạnh phúc?
Giờ phút này, bạn còn sống và bạn đang cắt móng tay, bạn còn sống và bạn lao động… đó đã là hạnh phúc.
***
Kiếm tiền là tốt, yêu tiền cũng tốt, bởi vì nếu bạn yêu tiền đúng cách thì bạn sẽ hạnh phúc. Ngược lại, nếu bạn yêu sai cách thì dù bạn có yêu một thiên thần hay tiền, hay bất cứ thứ gì, bạn cũng sẽ khổ. Tình yêu là phẩm chất của bạn chứ không phải của thứ mà bạn yêu.
Quay trở lại với tiền, tiền bạc có thể mang lại cho bạn sự bình an, nhưng chỉ là ở một mức độ nào đó, bởi vì bạn không thể sống suốt đời trong sự hiện diện của tiền. Nó sẽ rất buồn chán. Khi đó, bạn cần có sự đam mê với mọi thứ mà bạn có, mọi thứ mà bạn tiếp xúc.
Phép thuật không phải là bàn tay bạn chạm vào thứ gì đó, thứ đó liền biến thành vàng. Phép thuật là bạn chạm vào bất cứ thứ gì, bạn cũng thấy hạnh phúc.
Bạn có còn nhớ sự tích “Niêm hoa vi tiếu” không? Đức Phật đang ốm yếu, bệnh tật nhưng ngài vẫn mỉm cười với một bông hoa. Vẻ đẹp là ở đó.
***
Ngày nay, nhiều bạn trẻ có tâm hướng Phật, đó là một điều tốt. Tuy nhiên, ai đó lại khiến các bạn ấy hiểu rằng từ bỏ lòng tham là từ bỏ mục tiêu, từ bỏ công việc kiếm tiền. Vì vậy, nhiều bạn trẻ cảm thấy lo sợ, bất an.. bởi vì các bạn ấy thấy rằng: không có tiền thực sự rất khó sống!
Không có tiền thực sự rất khó sống!
Xã hội ngày nay đòi hỏi bạn phải quyết tốt các vấn đề cơ bản. Bạn phải có tiền trong túi hoặc trong thẻ ngân hàng, trong két sắt, trong gối ngủ, ở đâu không quan trọng, nhưng bạn phải có nó thì bạn mới có sự bình an về mặt thân thể, bởi vì bạn phải mua gạo bằng tiền, mua thuốc bằng tiền. Sau khi thân thể được no ấm bình an, tâm trí bạn sẽ tự nhiên nghĩ đến một cái gì khác hơn, tâm linh chẳng hạn.
Tuy nhiên, cần chú ý điều này: để có tiền, bạn phải làm cho tâm trí bạn bình an trước, sau đó mới kiếm tiền, bởi vì trong trạng thái lo sợ bất an, bạn sẽ không thể làm việc hiệu quả.
Như vậy, để thư thái bước đi trên con đường tâm linh thì trước tiên, bạn phải hướng dẫn tâm trí mình, để nó vui vẻ bình an. Sau đó, bạn hành động để xây dựng của cải vật chất một cách bền vững. Khi đó, quá trình tâm linh sẽ tự đến, bởi vì khi bạn không phải nghĩ về vật chất nữa, tự nhiên bạn sẽ nghĩ đến tâm linh. Cuộc sống của chúng ta chỉ có 2 khía cạnh đó.
Vậy, làm sao để hướng dẫn tâm trí bạn vui vẻ, bình an?
Bạn cần có “Kỹ thuật nội tâm” của Sadhguru – điều này mình đã giải thích trong quyển “Tư duy thành công trong mọi ngành nghề – bài học từ Sadhguru” (khá dài nên mình không trích ở đây, vì bài này cũng dài).
***
Cuối cùng, mình muốn nhấn mạnh điều này: Giải thoát là một quá trình tự nhiên… nên không phải bạn nỗ lực là sẽ giải thoát.
Nhưng cuộc đời này, bạn đã đến đây thì bạn có thể dùng sự nỗ lực của mình để làm thứ gì đó trở nên tuyệt vời.
Để lại món quà cho cuộc sống.
Thật ra, cuộc sống không cần ở bạn điều gì. Tự bản thân nó đã là vĩ đại và nó chẳng cần ý nghĩa nào cả. Tuy nhiên, tâm lý con người là hướng đến sự cao cả, phụng hiến và cho đi. Vì vậy, thái độ tốt nhất chính là tận hiến với cuộc sống, trải nghiệm nó và phụng sự nhân loại, để khi ra đi, sự ra đi của bạn sẽ là vị ngọt.
***
Bây giờ, bạn hãy nhìn vào gương và xem: gương mặt bạn có dãn ra, vui tươi không hay nó đang căng thẳng vì áp lực của mục tiêu và không biết ngày tháng sau này sẽ ra sao?
Nếu gương mặt bạn dãn ra, vui tươi thì bạn đang đi đúng đường, bởi vì mục đích của đạo là hướng dẫn bạn đến an lạc và hạnh phúc.
Bạn phải thiết lập cuộc đời bạn sao cho nó thoải mái nhất, hạnh phúc nhất chứ không phải bỏ mặc nó.
Nếu bạn trở thành chủ của một tập đoàn và bạn vui vẻ, điều đó thật tuyệt.
Nhưng nếu bạn trở thành một người bán rau và bạn vui vẻ, điều đó cũng thật tuyệt vời.
***
***
Chào bạn, đây là lời kết thúc quen thuộc của mình.
Mình là admin của kênh Cùng mình hoàn thiện bản thân.
Bạn có thể liên lạc với mình qua sdt 0979 254 124.
Bạn cũng có thể thưởng cho mình ly sữa qua stk Agribank 1800 259 157 122 (Đồng Tuyết Nhi).
Cảm ơn bạn.