Ở nước ta, hoa lăng tiêu được trồng làm cảnh khá phổ biến. Vậy, bạn có nghe qua hoa lăng tiêu cũng có thể dùng làm thuốc chữa bệnh chưa? Và không chỉ hoa mà lá và rễ của cây này cũng được dùng làm thuốc nữa đấy.
Nội dung chính ⇒
Vị thuốc lăng tiêu hoa
Ở nước ta, cây lăng tiêu thường được gọi trại thành các tên khác như đăng tiêu, lan tiêu (lưu ý cây này khác với cây hàm tiếu cũng được gọi là lan tiêu).
Trong Đông y, vị thuốc lăng tiêu hoa được lấy từ:
- Hoa của cây lăng tiêu (凌霄), tức đăng tiêu hoa to, có tên khoa học là Campsis grandiflora (1).
- Hoa của cây lăng tiêu đài dày (“hậu ngạc đăng tiêu” 厚萼凌霄, hay còn gọi là Mỹ quốc đăng tiêu 美国凌霄), có tên khoa học là Campsis radicans.
Lăng tiêu hoa (đăng tiêu hoa) chữa bệnh gì?
Vị thuốc lăng tiêu hoa được biết đến với nhiều công dụng như:
- Bổ âm.
- Tính hàn, giúp mát máu (lương huyết).
- Làm tan máu bầm.
- Chữa chứng trong bụng có hòn cục.
- Chữa chứng sưng vú sau khi sinh nở.
- Chữa bế kinh và băng lậu sau sinh.
- Chữa chứng ngứa da, đỏ mũi và mụn trứng cá do máu nóng.
Cách dùng làm thuốc: Khi cây ra hoa, ta hái hoa, lặt bỏ cuống rồi phơi khô. Mỗi lần uống, lấy khoảng 4,5 đến 9 g hoa khô, sắc lấy nước uống trong ngày.
Ghi chú: Lăng tiêu hoa giống với hồng hoa và nhụy hoa nghệ tây ở chỗ đều có tác dụng hành huyết (hoạt huyết), khứ ứ nên có thể điều trị bế kinh.
Đối tượng cần tránh: Các bà bầu không được dùng lăng tiêu hoa. Ngoài ra, những người đang bị bệnh, khí huyết yếu kém, cơ thể suy nhược… cũng không được dùng.
Các bài thuốc thông dụng có dùng hoa, rễ và lá đăng tiêu hoa
Không chỉ hoa mà rễ và lá cây đăng tiêu cũng được dùng làm thuốc. Trong đó, có thể kể đến các bài thuốc thông dụng như:
1. Chữa chứng đau bụng kinh do ứ huyết
Khi bị đau bụng kinh do ứ huyết, bạn có thể dùng hồng hoa hay nhụy hoa nghệ tây để cải thiện. Tuy nhiên, nếu bạn có sẵn hoa đăng tiêu thì cũng có thể dùng hoa này để giảm đau bụng kinh.
Cách dùng như sau: lấy 0,3 lạng đăng tiêu hoa ngâm với rượu gạo sao cho vừa đủ ngập, ngâm khoảng 10 ngày là có thể bắt đầu sử dụng (lưu ý trộn cho ngấm đều và đậy kín nắp).
Liều lượng: Khi bị đau bụng kinh, bạn rót một muỗng rượu uống vào (có thể hòa cùng ít nước lã) và theo dõi tình trạng cơn đau, nếu vẫn còn đau thì có thể uống thêm một muỗng nữa (dùng muỗng canh).
Gợi ý: Về chứng đau bụng kinh do ứ huyết hay máu kinh xấu thì hồng hoa là vị thuốc hiệu quả và tiện lợi khi dùng hơn. Đặc biệt, bạn chỉ cần hãm một muỗng hồng hoa rồi uống như trà là được. Bên cạnh đó, giá cả hồng hoa cũng khiêm tốn và dễ mua hơn (xem thêm tại đây: Hồng hoa chữa bế kinh lâu ngày và đau bụng kinh do huyết ứ).
2. Chữa bế kinh
Cách dùng: Hái hoa đăng tiêu, đem phơi khô rồi cho vào máy xay sinh tố, xay nát và cho vào keo thủy tinh để dùng nhiều lần. Mỗi lần uống, bạn lấy khoảng 6 g bột đó hòa với nước cơm để ấm (nước chắt ra từ quá trình nấu cơm) rồi uống, mỗi ngày uống hai lần như thế.
3. Chữa bệnh viêm gan, vàng da và lỵ cấp tính
Cách dùng: Lấy 15 g rễ cây đăng tiêu và 15 g lá đăng tiêu, nấu lấy nước uống hàng ngày.
4. Chữa chứng tiêu chảy ở trẻ nhỏ
Cách dùng: Lấy 9 g lá đăng tiêu (dùng lá tươi) và 1,5 g vỏ củ gừng tươi, xắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống.
5. Chữa chứng viêm loét âm đạo
Cách dùng: Lấy một lượng hoa đăng tiêu (vừa đủ dùng), nấu lấy nước và dùng nước này ngâm rửa thường xuyên.
6. Chữa bệnh viêm ruột cấp tính
Cách dùng: Lấy 30 g rễ cây đăng tiêu và 3 lát gừng tươi, nấu lấy nước uống hàng ngày.
7. Chữa bệnh trứng cá đỏ
Uống trong: Lấy 9 g hoa đăng tiêu và 9 g quả dành dành phơi khô (chi tử), cùng đem nghiền hoặc xay thành bột rồi hòa với nước mà uống.
Ngoài da: Lấy hoa đăng tiêu cùng với mật đà tăng (chất cặn rỉ và đọng lại ở dưới lò đúc bạc), liều lượng bằng nhau sao cho vừa đủ dùng, đem phơi khô rồi nghiền thành bột và bôi lên da.
8. Sơ cứu khi bị rắn cắn
Ngoài da: Lấy rễ đăng tiêu (rễ tươi), rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vết rắn cắn.
Uống trong: Lấy 125 g rễ đăng tiêu (rễ tươi), đem nấu với rượu rồi uống, sau đó đư a đến trạm y tế hoặc bệnh viện để chẩn đoán thêm.
9. Chữa bỏng (phỏng)
Cách dùng: Lấy một lượng rễ đăng tiêu (vừa đủ), đem mài với nước sao cho nó sệt sệt thành dạng hồ keo rồi đắp lên vùng da bỏng (mỗi ngày nên đắp từ 3 đến 4 lần).
Lưu ý:
- Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.
- Với rễ đăng tiêu, ta nên thu hoạch vào mùa thu, sau đó rửa sạch, thái nhỏ và sao lên cho thơm.