Khổ qua có loại đắng nhiều, có loại đắng ít nhưng nhìn chung đều được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, có những vấn đề cần chú ý khi ăn loại quả này để không gây hại cho sức khỏe.
Nào, chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Nội dung chính ⇒
Khổ qua có tác dụng gì? Trái khổ qua trị bệnh gì?
Công dụng đầu tiên của quả khổ qua (cũng như khổ qua rừng) chính là hỗ trợ điều trị tiểu đường. Hiện nay, trà khổ qua cũng đã được nhiều cơ sở sản xuất nhằm phụ vụ cho nhu cầu điều trị và kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2, ngoài ra còn giúp thanh nhiệt và giảm mỡ máu.
Xem thêm: Các đài truyền hình nói gì về trà khổ qua rừng?
Ngoài ra, khổ qua còn có nhiều công dụng như:
- Giúp thanh nhiệt cơ thể, giảm mụn nhọt do nóng nhiệt hoặc táo bón.
- Cải thiện tình trạng tiểu buốt, tiểu gắt.
- Điều trị viêm da, viêm thấp khớp.
- Giúp hạ huyết áp, hạ đường huyết.
- Hỗ trợ điều trị Gút.
- Giúp dễ ngủ hơn, da đẹp hơn và cải thiện thị giác.
Cách dùng: lấy 1 trái khổ qua to (nếu trái nhỏ thì 2 trái), móc bỏ ruột rồi thái mỏng, nấu canh ăn và uống cả nước (mỗi tuần không ăn quá 3 lần). Lưu ý hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi dùng lâu dài để điều trị bệnh.
Khổ qua bao nhiêu calo, có giúp giảm cân không?
Theo kết quả phân tích dinh dưỡng thì 100 g trái khổ qua tươi cung cấp khoảng 34 calo (sau khi đã luộc chín thì chỉ khoảng 19 calo). Đây là lượng calo thấp nên không gây tăng cân mà còn giúp giảm cân (vì khổ qua nhiều nước, nhiều chất xơ, ít chất béo).
Hơn nữa, trong khổ qua còn chứa các hoạt chất giúp hạ mỡ máu, vì vậy, những người có cholesterol trong máu cao có thể ăn một lượng vừa phải để hỗ trợ cơ thể (1 – 2 trái mỗi ngày, từ 1 – 2 lần mỗi tuần).
Khổ qua có chứa các chất dinh dưỡng nào, có giúp đẹp da không?
Bạn biết đấy, khổ qua là loại quả rất giàu vitamin và khoáng chất (như vitamin A, vitamin B1, B2, B3, B6, B9, B12, vitamin C, vitamin E, vitamin K, Canxi, Magie, Photpho, Natri, Kẽm, Sắt…
Hơn nữa, vì nó chứa nhiều nước và giúp thanh nhiệt nên bạn vừa có thể ăn mỗi tuần một lần để thanh mát cơ thể, vừa có thể làm mặt nạ dưỡng da, giúp da trẻ lâu hơn (bằng cách móc bỏ ruột, thái mỏng rồi đắp hoặc giã nát rồi đắp lên, sau 15 phút thì rửa mặt lại).
Tác hại của khổ qua và những người không nên ăn khổ qua
- Không được ăn hạt khổ qua vì sẽ dễ bị ngộ độc.
- Ăn quá nhiều khổ qua sẽ làm giảm khả năng sinh sản và gây thiếu máu tán huyết (khiến cho hôn mê, nhức đầu…) . Vì vậy, mỗi ngày, mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn 1 hoặc 2 trái (mỗi tuần ăn 1 – 2 lần là được), trẻ nhỏ không nên ăn.
- Người thể tạng hàn, hay lạnh bụng, khó tiêu… không nên ăn.
- Người sắp phẫu thuật không nên ăn.
- Người đang uống các loại thuốc khác cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn (để tránh tương tác thuốc).
- Người bị bệnh về gan không nên ăn.
- Người bị bệnh về tiêu hóa không nên ăn.
- Người huyết áp thấp, đường huyết thấp không nên ăn nhiều.
- Với những trái được trồng ở vùng đất bị nhiễm kim loại nặng thì không nên ăn (vì sẽ dễ gây ngộ độc).
- Không ăn sống (hoặc uống nước ép) khi đang đói.
- Không dùng liên tục từ tháng này qua tháng khác.
Khổ qua có tốt cho bà bầu không?
Khổ qua là loại thực phẩm mà bà bầu cần tránh vì nó rất dễ gây sảy thai.
Thứ nhất, nó làm kích thích tử cung nên dễ gây động thai và hư thai (đặc biệt là giai đoạn đầu thai kỳ).
Thứ hai, nó có tính hàn và làm khó sinh nở nên không tốt cho sức khỏe mẹ bầu lẫn thai nhi.
Thứ ba, hạt khổ qua có độc và chất này sẽ gây đau thắt bụng, đau đầu…, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự an toàn của mẹ và bé.
Khổ qua có đắng không? Vị đắng khổ qua như thế nào?
