Hoa bưởi, lá bưởi (Citrus maxima) có tác dụng gì? Hãy cùng Cây Hoa Lá tìm hiểu nhé!
Nội dung chính ⇒
Vài nét về hoa bưởi
Quả bưởi không xa lạ gì nhưng hoa bưởi thì không phải ai cũng từng nhìn thấy. Người ta thường bảo “trắng như bông bưởi” quả thật không sai. Và nếu nói đầy đủ hơn thì hoa bưởi không chỉ trắng mà còn rất thơm.
Có lẽ, nói về hoa bưởi thì chỉ cần dùng câu thơ của Xuân Diệu – “Hoa bưởi thơm rồi, đêm đã khuya” – cũng đã đủ để nói về hương thơm tình tứ của nó rồi.
Khác với nhà thơ, ông bà ta khen hoa bưởi một cách giản dị hơn:
“Hoa lài, hoa lý, hoa ngâu
Chẳng bằng hoa bưởi thơm lâu dịu dàng” (1).
Hoa bưởi trị bệnh gì?
Hoa bưởi có vị đắng, tính ôn, có tác dụng hành khí, hóa đàm và giảm đau.
Vì vậy, trong y học cổ truyền, hoa bưởi thường được dùng điều trị chứng dạ dày và lồng ngực sưng đau (sắc uống từ 2, 5 – 10 g mỗi ngày, tùy theo bệnh trạng) (3).
Lưu ý, hoa bưởi, lá bưởi và vỏ quả bưởi đều có chứa tinh dầu. Vì vậy, khi phơi khô, ta cần phơi âm can để hạn chế sự hao hụt tinh dầu (phơi âm can là phơi trong bóng râm hoặc phơi ở chỗ có gió mát cho dược liệu tự khô dần).
Lá bưởi trị bệnh gì?
Lá bưởi có vị đắng, cay và có mùi thơm, tính ấm. Theo y học cổ truyền, lá bưởi có tác dụng trừ hàn, tán khí, giải cảm, giảm đau, làm thông kinh lạc, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết và tiêu sưng.
Cụ thể, để điều trị viêm amidan, bại liệt do trúng gió và đau bụng, khó tiêu, có thể lấy từ 20 – 40 g lá bưởi, nấu lấy nước uống (3).
Bên cạnh đó, để trị cảm sốt, ho, nhức đầu, hắt hơi, kém ăn và giảm đau do trúng phong, tê bại; có thể hái 10 – 20 g lá bưởi già, sắc lấy nước uống mỗi ngày (lựa lá già nhưng vẫn còn màu xanh và không bị sâu bệnh). Bên cạnh đó, có thể kết hợp lá bưởi nấu nước để xông, ngâm chân rồi lấy lá chà lên (5).
Ngoài ra, lá bưởi còn có thể dùng chưng cất tinh dầu nhưng việc hái nhiều lá sẽ có hại cho sự ra hoa, kết quả của cây bưởi.
Lá bưởi xông hơi giải cảm
1. Bài thuốc xông hơi chữa cảm cúm và sốt (ở thể phong hàn và thể phong nhiệt)
Biểu hiện của thể phong hàn: Người bệnh sốt nhẹ, sợ lạnh và không có mồ hôi, khi quan sát thì thấy nước mũi trong, đờm loãng, rêu lưỡi mỏng trắng…
Biểu hiện của thể phong nhiệt: Người bệnh sốt cao, nhức đầu, sợ gió, khát nước, đổ mồ hôi, khi quan sát thì thấy chảy nước mũi đặc, nước tiểu vàng, rêu lưỡi vàng mỏng…
Cách dùng: Dùng các loại lá tươi sau đây để xông hơi, mỗi thứ một nắm: bưởi, tía tô, sả, kinh giới, bạc hà. Lưu ý, xông trong thời gian từ 5 – 10 phút (5).
2. Bài thuốc xông điều trị cảm cúm, nhức đầu, ho, sổ mũi, ngạt mũi, không ra mồ hôi
Lấy lá bưởi (50 g), lá sả, lá hương nhu và lá tre (mỗi thứ 20 g), tất cả cho vào nồi rồi lấy lá chuối bịt kín miệng nồi lại, đun sôi và giữ sôi trong 5 phút, sau đó đem xông trong 10 phút (khi thấy mồ hôi ra thì ngưng và dùng khăn vải lau sạch mồ hôi). Lưu ý, sau khi xông, người bệnh cần tránh chỗ có gió lùa và với những người quá yếu (hoặc bị đổ mồ hôi nhiều) thì không nên xông bài thuốc này (2).
Khi dùng lá bưởi, hoa bưởi (Citrus maxima) cần lưu ý điều gì?
Tương tự như nhiều vị thuốc khác, khi dùng lá bưởi, hoa bưởi làm thuốc cần lưu ý một số vấn đề như:
1. Những người suy nhược do can hỏa nhiệt không nên dùng các bài thuốc từ cây bưởi (5).
2. Phụ nữ mang thai không nên dùng (3).
3. Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.
4. Cây bưởi dễ bị sâu bệnh (nhất là sâu vẽ bùa), vì vậy cần lưu ý chọn nguồn hoa, lá an toàn, không bị nhiễm hóa chất độc hại.
Cây bưởi có tên khoa học là gì? Lá và hoa bưởi có các hoạt tính gì? (Citrus maxima)
Cây bưởi có tên khoa học là Citrus maxima, thuộc họ Cam chanh. Qua các công trình nghiên cứu, lá và hoa cây bưởi được biết đến với một số đặc điểm như:
1. Hoạt tính chống trầm cảm (của lá bưởi)
Theo tạp chí Iranian journal of basic medical sciences, dịch chiết nước từ lá bưởi qua quá trình đun sôi đã cho thấy tác dụng chống lại trầm cảm trên chuột thí nghiệm (6).
2. Thành phần tinh dầu (trong hoa bưởi)
Kết quả nghiên cứu cho thấy tinh dầu hoa bưởi có 35 hợp chất đã được xác định. Trong đó, các hoạt chất chính có thể kể đến là limonene (18,2%), linalool (16,4%), nerolidol (29,3%) và farnesol (15,7%) (theo tạp chí Journal of essential oil research) (7).
Xem thêm: Cây mai vàng có chữa bệnh được không?
Tư liệu tổng hợp về lá bưởi, hoa bưởi (Citrus maxima)
- Bưởi, https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C6%B0%E1%BB%9Fi
- Minh Hạnh (biên soạn), Chữa bệnh bằng rau củ quả và động vật, NXB Văn hóa thông tin, trang 92.
- Vương Ngọc Điển, Trái cây chữa bệnh, NXB Phụ nữ, trang 24.
- Võ Văn Chi, Cây thuốc An Giang, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật An Giang, 1991, trang 68.
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 274.
- Evaluation of Antidepressant-like Effect of Citrus Maxima Leaves in Animal Models of Depression, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3586848/
- The Essential Oil from the Flowers of Citrus maxima (J. Burman) Merrill from Vietnam, https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/10412905.1991.9697957