Ai cũng muốn giải thoát, nhưng theo mọi người, có dễ để giải thoát không?
Không. Bởi vì giải thoát nghĩa là không còn gì nữa, hòa vào đại thể. Lúc đó, có hai vấn đề đặt ra:
Thứ nhất, mình phải giải thể mọi thứ, kể cả của cải mà mình đã tích lũy, thú vui mà mình yêu thích, cảm xúc mà mình đã trải qua, kinh nghiệm sống mà mình đã có, giải thể cả những suy nghĩ của mình, cả thể xác lẫn linh hồn. Không còn gì cả.
Thật ra, nếu bỏ xác để được giải thoát thì nhiều người sẽ sẵn sàng. Nhưng nếu phải tan rã cả linh hồn thì nhiều người sẽ bắt đầu hơi sợ. Tại sao?
Tại vì nếu nói “con chết đi sẽ được về với Phật”, “con chết đi con sẽ hợp nhất cùng Thượng Đế” thì chúng ta không sợ, bởi vì dù sao cũng được ở bên cạnh người mà mình tôn thờ. Nghĩa là mình vẫn còn tồn tại ở dạng linh hồn. Con người ham sống. Bỏ xác mà còn linh hồn thì vẫn ổn.
Nhưng nếu nói “này con, con chết đi không phải để về cùng ta mà để tan rã cả linh hồn của con” thì chắc chắn, chúng ta sẽ đắn đo. Mình sẽ không còn gì thật sao?
Nếu bạn thật sự nghiêm túc nghĩ về điều này, bạn sẽ thấy có một sự xót xa.
Chúng ta không muốn chết, chúng ta không muốn mình biến mất mãi mãi. Cho nên, người giải thoát, người đó thực sự phải có một sự buông xả sâu sắc trong họ.
Cũng không phải đi tu hay tự tử là buông xả, mà là một buông xả từ sâu bên trong tâm trí này – năng lượng sống này.
Vấn đề thứ hai, giải thoát cũng có nghĩa là hợp nhất với vạn vật, hòa vào vạn vật nên có người sẽ phân vân: tôi phải hợp nhất với cả cái đứa tôi ghét sao?
Tôi phải hợp nhất với cái thằng cha ngu ngốc hay kiếm chuyện với tôi sao?
Tôi phải hòa làm một với kẻ thù mà tôi hận thâm căn cốđế sao?
Tôi phải sẽ hiện hữu ở khắp mọi nơi, kể cả trong cơ thể của đứa mà tôi vẫn thường khinh bỉ?
Bạn có từng suy nghĩ điều đó chưa?
Khi định mệnh khiến bạn gặp phải đứa mà bạn ghét ơi là ghét, nó không làm gì bạn cũng ghét, bạn mới biết cái ý nghĩ hợp nhất nó khó như thế nào!
Vậy, tại sao mình lại thấy nó khó he? Tại vì mình chưa có được tâm thái đó.
Khi bạn có được tâm thái không còn cái gì là bạn thì làm gì còn ý niệm ghét ai, hay thương ai?
Không phải bạn trở nên vô cảm, không phải bạn mất cảm xúc, mà cảm xúc của bạn đã đến cảnh giới sẵn sàng giải thể, không còn vướng bận bởi bất cứ nghiệp nào.
Khi đó, bạn thực sự đã không còn ghét ai, chỉ đơn giản như vậy thôi. Yêu ghét đã không còn là vấn đề nữa.
Nói tóm lại, cái gọi là nghiệp chính là những thứ tạo thành tính cá nhân này. Giải nghiệp nghĩa là không còn tính cá nhân nữa.
Bạn quét nhà không phải vì đó là cái nhà của bạn. Bạn trồng cây không phải vì đó là cái cây của bạn. Hiển nhiên, bạn vẫn quét nhà và trồng cây, nhưng bạn không có ý định tư riêng với nó.
Bạn không bị vướng mắc rằng tôi trồng cái cây này để sau này tôi hái quả, hoặc con cháu tôi hái quả.
Bạn trồng cây vậy thôi. Ai hái quả cũng được. Kẻ thù của bạn hái quả và ngồi dưới bóng mát cũng được.
Khi bạn có được tâm thái đó, bạn sẽ tự nhiên trở nên rộng mở hơn.
Tính cá nhân của bạn không còn vững chắc nữa. Bạn không còn nhiều ý định sở hữu và ràng buộc.
Hiển nhiên bạn vẫn sở hữu, ví dụ như con của bạn vẫn là con của bạn, bạn không bỏ nó, nhưng bạn không bị chấp vào nó.
Bạn không từ cha từ mẹ để đi tu. Điều đó không cần thiết. Bạn vẫn có cha mẹ của bạn, nhưng bạn không bị vướng chấp. Khi đó, nghiệp của bạn sẽ được nới lỏng dần dần.
Đó là lý do vì sao một số tôn giáo hướng bạn tới việc làm công quả tại chùa chiền, tu viện, thánh thất…
Nghĩa là bạn đến đó để quét sân, dọn dẹp, nấu ăn… hay làm một cái gì đó không phải là của bạn, để bạn giảm bớt tính cá thể của mình. Bạn làm không phải vì bạn.
Điều đó không có nghĩa là bạn đem hết của cải đi bố thí hoặc bỏ nhà và vào chùa ở. Không, ngay cả khi bạn đem hết của cải đi bố thí, bạn vẫn có thể nghĩ rằng của cải đó là của bạn và bạn cho người khác. Khi bạn vẫn còn ý nghĩ đó, bạn vẫn còn tính cá thể.
Mình biết nhiều người muốn chọn con đường xuất gia hay tách ly với mọi người. Mình không ủng hộ điều đó.
Giác ngộ là bạn bình thản bước qua cuộc đời này, là bạn có thể sống hạnh phúc giữa gia đình, giữa xã hội. Bạn hòa nhập tốt chứ không phải tách biệt và giam hãm mình.
Hiển nhiên, ở giai đoạn đầu của con đường tâm linh, bạn có thể sẽ cần một chút không gian riêng để tĩnh lặng. Còn khi bạn đã thực sự tĩnh lặng từ bên trong thì bạn có thể sống tốt ở bất cứ đâu.
Vì vậy, sau một thời gian, nếu bạn tự nhìn lại mình và thấy mình cởi mở hơn, chan hòa hơn, vui vẻ hơn, thoải mái hơn…, ngay cả khi có rất nhiều người và ngay cả khi một mình, vậy thì bạn đã đi đúng hướng.
Còn như sau một thời gian tu tập, bạn trở nên khó gần hơn, bạn chỉ thấy chân lý mà bạn đã giác ngộ và thấy những người khác đều là ngu muội, chưa giác ngộ… thì bạn đã đi sai đường.
Bởi vì giác ngộ là sự dãn ra. Điều này mình sẽ phân tích ở một bài viết khác, “giả định về vũ trụ”.
Đây chỉ là góc nhìn của cá nhân mình. Vì vậy, nếu bạn thích, bạn có thể tham khảo. Nếu không thích, bạn có thể bỏ qua nha.
***
Chào bạn. Mình là Nhi, người viết bài này, cũng là admin của kênh Youtube Phụng Nghi Đồng Tuyết Nhi.
Bạn có thể liên hệ mình qua sdt 0979 254 124.
Bạn cũng có thể thưởng cho mình ly sữa để tiếp tục viết văn qua stk Agribank 1800 259 157 122 (Đồng Tuyết Nhi).
Cảm ơn bạn.