Gom hết 365 ngày để thành mùa xuân – đó chính là hồn cốt của mai vàng (Ochna integerrima).
Nội dung chính ⇒
Hoa mai vàng, vẻ đẹp ngày Tết Việt Nam
Người ta ai cũng thích hoa mai. Thật vậy, sau một năm trời lao động, nhà nhà bắt đầu ngưng nghỉ để tận hưởng khoảnh khắc giao mùa, đầm ấm bên gia đình thì hoa mai cũng bắt đầu nở rộ.
Ngắm nhìn những cánh mai vàng tươi, ai ai cũng thấy phấn khởi trong lòng.
Có một điều khiến Cây Hoa Lá cảm thấy tự hào là khi nói đến hoa mai vàng, người Trung Quốc và các nước sử dụng tiếng Anh đều giới thiệu rằng: mai vàng chính là hoa Tết của Việt Nam (dù rằng nó cũng được trồng ở miền Nam Trung Quốc (các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây), Thái Lan, Mianma, Campuchia, Lào, Đông Bắc Ấn Độ… và nhiều nước khác).
Ở nước ta, cây mai vàng còn được gọi là hoàng mai, huỳnh mai, lão mai… và có nhiều giống khác nhau.
Ở Trung Quốc, cây mai vàng được gọi là “Kim liên mộc” (金莲木) và trong tiếng Anh, cây mai vàng được gọi bằng cái tên khá thú vị: “Cây chuột Mickey Việt Nam” (Vietnamese Mickey Mouse Plant).
Đó là vì khi các quả mai chín đen, chúng rụng dần và khi chỉ còn lại hai quả trên đầu thì cụm quả mai lại rất giống với hình ảnh chú chuột Mickey.
Cây mai vàng có dùng làm thuốc được không?
Cây mai vàng có thể dùng làm thuốc.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu y học Võ Văn Chi (trong công trình Cây thuốc An Giang) thì dược tính của cây mai vàng chưa được nghiên cứu nhiều. Mặc dù vậy, vỏ của nó đã được ghi nhận với tác dụng bổ tiêu hóa (2).
Tương tự như vậy, các tác giả công trình Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1) cũng cho biết vỏ cây mai vàng có vị đắng và có tác dụng kích thích tiêu hóa. Trong dân gian, người ta dùng vỏ cây mai vàng để ngâm rượu (làm thuốc bổ đắng), giúp quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra dễ dàng hơn (3).
Ở Lào, người ta còn dùng vỏ mai vàng làm thuốc điều trị viêm họng (4).
Như vậy, thành thực mà nói thì cây mai vàng vẫn có công dụng làm thuốc nhưng tính ứng dụng của nó không cao (vì có nhiều vị thuốc thay thế khác tốt hơn và tiện lợi hơn).
Tuy nhiên, điều đó không làm ảnh hưởng đến sự trân quý của mọi người dành cho hoa mai. Bởi lẽ, “mai” đồng âm với “may” trong may mắn và viết đến đây, Cây Hoa Lá bỗng dưng nghĩ đến những gia đình dù túng thiếu thế nào cũng quyết không chịu bán đi cây mai Tết bên nhà! Với họ, cây mai là linh hồn của ngày Tết cổ truyền, là nguồn thu hút tài lộc và nói về cây mai thì còn rất nhiều câu chuyện để kể nữa! Nhưng thôi, xin quay trở lại tiềm năng làm thuốc của hoa mai.
Một số nghiên cứu về dược tính của cây mai vàng
1. Hoạt tính chống sốt rét của vỏ cây
Theo tạp chí Planta Medica, chiết xuất EtOH 80% từ vỏ cây mai vàng có tác dụng chống sốt rét đáng kể (5).
2. Hoạt tính chống HIV – 1
Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất ETOAc từ lá và cành mai vàng có một số hoạt chất giúp chống lại virus HIV – 1. Điều này cho thấy tiềm năng làm thuốc của cây mai vàng và khả năng đóng góp của nó vào thư viện cây thuốc Việt Nam (6).
Thông tin thêm
Ngoài công dụng làm thuốc thì ở một số nước trên thế giới, lá mai non còn được dùng làm thức ăn (chọn những lá non mềm).
Ở miền Nam, nhiều người còn nhầm lẫn hoa mai vàng và hoa mơ, nhất là khi tiếp cận các tác phẩm văn học, nghệ thuật (hoa mơ không có ở miền Nam nên khi nhắc đến “hoa mai” (tức hoa mơ), nhiều người lại nghĩ đó là hoa mai vàng).
Có sự nhầm lẫn này là do trong chữ Hán, cây “mơ” được gọi là “mai” và hoa mơ được gọi là “mai hoa”. Chẳng hạn, trong câu thơ rất quen thuộc của Truyện Kiều:
“Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười“
thì “mai cốt cách” ở đây là để chỉ cốt cách của cây mơ – một loài cây có thể nở hoa trong lúc thời tiết khắc nghiệt nhất. Được biết, hình ảnh hoa mơ từ lâu đã gắn liền với tuyết lạnh. Không chỉ thế, hoa mơ (mai hoa) còn được vinh danh trong Tuế hàn tam hữu (ba người bạn của giá lạnh) là tùng, trúc, mai. Tuy nhiên, vì nhầm lẫn mà nhiều người đã phân tích và dẫn chứng nhầm với cây mai vàng (thường thấy trong các bài văn mẫu cho học sinh cấp 3). Các trường hợp khác cũng tương tự như vậy:
“Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen”
(Truyện Kiều)
“Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa“
Dịch nghĩa:
“Mười năm bàn luận tìm cổ kiếm
Đời này chỉ cúi lạy hoa mơ”
(Cao Bá Quát?)
…
Đặc biệt, trong câu đối nổi tiếng giữa vua Trần và Hồ Quý Ly cũng có nhắc đến hai loài cây có thể gây hiểu nhầm, đó là cây quế và cây Nhất chi mai.
“Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế”
Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai”
Nghĩa là:
“Trước điện Thanh thử có ngàn gốc quế
Trong cung Quảng Hàn có một cành mai” (Nhất chi mai)
Ở đây, theo chúng tôi, cây quế (“thiên thụ quế”) không phải để chỉ loài quế lấy vỏ làm thuốc (như quế khâu, quế bì…) mà là cây quế hoa (tức cây mộc hương). Tương tự như vậy, “Nhất chi mai” trong câu thơ trên không chỉ có nghĩa là “một cành mai” mà còn có thể để chỉ loài mơ Nhất chi mai.
Tư liệu tổng hợp
- Mai vàng, https://vi.wikipedia.org/wiki/Mai_v%C3%A0ng
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, trang 922.
- Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, trang 349.
- Ochna integerrima (Lour.) Merr. – OCHNACEAE, http://biotik.org/laos/species/o/ochin/ochin_en.html
- Antimalarial Activity of Biflavonoids from Ochna integerrima, https://www.thieme-connect.com/products/ejournals/html/10.1055/s-2006-931569
- Anti HIV-1 Flavonoid Glycosides from Ochna integerrima, https://www.thieme-connect.com/products/ejournals/html/10.1055/s-2007-981538