Tại sao mọi người lại muốn kiếm tiền đến vậy?
Thật ra không chỉ với tiền mà với nhiều thứ khác, chúng ta đều muốn có nhiều hơn, bởi vì ham muốn chính là bản nhất của cuộc sống này.
Ví dụ, bạn nhắm mắt và mở mắt ra thì động lực khiến bạn mở mắt cũng là một loại ham muốn.
Ngay cả những người tu hành, họ tinh tấn, quyết tâm… cũng chỉ vì muốn giác ngộ, muốn giải thoát, muốn diệt trừ những thứ ham muốn khiến người ta khổ sở… Đó không phải cũng là ham muốn sao? Thậm chí, ham muốn của họ còn lớn hơn bạn rất nhiều: họ không khao khát những thứ hữu hạn, họ khao khát một thứ gì đó vô hạn.
Vậy nên, những người tu hành chân chính, họ không hướng đến sự tích lũy, bởi vì sự tích lũy bao giờ cũng là hữu hạn. Tích lũy nhiều không có nghĩa là bạn được nâng cao, như Sadhguru đã nói. Bạn có thể có rất nhiều thứ, từ tiền bạc đến địa vị và tình cảm, nhưng cuộc đời bạn sẽ rối như tơ nếu bạn không biết cách xử lý chúng.
Và chỉ khi bạn không còn ham muốn gì nữa, thậm chí không tham giác ngộ, cũng không tham giải thoát, bạn mới thực sự giải thoát, nghĩa là bạn sẽ giải thể, tan rã cả thể xác lẫn linh hồn, bạn đã sẵn sàng chưa?
*
Cho nên, khi bạn còn là một con người, bạn không cần khó chịu vì thấy mình có nhiều ham muốn. Bản chất của ham muốn không phải là xấu. Chỉ vì chúng ta cứ ham muốn những thứ sai lầm, những thứ không thể có được, nên chúng ta mới đau khổ. Chỉ vì chúng ta cứ nghĩ chúng ta phải có được thứ mà chúng ta muốn, nên khi không có được, chúng ta mới đau khổ. Nếu chúng ta hiểu rằng những thứ chúng ta muốn, có thứ sẽ có được, có thứ sẽ không có được, chúng ta sẽ tự nhiên nhẹ nhàng.
Mặt khác, khi một người có ý thức về sự ham muốn và ham muốn đó thành hiện thực, giây phút đó mới hạnh phúc làm sao! Không phải sao?
Trên đời có muôn ngàn phương tiện có thể khiến bạn hạnh phúc, miễn là nó lành mạnh thì bạn có thể xem xét. Bạn hạnh phúc khi thấy hoa nở, ai đó hạnh phúc khi có nhiều tiền, ai đó hạnh phúc khi được thăng chức… Tất cả đều tốt. Tiếc rằng, hầu hết chúng ta đều thiếu ý thức về sự ham muốn của mình, cho nên chúng ta không giữ được hạnh phúc lâu hơn.
Chưa đến Tết thì nôn nao, ba ngày Tết thì buồn chán, bởi vì giây phút bạn chạm vào đỉnh của thứ gì đó, bạn có được nó rồi, bạn bắt đầu cảm thấy bình thường và buồn chán.
Vì sao?
Vì bản chất của ham muốn (khao khát) là vô hạn. Những gì có giới hạn, có cột mốc… đều không thể làm thỏa mãn nó. Những người theo đuổi tiền bạc một cách mãnh liệt mà không có sự khôn ngoan, họ sẽ chạy mãi trên đường đua vô tận cho đến khi kiệt sức, bởi vì ham muốn là vô hạn nhưng sức lực thì có hạn.
Ngược lại, những người biết nhận ra đích đến ngay tại đây, họ sẽ ngắm hoa nở ở đây, tận hưởng cuộc sống ở ngay đây, không phải ở tương lai và cũng không phải ở bất kỳ nơi nào khác.
Hiểu được điều này, bạn sẽ trân trọng ngày Tết và cả những ngày không phải Tết, bởi vì trải nghiệm sống của bạn đang diễn ra từng ngày.
*
Quay trở lại câu chuyện tiền bạc, tại sao nhiều người lại kỳ thị tiền bạc đến mức cho rằng nó làm người ta biến chất?
Bởi vì bạn không giữ được mình, cho nên tiền mới làm bạn biến chất, phải không? Và không chỉ có tiền, nếu bạn không biết giữ mình thì bất cứ thứ gì trên đời này cũng có thể làm bạn biến chất. Có người nói: “cha mẹ nuông chiều quá nên mới hư hỏng”. Có người lại nói “cha mẹ hà khắc quá nên tôi mới hư hỏng”.
