Thỉnh thoảng, mình cũng vô thức bắt chước mọi người chửi thề. Có khi tức giận, mình còn dùng những từ như “khứt”, “huần hòe”…
Sau đó, mình nhận ra: hình như mình đang làm sai. Mấy đứa ngành văn như mình vốn rất trọng câu chữ, kỹ đến từng dấu câu, từng lỗi chính tả…, vậy mà mình lại nói tục!
Ông hàng xóm bảo: “Khà khà, chửi thề cho nó nhấn mạnh câu văn!”. Uhm, thì cũng đúng. Khi tức, phải chửi thề mới đã cơn tức! Nhưng khi chửi xong, mình lại thấy dơ dơ.
Thật ra, có nhiều người cũng không có ý gì, họ chỉ chửi thề và nói tục theo thói quen vậy thôi! Trong cuộc sống, họ vẫn dễ thương và đáng yêu.
Nhưng còn mình, mình cứ mâu thuẫn với chính mình. Rõ ràng, mình không thích những từ khiếm nhã nhưng thỉnh thoảng, mình lại sử dụng chúng! Hễ chơi với ai lâu lâu là mình nói chuyện y như họ, chửi thề y như họ. Dịch bài của Sadhguru một thời gian là mình viết văn y như phong cách của ông ấy luôn. Rõ ràng, nhạy cảm với ngôn ngữ là một lợi thế nhưng cũng là một bất lợi, bởi vì phải mất một thời gian, mình mới trung hòa được văn phong của người khác với văn phong của mình.
Bạn biết đó, mấy đứa tâm hồn mơ mộng rất thích những lời thanh nhã, bởi vì khi nghe những lời ấy, nó cảm thấy một sự sạch sẽ dịu dàng.
Giống như khi mình nói “hoa”, mình thực sự cảm thấy có một bông hoa đang ở đây. Khi mình nói “trăng”, mình thực sự cảm thấy ánh trăng mát dịu ở đây.
Tương tự, khi mình nói “hạnh phúc”, mình thực sự thấy “hạnh phúc” thật.
Vậy nên, loại âm thanh mà chúng ta thốt ra, nó thực sự rất quan trọng.
Nhiều lần, mấy bà hàng xóm nghi ngờ mình khùng vì mình thường ngồi “ngơ” một mình. Thật ra, khi ấy, có thể mình đã đọc được một từ gì đó rất hay, và mình ngồi hưởng thụ nó.
Chẳng hạn như từ “phụng hiến”, mình nghe xong thì “phê” luôn. Nghe xong thấy hạnh phúc lắm! Cảm giác nó là một từ rất đẹp, rất phúc, rất viên mãn! Sao mà nó hay đến vậy!
Hoặc khi bạn mình dùng từ “bậc trung khanh”, mình cảm thấy nó rất hay và bắt đầu say sưa với từ đó – hai chữ “trung khanh” nghe nó hay làm sao! Vậy đấy!
Vậy nên, mình cũng bị tác dụng phụ, đó là: mình có những sự mẫn cảm không cần thiết, ví dụ như ai nói mình “khùng”, “ngáo”… thì mình bình thường nhưng nếu nói mình “xàm” hay “vớ vẩn” thì mình cảm thấy mình bị xúc phạm và giận ngay!
Ngôn ngữ là một trò chơi không quy ước và mỗi người có một cách cảm thụ khác nhau.
***
Đó là lý do vì sao nhiều người bắt đầu lười nói chuyện! Nói làm gì khi người kia có hiểu ý mình đâu!
Thật ra, có những thứ không cần nói vẫn hiểu nhưng cũng có những thứ phải nói mới hiểu.
Chỉ là, cuộc đời này đã đầy rẫy những người sẵn sàng cay đắng, vậy thì ít nhất, mình cũng nên nói chuyện ngọt ngào, phải không?
Hoa đã nở rồi, bạn thấy chưa?
Người yêu.
***
Chào bạn. Mình là Nhi, người viết bài này, cũng là admin của kênh Youtube Phụng Nghi Đồng Tuyết Nhi.
Bạn có thể liên hệ mình qua sdt 0979 254 124.
Bạn cũng có thể thưởng cho mình ly sữa để tiếp tục viết văn qua stk Agribank 1800 259 157 122 (Đồng Tuyết Nhi).
Cảm ơn bạn.