Trong một lần đi du lịch đảo Phú Quốc, mình ghé vào một nhà hàng và gọi món ăn. Trong lúc chờ món của mình, mình chợt phát hiện một mùi thơm quen thuộc khi người phụ vụ bưng dĩa thức ăn đi ngang.
Mình mường tượng vài giây. À, thì ra đó là hương thảo. Cây hương thảo xanh xanh nho nhỏ, mình trồng ở trước sân, sau đó có chiết thêm vài nhánh con để trồng trong chậu mini và để trên bàn làm việc.
Nội dung chính ⇒
Trồng hương thảo làm gì? Tác dụng của cây hương thảo
Bạn biết đấy, lá hương thảo có mùi thơm rất mạnh. Dù bạn ngồi xa 1 mét, nếu có gió thổi nhẹ, bạn vẫn ngửi thấy hương thơm của nó.
Còn như bạn dùng tay vuốt nhẹ qua cành lá của nó và ngửi thử thì chao ôi, rất thơm!
Lần đầu, có thể bạn sẽ thấy mùi của nó hơi gắt, hơi hôi, mẫn mẫn…; thế nhưng, sau vài lần tiếp xúc, hẳn bạn sẽ quyến luyến cái mùi thơm đặc trưng ấy và không thấy khó chịu nữa!
Thế là thỉnh thoảng, công việc áp lực, những người đam mê hương thảo lại ra ngồi bên cạnh chậu cây, chạm lên lá nó, vuốt ve vài cái. Hương thơm tự nhiên lan tỏa, tinh thần cũng nhờ thế được thư giãn theo. Trong giờ làm việc, những khi buồn chán, lười biếng đến mức muốn ngủ gục, bạn cũng có thể nhờ hương thơm ấy mà tỉnh táo hơn, phấn chấn hơn!
Nhiều người còn nói hương thảo giúp đuổi muỗi nhưng với mình, dù nó có đuổi muỗi được hay không thì mình vẫn thích nó. Một loại cây tán nhỏ, lá nhiều, rất thơm và rất đáng yêu!
Hương thảo có ý nghĩa gì?
Cái tên “hương thảo” có nghĩa là cỏ thơm.
Theo quan niệm của người phương Đông thì mùi thơm có thể tẩy trừ uế trọc và tà khí.
Vì vậy, nhiều người đã dùng “hương thảo” để đặt tên cho con gái, cho thương hiệu, cho những tác phẩm của mình…
Trong nấu ăn, hương thảo được làm gia vị cho món gì?
Ngoài việc trồng làm cảnh, hương thảo còn là loại lá gia vị đích thực cho nhiều nhà hàng, quán ăn ở châu Âu (và ở nước ta).
Ví dụ như với món nướng, người ta sẽ dùng cành hương thảo làm que xiên thịt, cá để làm thơm món ăn hoặc rắc vài lá lên.
Với các món xào, lá hương thảo (tươi hoặc khô) sẽ được rắc lên để khử mùi cho thịt, cá. Với các món hầm, luộc, hấp cũng vậy.
Tuy nhiên, vì hương thảo có hoạt tính mạnh nên chỉ cần dùng vài lá để khử mùi và điểm tô cho món ăn thôi, bạn nhé!
Nếu dùng quá nhiều, bạn sẽ gặp phải các tác dụng phụ và thậm chí là ngộ độc.
Tác dụng của tinh dầu lá cây hương thảo
Ngày nay, hương thảo chủ yếu được trồng làm cảnh, làm gia vị, làm thuốc và chiết xuất tinh dầu.
1. Với lá cây
Dân gian thường dùng trong các trường hợp như:
- Giúp thơm miệng: Lấy vài lá hương thảo, nấu lấy nước, để nguội rồi dùng nước ấy súc miệng.
- Kích thích mọc tóc: Lấy một ít lá hương thảo, hãm với nước sôi rồi để nguội và gội đầu, sau 5 phút thì xả lại với nước.
- Giúp lợi tiểu, làm tăng huyết áp: Hái lá hương thảo, rửa sạch, phơi khô rồi hãm uống như trà. Liều dùng mỗi lần là 2 g lá, ngày dùng 2 lần – 3 lần theo hướng dẫn của thầy thuốc. Lưu ý không dùng liên tục trong thời gian dài và phải hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng chữa bệnh.
- Giúp sát trùng: Hái lá hương thảo, rửa sạch, hãm lấy nước, để nguội rồi rửa vết thương, chỗ lở loét cần được sát trùng.
2. Với tinh dầu
Ta có thể dùng để tắm cùng các loại tinh dầu khác để thư giãn tinh thần, chống viêm và làm sạch cơ thể.
Cách dùng như sau: Pha sẵn nước vào bồn tắm cho ấm ấm rồi nhỏ 2 giọt tinh dầu hương thảo vào, sau đó nhỏ thêm 2 giọt tinh dầu bạc hà và 3 – 5 giọt tinh dầu lavender (tinh dầu oải hương), sau đó khuấy đều, tắm và tận hưởng.
Ngoài ra, tinh dầu hương thảo còn được dùng trong các trường hợp như:
- Giúp giảm căng thẳng, thanh lọc không khí: Nhỏ 3 – 5 giọt tinh dầu vào máy khuếch tán tinh dầu.
- Chăm sóc tóc, giúp tăng lưu thông máu đến các nang lông trên da đầu: Trộn 6 giọt tinh dầu hương thảo với 30 ml dầu gội (có thể chia thành 6 lần gội đầu).