Cho nên, khi người ta không chịu thừa nhận trách nhiệm của mình, rằng mọi thứ đều từ bản thân này mà ra thì họ sẽ đổ lỗi cho tiền, cho người này người kia và bất cứ thứ gì có thể đổ lỗi…
*
Tôi đã hỏi những người giàu có mà tôi biết, họ không bao giờ ghét tiền cả. Ngược lại, những người đang chật vật với tiền thì lại cho rằng tiền bạc làm mất tình nghĩa, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân…
Không. Nếu bạn chối bỏ sự tiện lợi mà tiền có thể mang lại, cuộc sống của bạn có thể sẽ chật vật với cơm áo gạo tiền. Nếu bạn thích cuộc sống chật vật như vậy, bạn cứ sống.
Nhưng nhiều người không muốn như vậy. Họ không muốn suốt ngày đấu tranh với sinh tồn, đói và no, nợ nần và túng quẫn. Họ muốn đời sống vật chất của họ được đảm bảo để có thể thoải mái bước đi trên con đường tâm linh.
Lệ thuộc vật chất là điều không nên nhưng chối bỏ vật chất cũng không phải là cách sống.
Bao nhiêu năm qua, nhiều người khổ vì tiền cũng chỉ vì họ đã không thành thực. Họ không muốn thừa nhận rằng tiền bạc có giá trị của nó. Khi một người kỳ thị với tiền như vậy, tiền sẽ đến với họ sao?
*
Và tiền cũng không phải là vật ngoài thân. Nếu tiền bạc ở ngoài thân thì làm sao bạn quản lý được nó? Tiền bạc phải ở trong túi của bạn, để lúc bạn cần dùng thì có mà dùng.
Nhưng tiền bạc chỉ nên ở trong túi hoặc trong tay, đừng bao giờ để nó trên đầu của bạn. Bạn sử dụng nó như một phương tiện chứ không phải tôn thờ. Nếu bạn tôn thờ tiền, bạn sẽ trở thành một con người đồi bại.
Cho nên, nếu ai đó nỗ lực kiếm tiền vì họ thích tiền, họ hạnh phúc khi có nhiều tiền trong tay, điều đó không có gì là thô thiển hay mê muội cả. Họ đang phấn đấu cho niềm vui và hạnh phúc của họ.
Có người thấy an tâm khi có tiền. Có người thấy hạnh phúc khi được ở bên người yêu. Có người hạnh phúc khi được tự do làm điều họ muốn. Cũng có người hạnh phúc mà không cần gì cả. Mỗi người hạnh phúc theo một cách riêng.
Vì vậy, bạn không cần nhồi nhét tư tưởng của bạn vào đầu người khác, rằng họ phải sống như vậy, như ý tưởng của bạn… thì mới là cuộc sống đáng sống. Đừng độc tài như vậy. Hãy để mọi người sống cuộc sống của họ, miễn họ hạnh phúc là được.
Tôi biết nhiều người, và có thể bạn cũng biết nhiều người như vậy, những người tiền bạc đầy túi nhưng vẫn cảm thấy thiếu thốn, lúc nào họ cũng lăng xăng khổ sở, tranh đấu từng đồng. Đó là một cuộc sống đáng xấu hổ, phải không?
Người ta có thể hạnh phúc chỉ với một ổ bánh mì nhưng nhiều người lại không thể hạnh phúc ngay cả khi cuộc sống đã đủ đầy như thế!
Vì vậy, trên con đường kinh doanh làm giàu, bạn cũng cần nâng cao đời sống tinh thần của mình, để có thể hạnh phúc ngay bây giờ và sau này cũng vậy. Bởi vì như bạn thấy đấy, có rất nhiều người, họ kiếm được tiền rồi nhưng cũng đánh mất niềm vui. Họ có nhà, có xe, có sự nghiệp, có gia đình… nhưng gương mặt của họ cũng trở nên nghiêm trọng, đăm chiêu, không có nổi một nụ cười.
Có người vượt qua gió sương tuyết lạnh và nở nụ cười. Cũng có người vượt qua gió sương và bị đóng băng thành tuyết.
*
Giàu hay nghèo không ảnh hưởng đến trải nghiệm tâm linh. Nếu bạn có thể trải nghiệm tâm linh ngay cả khi nghèo khó, điều đó thật tốt. Nhưng nếu bạn khó có thể trải nghiệm tâm linh khi nghèo khó, vậy thì bạn nên giàu, phải không?