Hoa xuân của miền Nam là hoa mai vàng còn hoa xuân của miền Bắc là hoa đào (phổ biến nhất là đào phai).
Được biết, hoa mai vàng không có tác dụng làm thuốc nhưng hoa đào phai thì lại là vị thuốc thực thụ, có mặt trong nhiều bài thuốc cổ truyền.
Bạn đã dùng hoa đào làm trà, làm bánh, làm thuốc và làm đẹp lần nào chưa? Nó có những công dụng gì?
Nội dung chính ⇒
Các món ăn làm thuốc từ hoa đào phai
Từ xưa, người phương Đông đã có truyền thống “dược thiện” – dùng món ăn để chữa bệnh và dưỡng sinh. Trong đó, có rất nhiều món ăn độc đáo đã được lưu truyền và hoa, củ, quả là những bộ phận được dùng nhiều hơn cả.
Với hoa đào, chúng ta có hai món phổ biến sau đây:
1. Món mằn thắn hoa đào
Món này giống như món bánh trôi hoa quế, được làm bằng cách lấy hoa đào tươi trộn với bột mì và nước, sau đó luộc chín để ăn (ăn trong nửa ngày sau khi luộc, không để lâu).
Công dụng: giúp giảm chứng phân khô, tắc ruột và bụng trướng đau.
Ghi chú: nếu không có hoa tươi thì dùng hoa khô (không để lâu quá một năm) và khi dùng thì ngâm nước cho hoa mềm lại.
2. Món hoa đào xào củ cải và tôm
Để nấu món này, bạn cần 20 g bông hoa đào tươi (tách và lấy cánh hoa), 30 g tôm (bóc vỏ), nửa củ hành tây, 150 g củ cải trắng và 50 g tương cà chua (nếu không có thì lấy trái cà chua thay thế, băm nhỏ và làm thành sốt). Khi xào, ta băm tỏi rồi phi thơm, sau đó xào như cách xào thông thường nhưng với hoa đào thì sau khi xào xong, ta mới rắc lên, trộn đều.
Với món này, bạn nên ăn ngay khi xào xong, không nên để lâu.
Công dụng: giúp bổ thận và dưỡng cho da dẻ tươi nhuận.
Tác dụng làm đẹp của hoa đào phai
1. Bài thuốc dưỡng da từ hoa đào của danh y Tuệ Tĩnh
Được biết, danh y Tuệ Tĩnh (thời Trần) có bài thuốc làm đẹp từ hoa đào rất nổi tiếng, được ghi lại trong công trình Nam dược thần hiệu như sau:
- Thành phần: hoa đào (4 lạng ta), vỏ quả quýt chín (2 lạng ta), nhân hạt bí đao (5 lạng ta).
- Cách dùng: lấy các thành phần trên đem phơi khô rồi xay nát thành bột để dùng dần. Mỗi lần uống, lấy một ít bột ấy (khoảng 2 đồng cân), hòa với nước ấm rồi uống (uống sau khi ăn).
- Đặc biệt, nếu bạn muốn da trắng nhiều thì tăng lượng nhân hạt bí đao lên, muốn da hồng hào thì tăng lượng hoa đào lên (kiên trì uống từ 50 – 100 ngày thì sẽ thấy hiệu quả rõ rệt, toàn thân trắng trẻo).
2. Trà hoa đào – hoa sen cải thiện nám da
Với da nám, da tàn nhang thì chúng ta có thể dùng bài thuốc sau để cải thiện.
- Thành phần: 10 g hoa đào phai và 15 g hoa sen hồng.
- Cách dùng: hãm với nước sôi, đậy kín lại, sau 15 phút thì chắt ra và dùng uống như trà.
3. Rượu hoa đào – bạch chỉ giúp dưỡng da
Rượu hoa đào – bạch chỉ là bài thuốc quý, giúp hoạt huyết, làm đẹp và tươi nhuận làn da. Vì vậy, với những người da dẻ nhăn nheo, kém tươi thì dùng rượu này sẽ có tác dụng đáng kể.
Cách dùng như sau: lấy 250 g hoa đào tươi, rửa sạch rồi ngâm cùng với 30 g bạch chỉ (giã nhỏ), ngâm trong 1 lít rượu trắng, sau một tháng thì có thể dùng.
