Từ lúc tạo kênh youtube tới giờ, có rất nhiều bạn hỏi mình: làm sao để kết nối với bên trong, tức là kỹ thuật để truy cập nội tâm.
Thật ra, đây cũng là câu hỏi mà mình từng trăn trở. Mình khao khát có được cảnh giới đó, cho nên mình đã tìm và dịch rất nhiều video của Sadhguru, nhưng tới bây giờ, mình cũng chưa tìm được video nào hướng dẫn cách kết nối với thế giới bên trong.
Nhưng rồi mình nhận ra: mình không cần tìm cách kết nối với bên trong. Bên trong, nghĩa là nó đã ở đây rồi, nó ở đây, mình cần gì phải kết nối với nó nữa. Mình cứ để nó tự biểu lộ ra thôi.
Nhưng có một vấn đề là: bên trong của mình như thế nào?
Nếu bên trong của mình chỉ có thù hận, đau khổ, chán nản… vậy thì mình truy cập vào nó, hay để nó tự biểu lộ ra, thì nó cũng vậy thôi. Đầy đau khổ!
Ngược lại, nếu bên trong của mình ngọt ngào thì dù cho mình không biết cách truy cập vào nó, thậm chí chưa từng nghĩ đến nó, nó cũng sẽ tỏa ra sự ngọt ngào. Bạn thấy trẻ con đó, nó chưa từng đọc quyển sách nào, không biết bất kỳ đạo lý nào, cũng không biết cái gì là phát triển bản thân… vậy mà, nó vẫn sống một cách vui vẻ đó thôi!
Chỉ có chúng ta, mang theo bao nhiêu cái biết trong đầu nhưng rồi những thứ mà chúng ta biết lại làm chúng ta đau khổ. Bởi vì chúng ta quá chấp niệm vào những thứ đã biết.
Cho nên, kỹ thuật nội tâm, với mình, có nghĩa là nhận ra.
Kỹ thuật nội tâm không phải là kết nối với bên trong, bởi vì nó đã ở đây rồi. Còn thông thường, chúng ta dùng từ kết nối với bên trong là để nói một cách nôm na cho dễ hiểu thôi.
Vậy, nhận ra cái gì?
Nhận ra mọi trải nghiệm sống của chúng ta đều xảy ra bên trong. Nhận ra bản thân này là nguồn gốc của mọi vấn đề. Mọi đau khổ đều xảy ra ở đây. Vui sướng cũng diễn ra ở đây, phải không?
Bây giờ, bạn đang nghe mình nói. Âm thanh truyền từ điện thoại đến lỗ tai của bạn, sau đó, tín hiệu âm thanh sẽ truyền tới não và bạn nghe được. Vậy, bạn đã nghe được tiếng của mình ở đâu?
Ở trong bạn, phải không?
Bạn nhìn chiếc lá này đi, màu xanh đi vào mắt bạn và mắt bạn truyền tín hiệu tới não, thế là bạn biết màu xanh. Vậy, bạn đã biết màu xanh ở đâu? Cũng bên trong bạn.
Bạn nắm tay một người, bạn thấy êm ái, lâng lâng. Cảm giác đó đã xảy ra ở đâu? Bên trong bạn.
Bạn nhớ lại một chuyện đau lòng, cảm giác đau đớn đó đã xảy ra ở đâu? Cũng bên trong bạn.
Không có ai cả, bạn có thể ngồi đây một mình và đau khổ.
Tương tự như vậy, bạn có thể ngồi đây một mình và vui sướng.
Vấn đề là gì?
Vấn đề là: nếu bạn nghĩ về những điều tốt đẹp, bạn sẽ thấy hạnh phúc và đầy động lực.
Ngược lại, nếu bạn nghĩ về những điều tiêu cực, bạn sẽ thấy đau khổ, mệt mỏi và chán sống.
Vậy thì, khi bạn không nghĩ gì cả?
Ở đời này, có bao nhiêu người có thể ngừng suy nghĩ? Bạn biết đó, chức năng của não bộ là suy nghĩ. Ngay cả khi bạn ngủ, não của bạn vẫn tiếp tục suy nghĩ. Nếu không muốn suy nghĩ, trừ khi bạn bị chết não.
