Hoa dành dành mọc riêng lẻ từng cánh, trắng như ngọc và đặc biệt rất thơm. Hương thơm hoa dành dành đằm thắm hơn hoa nhài, nhu mì và ngọt ngào khó tả.

Không chỉ là loài hoa đẹp, dành dành còn là vị thuốc nữa đấy! Bạn đã nghe qua chưa?
Trà hoa dành dành có tác dụng gì?
Cũng như hoa nhài, hoa hồng… hoa dành dành có thể làm thành trà hoa để điều trị bệnh. Theo y học cổ truyền, trà hoa dành dành có tác dụng điều trị cảm lạnh và ho do nóng phổi.
Cách dùng như sau: lấy 20 g hoa dành dành tươi (hoa đã nở), rửa với nước cho sạch rồi hãm với nước sôi, sau đó cho thêm chút mật ong vào, đợi trà bớt nóng thì uống (uống ấm).

Hoa dành dành nấu nước uống
Cách này cũng tương tự như trà hoa đã nói ở trên: lấy 5 bông hoa, rửa sạch, cho vào nồi cùng nửa chén nước và một muỗng mật ong rồi nấu bằng lửa to cho đến khi sôi thì chuyển sang lửa nhỏ, đợi 5 phút rồi tắt bếp, chắt lấy nước, để nguội và uống.
Bài thuốc này có tác dụng điều trị chảy máu cam, cảm cúm và đờm vàng.
Hoa dành dành làm thuốc ngoài da
Dân gian ta có bài thuốc điều trị chảy máu cam không ngớt bằng hoa dành dành như sau: lấy vài cánh hoa, bỏ vào chảo, rang cho khô rồi xay nát thành bột, sau đó thổi bột ấy vào lỗ mũi để giúp cầm máu (có thể dùng tờ giấy quấn tròn lại, để bột vào cho dễ thổi).
Để mang lại hiệu quả cao hơn, người bị chảy máu cam có thể kết hợp với phương pháp ấn “huyệt thiên trì” (tuy nhiên, nếu không rành về huyệt đạo thì không nên ấn).
Lá dành dành có tác dụng gì?
Với lá dành dành, bạn có thể rửa sạch rồi vò nát với nước (như vò sâm). Sau một lát, bạn sẽ thu được phần nước kẹo và nhựa. Nước này bạn lược bằng rổ lược rồi để một lát thì sẽ đông lại như thạch sương sâm (ăn như sương sâm để giải nhiệt, giải khát).

Với trường hợp đau mắt đỏ, dân gian ta còn lấy lá dành dành tươi, rửa sạch bằng nước muối rồi rửa lại bằng nước lã, sau đó giã nát nhuyễn cùng chút nước cho sệt sệt rồi đắp lên mắt (lá dành dành có tính mát nên giúp làm dịu rất tốt).
Quả dành dành (vị thuốc chi tử) có công dụng gì, chữa bệnh gì?
Quả dành dành khi chín có màu đỏ, có mùi thơm và được dùng làm thuốc nhiều hơn cả.
Bạn có biết vì sao quả dành dành được gọi là “chi tử” không? Đó là vì nó có hình dáng giống cái ly uống rượu thời xưa – hay thấy trong phim Trung Quốc, loại ly có 3 chân dài bên dưới (“chi” nghĩa là cái chén còn “tử” nghĩa là quả, hạt).


Theo Đông y, quả dành dành có vị đắng, tính hàn (lạnh), tương thông vào gan, phổi, tim, dạ dày và có rất nhiều công dụng liên quan đến các bộ phận này.
1. Trái dành dành đắp bó sưng tấy
Trước đây, khi bị gãy xương khiến cho chỗ bị gãy sưng tấy, ngoài các biện pháp điều trị của thầy thuốc thì dân gian ta còn dùng thêm bài thuốc đắp bó từ trái dành dành để giúp giảm sưng (lưu ý, bài thuốc này chỉ giúp giảm sưng, không thể giúp liền xương).

Cách dùng như sau:
- Nếu là trái chín tươi: lấy một lượng vừa đủ, giã nát với bột mì rồi đắp lên.
- Nếu là trái chín phơi khô: lấy một lượng vừa đủ, nghiền nát ra rồi để thêm chút nước hoặc giấm cho sệt sệt, sau đó đắp lên.

2. Điều trị tiểu dắt
Lấy 2 lạng chi tử (trái dành dành) và một lạng đường phèn, đem nấu cùng một lượng nước vừa đủ rồi chắt lấy nước uống (bài thuốc này cũng có tác dụng cầm máu).
3. Điều trị chứng hồi hộp không yên và ngực bụng đầy tức
Lấy 12 g quả dành dành và 8 g đậu sị, nấu lấy nước rồi chia thành 3 lần uống mỗi ngày.
4. Điều trị viêm bàng quang cấp tính và tiểu ra máu
Lấy 16 g quả dành dành, 8 g cam thảo Bắc, 20 g bạch mao căn (rễ tranh) và 12 g đông quỳ tử, tất cả nấu lấy nước rồi chia ra 3 lần uống mỗi ngày.
5. Điều trị thổ huyết
Lấy 20 g chi tử (sao vàng lên) và 20 g hoa hòe, hai vị này đem nấu với nước rồi chắt uống (lưu ý trước khi uống thì cho thêm một ít muối).
6. Điều trị chảy máu cam
Lấy 12 g chi tử, 12 g lá sen và 12 g rễ tranh, đem xắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống.
7. Điều trị đau nhức, sưng tấy do bong gân
Lấy quả dành dành (đã phơi khô), xay nát thành bột rồi trộn với nước cho sệt sệt, sau đó trộn thêm chút rượu rồi đắp lên chỗ bị bong gân, bó lại (mỗi ngày thay 1 lần).
8. Điều trị mụn nhọt
Lấy 12 g quả dành dành, 8 g kim ngân hoa và 15 g cây bồ công anh, tất cả thái nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống (uống mỗi ngày một lần và liên tục 1 tuần).
Người nào không nên dùng dành dành (chi tử)?
- Những người tỳ yếu, tiêu chảy phân lỏng, cơ địa hư hàn không nên dùng.
- Không dùng khi thời tiết bên ngoài dễ gây bệnh (thời tiết chuyển mùa, nắng mưa thất thường hoặc chứa các tác nhân gây bệnh khác).
Cách nhân giống hoa dành dành
Để nhân giống cây dành dành, bạn có thể trồng từ hạt hoặc giâm cành. Trong đó, giâm cành là biện pháp cho hiệu quả cao nhất. Bạn chỉ cần cắt một cành vừa phải, không quá già cũng không quá non, ngắt bớt lá, giâm xuống đất rồi tưới nước đầy đủ là được (trong 1 tuần đầu nên che nắng cho cành giâm). Sau khoảng nửa tháng, cành con sẽ bắt đầu mọc rễ và phát triển thành cây mới.
Tư liệu tham khảo
- Tạ Ngọc Ái (biên soạn), Trà và các bài thuốc, món ăn bổ dưỡng từ hoa, NXB Thanh niên, 2008.
Xem thêm: Hoa nhài có công dụng gì?