Bị giời leo bôi thuốc gì nhanh khỏi?
***
Tự nhiên, một ngày đẹp trời, bạn phát hiện trên da mình có một chỗ bị loét, hơi đỏ, phồng rộp lên thành một vệt dài và đụng vào thì rất rát. Vết loét ấy hơi nhĩn nước và hễ nước chảy đến đâu thì lây lan đến đấy. Thậm chí, có khi bạn còn phát hiện ra các vị trí khác cũng bắt đầu bị nổi những nốt lở tương tự như vậy. Và khi hỏi mọi người thì bạn biết là bệnh “giời leo” (giời ăn).
Thật ra, đa phần mọi người sẽ không nói thẳng là bạn bị”giời leo” đâu. Theo kinh nghiệm dân gian, bệnh này cần kiêng cữ, không được nói tên ra vì nếu nói thì nó sẽ không hết và thậm chí còn lan nhanh hơn nữa.
Vì thế, thường thì khi hỏi, bạn sẽ được trả lời là: “Mày bị cái bệnh không nói được. Bây giờ mày kiếm….”. Vâng! Mọi người sẽ chỉ cho bạn nhiều cách khác nhau, tùy theo kinh nghiệm của họ.
Riêng mình, mình thấy cách sau đây là dễ dùng và cho hiệu quả cao nhất (chính mình và mọi người xung quanh đã dùng rất nhiều lần).
Nội dung chính ⇒
1. Dùng đậu xanh trị giời leo
Cách này là dễ làm nhất vì hạt đậu xanh rất dễ mua. Đặc biệt, với trường hợp nhẹ và hơi nặng thì dùng đậu xanh đều hiệu quả.
Cách thực hiện như sau: lấy vài chục hạt đậu xanh, cho vào miệng nhai sao cho nát nhuyễn như bột và sệt sệt (vì có nước bọt), sau đó thoa lên những chỗ bị giời leo, cứ thấy khô thì thoa tiếp cái khác. Cách làm này chỉ dùng vài lần là khỏi (vết loét khô rất nhanh).
Lưu ý: bạn phải nhai hoặc bảo người bệnh tự nhai thì mới hiệu quả (không nên xay rồi trộn nước). Đó là vì trong nước bọt của chúng ta có rất nhiều enzyme và hoạt chất giúp sát khuẩn và làm lành vết thương, kết hợp cùng đậu xanh nữa thì vết giời leo sẽ mau khỏi hơn.
2. Dùng gạo trị giời leo
Với cách này thì bạn lấy một ít gạo, nhai nát rồi đắp lên (hoặc lấy gạo trắng giã cho nát mịn rồi hòa với nước vo gạo cho sệt sệt và đắp lên).
Sau một lát, chỗ bị giời ăn sẽ khô lại và bạn thoa tiếp, thoa 3 – 4 lần mỗi ngày thì sẽ rất mau khỏi.
Với các phương pháp này, bạn nên dùng càng sớm càng tốt (vì khi giời leo quá nhiều, lan rộng ra thì sẽ rất khó trị). Ngoài ra, bạn cũng cần tắm gội, giữ vệ sinh sạch sẽ để mau khỏi bệnh hơn.
3. Dùng mủ cây điên điển trị giời leo
Với các bạn ở đồng quê sông nước thì hay dùng nhựa cây điên điển để điều trị giời leo.
Cách dùng như sau: Vào buổi sáng, ngắt một đọt điên điển, đợi cho mủ chảy ra thì chấm lên các nốt lở loét do giời leo (mỗi ngày chấm 2 lần vào buổi sáng và chiều hoặc cứ thấy khô thì chấm).
Lưu ý: Chấm gọn vết loét, không để tràn ra vùng da xung quanh và nếu dùng một ngọn điên điển không đủ thì dùng nhiều ngọn, bẻ vào buổi sáng không được thì bẻ vào các buổi khác (nhưng nếu bẻ vào các buổi khác thì lượng mủ không nhiều).
Các cách khác chữa trị giời leo (giời ăn)
Ngoài 2 cách trên thì tư liệu y học cổ truyền còn ghi lại nhiều cách khác giúp chữa bệnh giời leo như:
- Dùng lá phù dung: Lấy lá hoặc hoa phù dung, rửa sạch rồi phơi gió cho khô (không phơi trực tiếp dưới ánh nắng). Sau đó, lấy lá (hoa) cho vào máy xay sinh tố, xay nát thành bột rồi trộn với giấm gạo và thoa lên vết giời leo (mỗi ngày thoa 3 hoặc 4 lần).
- Dùng đậu xanh: Cái này cũng dùng đậu xanh nhưng không nhai mà nghiền nát thành bột, sau đó trộn với nước vo gạo cho sệt sệt rồi đắp lên vết giời leo, hễ thấy khô thì đắp tiếp cái khác.
Tư liệu tổng hợp
- Thanh Huyền, Chữa bệnh bằng cây thuốc quanh nhà, NXB Hồng Đức, 2015, trang 47.
- Vương Thừa Ân, Phòng và chữa bệnh bằng thức ăn hàng ngày, NXB Hồng Đức, 2017, trang 83 – 86.
Xem thêm: Bị giời ăn bôi thuốc gì?