Có thể có một số người theo một số phương pháp thực hành nào đó, và họ không suy nghĩ gì cả. Hay khi Thiền định, nhiều người không suy nghĩ gì cả.
Tuy nhiên, nó chỉ là số ít, rất ít. Phần lớn chúng ta đều có những dòng suy nghĩ trong đầu, ngay cả khi ngồi thiền.
Với mình, mình thấy không cần phải loại bỏ suy nghĩ. Mình biết có rất nhiều người đều dạy bạn rằng: bạn phải ngừng suy nghĩ, phải loại bỏ suy nghĩ, nhưng mà bạn không làm được, phải không? Phương pháp đó, nói chung là không khả thi.
Muốn phổ độ thì phải phổ quát, nghĩa là phương pháp bạn đưa ra phải dễ dàng thực hiện và nó hợp với tất cả mọi người. Nó không chống lại cuộc sống con người.
Kêu mọi người ngừng suy nghĩ thì có khác gì kêu họ chết đi, phải không? Cho nên, chúng ta cứ suy nghĩ nhưng hãy suy nghĩ những điều tích cực, để nó mang lại những cảm xúc tốt đẹp hỗ trợ cuộc sống chúng ta. À, suy nghĩ tích cực khác với ảo tưởng viễn vông nhe!
Mình biết nhiều người còn cực đoan theo kiểu: không nhìn, không nói, không nghe… Tự nhiên mình nghĩ: có mắt mà không nhìn, có tai mà không nghe, có miệng mà không nói, sao giống người khuyết tật quá vậy?
Thật ra, giác ngộ chính là bạn vẫn nhìn đó, vẫn nghe đó… nhưng bạn không vướng bận. Bởi vì giữa cuộc sống này, kêu mọi người ngừng suy nghĩ, ngừng quan sát, ngừng cảm nhận thế giới xung quanh… thì đó là việc không thể.
Đừng nghĩ giác ngộ là không còn biết vui – buồn – mừng – lo, không còn cảm xúc con người. Nếu như vậy thì có khác gì người vô cảm đâu! Nó còn tệ hơn là chết não!
Giác ngộ đơn giản chỉ là nhận ra, sáng ra, khai mở ra, để có thể bước qua cuộc đời này một cách dễ dàng.
Giác ngộ cũng không phải là có thêm siêu năng lực như bay trên không, thở dưới nước. Không phải như vậy! Bởi vì con muỗi không cần giác ngộ mà nó vẫn biết bay đó. Con cá có cần giác ngộ đâu mà nó vẫn thở dưới nước bình thường.
Cho nên, chúng ta không cần phấn đấu để có thêm một năng lực của một giống loài khác. Cái cây có thể tự tổng hợp dinh dưỡng từ không khí, bạn làm được không?
Cho nên, giác ngộ chính là nhận ra rằng: hình thức vận động của con người là đi bộ trên mặt đất, không phải bay, cũng không phải bơi. Bạn chỉ cần đi tốt là được. Vài chục năm nữa, khi bạn già lụm cụm thì có thể đi bộ tốt đã là phép màu đối với bạn rồi, không phải sao?
Thử nghĩ xem, nếu con chim sinh ra là để bay, nhưng bây giờ nó không thích bay nữa, nó muốn đi bộ thì nó là một con chim ngu ngốc, phải không?
Tương tự như vậy, con người được sinh ra là để đi bộ nhưng chúng ta lại muốn bay, muốn thở dưới nước, chúng ta không ngu ngốc sao?
Mình biết, có những người có thể bay và thở dưới nước. Họ thực hành một số phương pháp để có thần thông, giống như những người thầy pháp có thể điều khiển ma quỷ và những người học võ có khinh công vậy. Hiển nhiên, nếu bạn có được những năng lực siêu nhiên đó, bạn sẽ nổi tiếng một thời gian và ai đó sẽ gọi bạn là người đắc đạo, bởi vì tâm lý con người rất thích phép màu. Nhưng rồi sau đó thì sao? Nếu tất cả mọi người đều biết bay thì chúng ta sẽ thành loài chim. Đó là giác ngộ sao?