Như chúng ta đã biết, trái khổ qua ở nước ta có mặt thường xuyên trên bữa cơm hằng ngày. Khổ qua tuy đắng nhưng vị đắng khổ qua sẽ có hậu ngọt. Nếu bạn muốn cảm nhận rõ nhất hậu ngọt này, bạn hãy thử ăn miếng khổ qua luộc rồi uống ngay một ít nước lọc, hậu ngọt của nó sẽ hiện ra. Hồi xưa, người ta hay nói “ăn khổ qua uống nước đã”. Lúc mới nghe qua, tôi cứ nghĩ “chắc khổ qua đắng” nên phải uống nước nhiều cho đỡ đắng, sau này mới biết “uống nước đã” là để chỉ cái hậu ngọt kia – hiện ra sau khi uống nước.
Và có lẽ chính nhờ hậu ngọt đó mà vị đắng của khổ qua lại được nhiều người yêu thích. Tôi biết ăn khổ qua từ khi còn nhỏ, tất nhiên, những lần đầu nếm thử thì tôi cũng nhăn mặt vì cái vị đắng nhưng từ từ thì lại mê cái vị đắng đó.
Khổ qua đèo là khổ qua gì?
Khổ qua, hay còn gọi là mướp đắng, là một loại cây thân leo. Ngày nay, người ta trồng nhiều loại khổ qua, ngoài khổ qua xanh và khổ qua trắng như trong bài ca dao phía trên đề cập thì hiện nay lại du nhập thêm một vài giống nữa như khổ qua trái tim Thái Lan, khổ qua trắng quả dài Thái Lan,… Riêng cái tên khổ qua đèo thì không phải là một giống khổ qua mà là để chỉ trái khổ qua nhỏ, không suôn thẳng (thường thì trái bị cong hoặc một đầu to một đầu nhỏ, nhìn èo uột, xấu xí).
Với những trái khổ qua đèo như vậy, người dân thường dùng làm thuốc. Bởi vì khổ qua đèo thường xuất hiện khi giàn khổ qua gần tàn, người nông dân cũng đã ngưng sử dụng các loại phân bón cho dây. Vì vậy, trái khổ qua đèo bao giờ cũng nhiều dược chất hơn các trái thông thường.
Khổ qua làm món gì ngon?
Khổ qua chế biến được khá nhiều món ngon. Ví dụ như món khổ qua cắt mỏng, ngâm đá (cho giòn và bớt đắng) rồi dùng như một loại rau ăn kèm. Ví dụ như khổ qua luộc, khổ qua xào trứng, khổ qua nhồi thịt, khổ qua cà ớt hay gỏi khổ qua…
Tắm nước khổ qua có tác dụng gì?
Theo kinh nghiệm dân gian, tắm nước khổ qua sẽ giúp mát da, làm sạch và trắng da (tắm nước ép khổ qua tươi sẽ tốt hơn). Ngoài ra, tắm nước khổ qua còn giúp giảm rôm sảy, mẩn ngứa, mụn… và các bệnh ngoài da nói chung.
Nếu bạn là người thích làm xà phòng handmade thì bạn cũng có thể làm xà phòng khổ qua để tự dùng nhé! Nếu có thêm lá bạc hà (loại lá thơm, mình có bán qua sdt 0979254124) thì bạn có thể kết hợp cùng, như thế, khi tắm sẽ rất mát và sạch da.
Khổ qua và kỷ niệm
“Khổ qua xanh, khổ qua trắng
Khổ qua mắc nắng khổ qua đèo
Thương nhau chi tính giàu nghèo
Gặt xong mùa lúa cau trầu đến em”.
(Ca dao dân gian)
Thật nhẹ nhàng và dễ thương biết bao khi nghe được những bài ca dao đưa duyên đôi lứa. Ký ức tuổi thơ tôi là tiếng hát ru của bà, của mẹ bên cánh võng trưa hè.
Khi đã lớn lên, ký ức về những bài hát ru tưởng chừng đã nhạt nhòa nhưng khi cháu tôi chào đời, tôi bỗng phát hiện rằng những lời hát đó đã ăn sâu vào tiềm thức bởi giờ đây, khi nghe mẹ tôi hát ru cháu, tôi lại thấy quen thuộc vô cùng và gần như bài nào cũng vậy, chỉ nghe mẹ hát qua một lần tôi đã có thể nhớ được.
Hát ru dân gian đơn giản lắm, chỉ là một điệu “ầu ơ” ghép vào những bài ca dao là đã có thể giúp các em nhỏ ngon giấc buổi trưa rồi. Bây giờ, khi đã lớn và được nghe lại, tôi mới thấy ngưỡng mộ ông bà ta ngày xưa, dù sống vất vả nhưng cuộc sống của họ lại rất nên thơ. Họ làm nên sự lãng mạn bằng cách đưa những hình ảnh gần gũi xung quanh mình vào những câu ca dao tục ngữ. Từ hình ảnh của những con cò, bụi chuối, cây bưởi, quả cà… đến cả trái khổ qua mang trong mình vị đắng cũng đi vào kho tàng ca dao tục ngữ một cách tự nhiên.
Tuyết Nhi – Nguyễn Sen
Tư liệu tham khảo
- Mướp đắng có giúp giảm cân không, trang y học quốc tế Hà Nội.
- Công dụng làm thuốc của khổ qua, https://caythuoc.org/kho-qua-thanh-nhiet-trong-mua-nong-va-cong-dung-lam-dep-lam-thuoc.html
- Ăn khổ qua có tác dụng gì, trị bệnh gì?, trang dinhduong.online.
- Lưu ý khi ăn khổ qua, báo dân sinh.