Lưu ý khi dùng và tác hại của cây hương thảo
- Bà bầu và các bà mẹ đang cho con bú không nên tiếp xúc với hương thảo (vì mùi hương mang tính phát tán của nó có thể gây hư thai).
- Trẻ nhỏ dưới 7 tuổi cũng không nên tiếp xúc nhiều và không nên ăn loại lá gia vị này.
- Người bị tăng huyết áp, động kinh, cơ địa nhạy cảm với tinh dầu… cũng không nên dùng.
- Không nên dùng quá liều, không nên ngửi quá lâu vì có thể dẫn đến ngộ độc và các tác dụng phụ như chóng mặt, co thắt, hôn mê…
- Với tinh dầu nguyên chất, bạn không nên bôi trực tiếp lên da, không dùng cho vết thương hở và cần để xa tầm tay trẻ em.
Cây hương thảo mua ở đâu, giá bao nhiêu?
Bạn có thể mua cây con ở các trung tâm bán cây cảnh lớn hoặc ở những shop cây trồng có nguồn gốc từ châu Âu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể mua trên mạng (tuy nhiên phải chọn nơi bán uy tín nhé!).
Giá hương thảo dao động từ 30 – 60 ngàn/ chậu nhỏ và vừa.
Hiện tại, mình có bán cây con, giá chỉ 20 k/ chậu, đảm bảo cây còn sống tới tay khách ạ. Phí ship toàn quốc là 28 k.
Sdt: 0979 254 124
Facebook: https://www.facebook.com/cayhuongthaogiabaonhieu
Ngoài hương thảo thì mình còn bán cây sương sâm trơn, sương sâm lông, bạc hà hương Doublemint, cây dâu tằm, cây lá dứa… giá chỉ 20 k thôi ạ.
Hương thảo dễ trồng không và cách nhân giống, chiết nhành
Hương thảo là một loại cây tương đối khó trồng vì nó dễ chết.
Tuy nhiên, nếu bạn đảm bảo đủ các điều kiện sau đây thì việc trồng loại cây này sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Mình còn nhớ, lúc mình mua nó, chị bán cây ghi trên thùng hai dòng chữ rất to, đó là:
- Ưa đất xốp, thoáng.
- Thích nắng to, gió lớn.
Và thật vậy, sau khi mua về, mình tìm một cái chậu lớn hơn, để đất vào rồi dời cây hương thảo qua chậu lớn, sau đó tưới nước đầy đủ và đặt ngoài sân, chỗ đúng chuẩn nắng to, gió thổi suốt ngày. Vì vậy, cây của mình lớn rất mau.
Ở đây mình xin chia sẻ 2 cách ươm chiết đơn giản.
1. Cách của mình
Đầu tiên, mình lấy cát ẩm trộn với đất, cho vào chậu có lỗ thoát nước, tưới nước cho ướt.
Sau đó, mình cắt 1 nhánh hương thảo và ghim vào, để trong chỗ thoáng mát, lâu lâu có nắng hanh hanh nhẹ.
Lúc nào thấy cát bị khô thì mình tưới nước thêm.
Sau 1 – 2 tuần thì nhánh ấy ra rễ.
Có 2 lưu ý ở đây:
- Cát là loại cát có lẫn một ít đất (tỉ lệ 80 % cát, 20 % đất), mình lấy ngoài sân vào và tưới nước cho ướt toàn bộ.
- Nhánh mình cắt là một đoạn nhánh ngắn, dài tầm 1 ngón tay, phần vỏ nhánh đã bắt đầu chuyển sang màu nâu nâu, hơi cứng (trong khi phần ngọn nhánh có màu xanh và mềm). Lưu ý không chọn nhánh già, cứng hóa gỗ nhé (vì nó sẽ rất khó ươm).
Nếu mới chiết lần đầu, bạn chỉ nên thử vài nhánh, nếu thấy có kết quả thì hãy thực hiện thêm nhé!
2. Cách của các anh chị khác
- Đầu tiên là chọn cành hương thảo vừa đủ già, to bằng tăm nhang, phần cành vừa chuyển sang màu nâu đen và lặt bớt vài lá ở chỗ dự định chiết (nhưng không cắt đứt).
- Tiếp theo, lấy một cái chậu nhỏ, để đất vào (nên chọn loại đất tơi xốp) rồi kê chậu đất ấy lên sao cho có thể kéo nhánh hương thảo (của cây mẹ) đặt lên chậu đất và lắp đất lên 2 cm, tưới nước đầy đủ.
- Sau 1 – 2 tuần, chỗ lấp đất ấy sẽ ra rễ, lúc này bạn mới lấy kéo cắt cho nhánh con tách khỏi cây mẹ. Lúc này, nhánh con đã nằm sẵn bên chậu đất mới và bạn chỉ việc chăm sóc nó như một cây mới.
Hương thảo có tên khoa học, tên tiếng Anh, tiếng Trung là gì?
Cây hương thảo có tên khoa học là Rosmarinus officinalis.
Trong tiếng Anh, hương thảo được gọi là Rosemary.
Trong tiếng Trung, hương thảo được gọi là 香草 (hương thảo, [xiāng cǎo]).
Tư liệu tham khảo
- Hương thảo, https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C6%B0%C6%A1ng_th%E1%BA%A3o
- Tác dụng của cây hương thảo, https://caythuoc.org/cay-huong-thao-co-thom.html
- 8 tác dụng của tinh dầu cây hương thảo hữu ích cho bạn và gia đình, https://hakufarm.vn/tac-dung-cua-tinh-dau-huong-thao/