Liều lượng: mỗi lần uống 10 ml rượu thuốc, ngày uống hai lần.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể lấy một ít rượu này thoa lên mặt, như vậy sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
4. Bột hoa đào giảm béo, dưỡng da
Theo kinh nghiệm dân gian, để cho da mặt tươi trẻ, hồng hào thì vào mồng ba tháng ba âm lịch hàng năm, hái hoa đào tươi (khoảng 300 g) rồi phơi gió cho khô dần, sau đó xay nát thành bột và cho vào hủ kín để đựng. Mỗi lần uống, ta lấy 1 g bột ấy hòa với nước mà uống, ngày uống 3 lần và uống vào lúc đói.
Được biết, kiên trì thực hiện bài thuốc này còn giúp bạn giảm cân an toàn.
5. Hoa đào và bài thuốc trị mụn trứng cá, mụn nhọt trên mặt
Lấy hoa đào phai và nhân hạt bí đao (tỉ lệ bằng nhau), đem phơi khô, xay nát thành bột rồi trộn với mật ong để thoa lên chỗ mụn.
6. Bột hoa đào chữa rụng tóc
Với chứng rụng tóc khiến cho hói đầu, dân gian còn lưu lại bài thuốc sau: lấy bột hoa đào trộn với dầu mè rồi thoa lên (trước khi thoa thuốc lên thì nên lấy tro của rơm rạ hòa với nước rồi bôi lên).
Tác dụng chữa bệnh của hoa đào phai
Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc từ hoa đào phai như:
1. Cao hoa đào điều trị các nốt chai sạn ở chân
Loại cao dán này có thể giúp các nốt đậu mọc trên lưng tan dần, đồng thời cũng có thể làm mềm dần những nốt chai sạn trên chân.
Cách chế như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị một lạng hoa đào phai (hoa tươi), một muỗng nhỏ giấm ăn và một muỗng nhỏ muối.
- Bước 2: Lấy hoa đào tách lấy cánh rồi cho vào chén, thêm muối vào rồi dùng cán dao bằng gỗ giã nát ra.
- Bước 3: Vắt lấy nước rồi cho giấm vào, trộn đều và đắp lên chỗ bị chai sạn hoặc bị nổi nốt đậu (thực hiện thường xuyên).
2. Hoa đào chữa đau bụng do đại tiện khó
Với trường hợp này, bạn có thể lấy một muỗng bột hoa đào, nấu với nước rồi uống (được biết, hoa đào có tác dụng đáng kể đối với đại tràng, vì vậy, nó rất hợp với những người đang bị táo bón).
Mặt khác, trà hoa đào còn giúp lợi tiểu, thông tiện và giảm phù (lấy vài bông hoa, rửa hoa sạch rồi tách lấy cánh hoa và ngâm nước muối. Sau đó, vớt cánh hoa ra, để ráo, hãm với nước sôi và đợi nguội thì uống như trà).
Ngoài ra, nếu bị đại tiện táo kết, bạn cũng có thể lấy 30 g hoa đào tươi nấu nước uống (nếu dùng hoa khô thì lấy 10 g).
3. Hoa đào chữa bệnh sốt rét
Y học cổ truyền có ghi lại công dụng điều trị sốt rét của hoa đào như sau: mỗi ngày, lấy 3 g bột hoa đào hòa với rượu ấm rồi uống.
4. Hoa đào chữa bệnh kiết lỵ lâu ngày không khỏi
Cách dùng rất đơn giản: lấy 15 bông hoa đào phai, nấu lấy nước uống (ngày uống ba lần).
Lưu ý khi dùng hoa đào chữa bệnh
- Các bà bầu không được dùng vì dễ bị sảy thai (hoa đào gây hưng phấn tử cung).
- Những người suy nhược, đang yếu trong người cũng cần hạn chế (vì dùng nhiều sẽ gây tổn thương nguyên khí).
- Hoa đào sau khi phơi âm can cho khô thì chỉ dùng trong vòng 1 năm.
Xem thêm: Hoa mơ (mai hoa) có công dụng gì?
Tư liệu tổng hợp
- Tạ Ngọc Ái (biên soạn), Trà và các bài thuốc, món ăn bổ dưỡng từ hoa, NXB Thanh niên, 2008, trang 208.
- Đào (thực vật), https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A0o_(th%E1%BB%B1c_v%E1%BA%ADt)