Lá ổi chứa nhiều tanin. Chất này làm nên vị chát, giúp thu liễm, làm se nên được ứng dụng rất nhiều trong y học.
Nội dung chính ⇒
Lá ổi có tác dụng gì?
Trước đây, mỗi khi bị đứt tay, tôi thường nhai lá ổi non đắp lên vì nó giúp cầm máu rất hay.
Còn mấy đứa nhỏ ở xóm tôi, hễ bị tiêu chảy là hái vài lá ổi non, nhai rồi nuốt lấy nước (rất chát nhưng điều trị tiêu chảy rất hay). Có đứa không nhai lá ổi được thì ăn nửa trái ổi non, hiệu quả cũng như nhau.
Ngoài ra, lá ổi non còn trị sâu bắn, kiến cắn, da nhờn, mụn viêm, mụn trứng cá… Bạn chỉ cần rửa sạch, giã nát rồi thoa lên, đắp lên là được (với mụn thì bạn vắt lấy nước cho dễ thoa nhé).
Lá ổi trị bệnh gì?
Ngoài các công dụng quen thuộc kể trên, lá ổi còn được biết đến là vị thuốc Nam điều trị nhiều bệnh như:
1. Lá ổi non điều trị tiểu đường và Gout
Kết quả nghiên cứu cho thấy trong lá ổi có chứa các chất giúp ức chế enzyme phân giải đường, vì thế, nó ngăn chặn sự giải phóng đường vào máu, giúp lượng đường trong máu không bị tăng đột ngột sau khi ăn. Bên cạnh đó, lá ổi còn cải thiện tình trạng kháng insulin của cơ thể (insulin là hoocmon do tuyến tụy tiết ra, đảm nhiệm vai trò đưa đường trong máu cho tế bào sử dụng, giúp lượng đường trong máu được ổn định, không bị tăng cao).
Ở nước ta, lá ổi được dùng điều trị tiểu đường bằng cách hái 20 g lá ổi tươi (chọn lá non), cắt nhỏ ra rồi nấu lấy nước uống. Lưu ý, với liều lượng trên thì ta nấu với ba chén nước, khi thấy nước sôi thì đợi thêm 5 phút rồi mới đem xuống, chắt nước ra. Nước này chia thành ba lần uống trong ngày.
Ngoài cách trên thì dân gian còn kết hợp lá ổi non (20 g lá tươi, xé nhỏ ra) với quả đậu bắp tươi (100 g, cắt nhỏ ra) và lá sa kê vàng vừa rụng xuống (100 g, xé nhỏ, nếu không có lá vừa rụng thì chọn lá đã rụng và đã được phơi khô cũng được), cả 3 vị trên cùng cho vào nồi, đổ nước ngập hơn 1 lóng tay (khoảng 6 chén nước) rồi nấu lấy nước uống. Khi thấy nước rút còn một nửa (còn khoảng 3 chén), bạn tắt bếp và chia thành 3 lần uống trong ngày (bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh). Có một tin vui là bài thuốc này còn chữa cả bệnh Gout (gút, thống phong) – theo chia sẻ của lương y Nguyễn Công Đức.
Đối tượng cần tránh: Người bị táo bón không nên dùng.
2. Lá ổi non giúp giảm hôi miệng
Đây là kinh nghiệm dân gian giúp điều trị hôi miệng rất hay. Trong lá ổi có chứa tanin (giúp diệt khuẩn), ngoài ra còn chứa oxalic và phosphoris (giúp làm sạch răng miệng) và hương thơm lá ổi tự nhiên (giúp khử mùi hôi).
Vì vậy, bạn có thể hái lá ổi non, rửa sạch rồi nhai trực tiếp cho nát (không cần nuốt mà chỉ nhai sao cho nước lá ổi thấm đều lưỡi và khoang miệng). Sau ba phút, bạn nhả ra rồi súc miệng lại cho sạch là được (nên súc bằng nước muối loãng để diệt khuẩn và giúp răng chắc khỏe hơn).
Nếu không dùng cách này, bạn cũng có thể hái một nắm lá ổi non rồi lấy thêm một muỗng muối, nấu lấy nước, để nguội rồi súc miệng thường xuyên cũng được (mỗi ngày súc ba lần).
3. Lá ổi non (búp lá) giúp làm lành các vết lở loét
Lá ổi non có tác dụng kháng viêm, làm da săn lại, co lại (nhờ chứa tanin) nên giúp làm lành các vết lở loét rất tốt.
Nếu bị lở loét ở tay, chân, lưng, cổ…; bạn có thể lấy 100 g búp lá ổi non, rửa sạch, nấu với nước cho ra chất thuốc thật đặc rồi để nguội và dùng nước này thoa rửa thường xuyên.
Nếu bị loét trong khoang miệng, bạn hãy nhai trực tiếp lá ổi non cho nát, sau vài phút thì nhả bỏ (hoặc giã nát rồi đắp vào chỗ bị lở miệng, lở nướu).
4. Lá ổi non điều trị viêm họng
Lá ổi non có tác dụng kháng viêm cao, vì vậy, dân gian thường dùng 30 g lá ổi non, phơi dưới nắng nhẹ (có gió) cho khô rồi nấu lấy nước uống.
5. Lá ổi non điều trị rôm sảy và lở ngứa ngoài da
Cách dùng rất đơn giản. Bạn chỉ cần hái một nắm lá ổi non, rửa sạch, vò cho hơi nát rồi nấu với nước, để nguội và tắm là được.
6. Lá ổi non điều trị mụn trứng cá và các loại mụn do viêm, da nhờn
Lá ổi có chứa vitamin C cùng nhiều loại vitamin B và các chất chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn.
Vì vậy, lá ổi non không chỉ làm sạch da, se khít lỗ chân lông mà còn giúp da đẹp. mịn, giảm thâm và giảm mụn trứng cá.
Cách dùng như sau: giã nát lá ổi non rồi vắt lấy nước thoa lên da, khi thấy khô thì rửa mặt lại là được.
Lưu ý khi dùng
- Người bị táo bón không được uống nước lá ổi.
- Không được uống quá nhiều vì sẽ gây tác dụng phụ.
- Cần chọn lá sạch, không bị sâu rệp đeo bám và không bị nhiễm thuốc trừ sâu.
Tư liệu tham khảo
- Công dụng làm đẹp, điều trị bệnh từ lá và quả ổi, https://caythuoc.org/cong-dung-lam-dep-dieu-tri-benh-tu-la-va-qua-oi.html
Xem thêm: Cách dùng lá ổi trị mụn