Hoa nhài (tức nhài ta) vừa trắng vừa thơm, có thể ướp hương, hãm trà, nấu ăn, làm thuốc… nên được rất nhiều người yêu thích.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng điểm qua những công dụng của loại hoa này, bạn nhé!
Nội dung chính ⇒
Trà hoa nhài (hoa lài) có công dụng gì?
Theo y học cổ truyền, hoa nhài có tác dụng bổ thận, trợ dương, giúp sáng mắt và làm đẹp da.
Thông thường, dân gian dùng hoa hãm với nước sôi rồi uống như trà (khoảng 5 g mỗi ngày).
Cách dùng cụ thể như sau: lấy 5 g hoa nhài, rửa sạch rồi cho vào nồi, sau đó đổ thêm 1,5 lít nước vào rồi cho thêm một muỗng cafe đường phèn, nấu cho sôi thì tắt bếp, vớt bỏ bã và lấy nước uống.
Công dụng: trà này giúp thông khí, bổ gan, giải độc và điều trị kiết lỵ. Với những người sắc mặt khô vàng thì uống trà này sẽ có tác dụng cải thiện rất tốt.
Hoa nhài (hoa lài) có ăn được không?
Hoa nhài ăn được, bạn nhé. Dân gian thường dùng hoa này làm thành các món ăn chữa bệnh, chẳng hạn như:
1. Cháo hoa nhài – hoa hồng
Đây là món ăn giúp bổ gan, thông khí, giảm đau, giải tà và kiện tỳ vị. Với những người sắc mặt tiều tụy thì ăn cháo này sẽ giúp cải thiện rất tốt.
Cách nấu như sau:
- Bước 1: chuẩn bị 10 g hoa nhài tươi, 5 đóa hoa hồng tươi, một ít đường phèn và 100 g gạo tẻ, tất cả rửa sạch.
- Bước 2: lấy gạo vo sạch rồi nấu thành cháo, sau đó cho cả hai loại hoa vào (tách thành cánh nhỏ), cho thêm đường phèn, nấu bằng lửa nhỏ cho hoa chín mềm là được.
2. Hoa nhài nấu tàu hủ trắng
Đây là món ăn chay giúp thanh mát tràng vị (ruột và dạ dày, hệ tiêu hóa nói chung), ngoài ra còn giúp giảm cân, thon gọn và tươi nhuận da.
Cách nấu như sau:
- Bước 1: chuẩn bị 20 đóa hoa nhài tươi (ngắt bỏ đế hoa) và 1 miếng tàu hủ trắng (cắt nhỏ ra).
- Bước 2: lấy tàu hủ chiên cho vàng đều hai mặt rồi cho hoa vào, vặn nhỏ lửa, sau đó cho thêm một ít nước lã, một ít nước tương và đường, đảo đều.
- Bước 3: sau 3 phút, tắt bếp, đổ ra dĩa và thưởng thức.
Cây hoa nhài (hoa lài) có tác dụng gì, điều trị bệnh gì?
Cây nhài còn được dùng trong nhiều bài thuốc như:
1. Điều trị đau mắt do nóng nhiệt
- Cách 1: lấy 6 g hoa nhài nấu nước cho sôi rồi dùng nước này để xông hơi nhẹ nhàng lên mắt, khi nước nguội thì chắt lấy nước uống.
- Cách 2: cũng dùng như cách 1 nhưng kết hợp thêm 9 g kim ngân hoa và 9 g hoa bạch cúc (mua trong các tiệm thuốc Bắc).
- Cách 3: lấy lá cây nhài rửa sạch, giã nát ra rồi giã nát, sau đó vắt lấy nước ép rồi trộn với lòng trắng trứng gà (của 1 quả trứng), đắp lên vùng mắt bị nhức.
- Cách 4: nếu bị viêm màng khóe mắt và mắt có màng mộng thì lấy hoa nhài (lượng vừa đủ), nấu lấy nước rồi rửa mặt, rửa mắt.
2. Điều trị mất ngủ, giúp điều kinh và điều trị đòn ngã tổn thương
Lấy một lượng thật nhỏ rễ cây nhài (khoảng 1 – 1,5 g), xay nát với nước rồi chắt nước ấy uống.
Lưu ý: rễ cây nhài hơi có độc nên cần lưu ý liều lượng và hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng (ngoài các công dụng trên thì rễ nhài còn có tác dụng gây tê, giảm đau, an thần).
3. Điều trị rôm sảy
Dùng một lượng lá nhài tươi (vừa đủ), vò vào thau nước tắm cho ra chất thuốc rồi vớt bỏ xác (có thể kết hợp với lá ngải cứu).
4. Điều trị tiêu chảy và ngoại cảm phát sốt
Dùng 6 g hoa nhài, 3 g thảo quả và 10 g lá trà xanh, tất cả rửa sạch rồi nấu lấy nước uống trong ngày.
5. Điều trị ho suyễn, phế ung
Dùng 12 g hoa nhài và 100 g tàu hủ (xắt nhỏ), hãm với nước sôi rồi chắt lấy nước uống trong ngày.
6. Điều trị lỵ
Dùng 12 g hoa nhài nấu lấy nước uống như trà hàng ngày.
7. Điều trị viêm tuyến vú và nhọt ngứa
Hái lá cây nhài tươi, rửa với nước thật sạch rồi giã nát và đắp lên.
Lưu ý khi dùng
- Phụ nữ mang thai và những người cơ thể suy nhược, đang mắc bệnh không nên dùng.
- Những người bị nóng trong người (cơ thể hỏa nhiệt), táo bón và cảm thấy khô khan cũng không nên dùng.
- Phân biệt: Cây nhài ta được nói đến trong bài viết này có hoa thơm và được dùng làm thuốc, khác với cây nhài trâu – tức lài tây (cây này không thơm mà còn có độc nên chỉ dùng làm cảnh, thường được dùng làm cây công trình trên đường phố hoặc trong các khuôn viên).
Cách nhân giống, ươm cây hoa nhài ta, hoa nhài dễ trồng không?
Bạn có thể dễ dàng nhân giống cây nhài bằng cách cắt 1 đoạn thân nhánh rồi cắm xuống đất, tưới nước và che nắng cho đến khi nhánh cây ra rễ (nếu có cát thì bạn ươm trong cát hoặc cát pha đất sẽ dễ hơn).
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý cây nhài dễ bị sâu hại (nhiều người trồng đã phun thuốc hóa học nên sản phẩm hoa nhài phơi khô, sấy khô trên thị trường hiện nay rất khó đảm bảo về độ an toàn).
Hoa nhài mua ở đâu, giá bao nhiêu?
Hiện mình có bán cây hoa nhài, chỉ 20 k/ cây, đảm bảo còn sống tới tay khách.
Phí ship 28 k. Ship dù chỉ 1 cây.
Sdt: 0979 254 124
Facebook: https://www.facebook.com/cayhoanhai
Xem thêm: Bài dân ca Trung Quốc về hoa nhài (Mạt lợi hoa) do Hoắc Tôn trình bày.
Tư liệu tổng hợp
- Tuệ Minh – Dương Thiên, Cây thuốc nam thông dụng trị liệu trong gia đình, trang 154.
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, trang 335.
- Thiên Kim, Những phương thức làm đẹp từ cây thuốc nam, trang 88.