Không, giác ngộ là hiểu cơ thể con người này, sử dụng nó tốt và bước qua cuộc sống này một cách dễ dàng.
Chúng ta chết đi chỉ còn lại nắm đất. Chỉ là lấy lên từ đất và sau đó trả lại cho đất, vậy mà, có biết bao người phải khổ sở vật vã với nó.
Cho nên, giác ngộ là sống một cách duyên dáng và rời bỏ cuộc sống cũng duyên dáng như vậy. Đó là giác ngộ thật sự.
Giác ngộ khác với giải thoát. Một người giác ngộ, họ vẫn là con người nhưng họ nhận ra và khai sáng. Còn giải thoát là gì? Giải thoát là không còn gì nữa. Nó là một sự giải thể. Không còn thể xác cũng không còn linh hồn, nghĩa là tan rã toàn bộ, không còn gì nữa! Cho nên, giải thoát không phải là một cảnh giới, bởi vì nó có còn gì đâu mà gọi là cảnh giới. Cho nên, những người sùng đạo, họ thậm chí có thể bỏ đi thể xác nhưng linh hồn vẫn còn thì sẽ không thể giải thoát thực sự. Câu hỏi đặt ra là: Ai dám giải thoát? Ai dám tan rã cả linh hồn? Và điều quan trọng là: làm sao để có thể tan rã cả linh hồn? Đâu phải muốn là được!
Và nếu tất cả cả các kiếp sống của bạn, bạn đều làm việc tốt thì cũng chưa chắc bạn đã được giải thoát, bởi vì bạn có rất nhiều nghiệp tốt và nghiệp đó sẽ có sức nặng của nó, khiến bạn tiếp tục tồn tại ở dạng này hay dạng khác, tương ứng với nghiệp tốt đẹp của bạn. Chỉ khi tất cả các nghiệp của bạn tan rã, bạn mới giải thoát thực sự!
Bạn đừng hỏi mình làm sao để tất cả nghiệp tan rã! Nếu mình biết thì mình tan rã rồi, đâu còn ngồi đây!
Bây giờ, nói một chút về Thiền ha.
Bình thường, khi bạn thiền hoặc khi bạn muốn tập trung thì bạn nhắm mắt. Nhắm mắt là để tâm trí bạn đỡ bị phân tán thôi. Còn sự thật thì, mở mắt cũng vẫn thiền được nha. Bạn có nhớ sự tích “niêm hoa vi tiếu” không? Đức Phật ngồi trước môn đệ, ngài nhìn đóa hoa, và ngài cứ mải ngắm hoa như vậy, không giảng pháp gì cả. Lúc đó mọi người đều nóng lòng chờ nghe, duy chỉ có Ma Ha Ca Diếp hiểu ra và bật cười. Thiền chính là như vậy đó. Đức Phật đang thiền đó, ngài đâu có nhắm mắt đâu. Chỉ có Ma Ha Ca Diếp hiểu ra điều đó và ông trở thành sơ tổ của Thiền tông Ấn Độ.
Còn chúng ta, chúng ta chỉ cần làm sao cho mỗi thứ mà chúng ta làm đều đẹp, đều mang lại cảm giác dễ chịu như khi ngắm hoa, như vậy cũng đã là thiền rồi. Không cần phải ngồi xếp bằng nhắm mắt cho tê chân! Nhưng nếu bạn thấy ngồi xếp bằng sẽ dễ thiền hơn thì bạn cứ ngồi. Bởi vì thông thường, nếu không xếp cái chân lại thì nó sẽ không nghe theo ý bạn, nó sẽ ngứa ngáy muốn đi. Nó không yên được. Con mắt cũng vậy, nếu không nhắm lại thì nó nhìn đủ thứ. Cho nên, vấn đề của bạn chỉ là: bạn chưa làm chủ được chính mình.
***
Chào bạn, mình là Nhi, người viết bài này, cũng là admin của kênh Youtube Đồng Tuyết Nhi.
Bạn có thể theo dõi mình trên Youtube, cũng có thể ủng hộ mình qua stk Agribank 1800259157122.
Liên hệ mình: 0979 254 124
Cảm ơn bạn.