Một khán giả hỏi:
“Làm sao để an tâm?
Tôi đã nỗ lực tu tập rất nhiều mà vẫn không thấy hạnh phúc, không thấy thanh tịnh. Thầy tôi kích để tôi khai ngộ, nhưng tôi vẫn không thể khai ngộ.
Càng ngày tôi càng không vui, càng dễ cáu gắt và muốn tránh xa con người. Tôi khổ sở với cái đầu của mình.
Tôi thiền cũng không xong. Tại sao?”
Nội dung chính ⇒
Câu 1. Làm sao để tâm an? Làm sao để không bị ức chế khi thiền?
Có lẽ bạn đã nghe chuyện Đại sư Huệ Khả cảm thấy tâm mình không an nên xin Bồ Đề Đạt Ma an tâm cho.
Bồ Đề Đạt Ma hỏi: tâm con đâu, đưa đây ta an cho.
Bây giờ, hãy nhớ lại lúc bạn vừa sinh ra, bạn không biết gì về thế giới xung quanh. Sau đó bạn tiếp xúc và biết đây là cha, đây là mẹ. Sau đó, bạn biết thế nào là gia đình, thế nào là bạn bè, thế nào là đáng yêu, thế nào là đáng ghét…
Sau đó, bạn đi học và biết cái cây hoạt động như thế nào, con cá hoạt động như thế nào, máy móc hoạt động như thế nào…
Bạn nhìn thế giới xung quanh và bạn thấy: ồ, người này đẹp, người kia không đẹp, người này tốt, người kia xấu… Bạn thấy như vậy.
Và rồi một ngày kia, bạn thấy yêu mến một người. Tự nhiên hình bóng họ cứ xuất hiện trong đầu bạn. Ấn tượng đó bạn không quên được.
Rồi bạn lập gia đình, nhiều chuyện xảy ra, bạn gặp đủ loại người trong xã hội.
Bằng những kinh nghiệm mà bạn đã biết, bạn đoán người này đáng tin, người kia không đáng tin.
Bạn cũng trải qua đủ cung bậc cảm xúc của con người: đau khổ, bi ai, hạnh phúc, vui tươi, ghét, thương, mừng, giận…
Sau đó, khi bạn sắp từ giã cõi đời, bạn nằm trên giường, bạn chợt nhận ra bạn không thể mang theo bất cứ thứ gì mà bạn đã biết. Ngay cả thể xác này, bạn cũng không thể mang đi.
Bây giờ, bạn chỉ còn lại những ký ức mà bạn đã trải qua: người này, người kia, việc này, việc kia, cảnh tượng này, cảnh tượng kia…, tất cả chỉ là những ấn tượng còn lại trong tâm trí bạn.
Nó đã được thu thập từ khi bạn chào đời và đến hôm nay, nó đã được bấy nhiêu đây.
Rõ ràng, “tâm trí này chỉ là một đống ấn tượng”, một đống ký ức, như Sadhguru đã nói.
Vậy bạn hỏi tâm ở đâu? Làm gì có!
Nó chỉ là một đống ấn tượng thôi. Không có tâm.
Vậy, điều gì khiến bạn cảm thấy tâm bạn bất an?
Chính những dữ liệu mà bạn đã thu thập khiến tâm trí bạn bất an.
Bạn nhìn một thứ gì đó, bạn đánh giá nó. Nếu bạn thấy nó như ý bạn muốn thì bạn vui và bạn bình an. Ví dụ, bạn thấy công việc diễn ra thuận lợi, mọi người đều ngưỡng mộ bạn, con cái xinh đẹp ngoan hiền, sức khỏe bạn tốt… thì bạn hài lòng và bạn bình an.
Ngược lại, khi thấy mọi thứ không như ý bạn muốn: ai đó không quan tâm bạn như ý bạn muốn, công việc không diễn ra như ý bạn muốn… thì bạn buồn chán và bất an.
Rõ ràng, cái mà bạn gọi là “tâm”, nó chỉ là những mảng ấn tượng rời rạc của bạn về cuộc sống. Bạn thấy rồi bạn đánh giá.
Nó không có thật.
Thân thể bạn cũng vậy. Nó chỉ là một mảnh hình hài được mượn từ đất.
Lúc mới sinh ra, bạn chỉ nặng khoảng 3 kg. Là bạn từ từ ăn thức ăn (từ hành tinh này) và nó lớn dần. Đến khi bạn chết, thân xác này lại tan rã, trở về với đất. Bạn đã nhặt lên từ mảnh đất này và bạn trả lại, thế thôi.
Ngay cả bản thân hiện tại của bạn, nó cũng không thuần nguyên là bạn. Nó là một mảnh đất đã được nhào nặn nhiều lần.
Giống như cục đất sét được ngắt một miếng và nắn thành hình con trâu, sau đó lại được ngắt một miếng và nắn thành hình con gà, cái cây… rồi em bé. Cách nắn đất chính là cấu trúc nghiệp về vật chất. Nó tạo thành bạn với ngoại hình này, kích thước này…
Sau đó, con trâu, em bé, cái cây… lại được trộn lại và được nắn thành những thứ khác.
Cho nên, thân thể mà bạn có hôm nay, nó không phải là bạn. Trong nhiều kiếp trước, nó đã từng là chất liệu để làm nên rất nhiều thân thể khác. Những chất liệu đó, ở kiếp này, dưới tác động của nghiệp mà tạo thành hình dạng của bạn ngày hôm nay.
Bây giờ, cái mà bạn gọi là “chính tôi”, nó chỉ là một sự tích tụ.
Tích tụ thức ăn tạo thành cơ thể với khối lượng này. Tích tụ cảm xúc và dữ liệu tạo thành tâm trí này.
Xưa nay làm gì có vật nào, cho nên làm gì có chỗ để bụi bám?
Ý của Lục Tổ Huệ Năng là đừng chấp vào cơ thể này, cũng đừng chấp vào tâm trí này, bởi vì nó chỉ là sự tích tụ của nghiệp.
Chỉ đơn giản là năng lượng sống này. Nó hiện diện ngay trong cơ thể này, với cấu trúc nghiệp mà bạn đã tích lũy, nhờ đó mà cơ thể có được sự sống và bắt đầu tích lũy thêm các trải nghiệm…
Đến khi năng lượng sống tan rã – cấu trúc nghiệp sụp đổ thì thân thể này cũng rã thành đất, các ký ức và cảm xúc cũng tan rã theo… Và đó là giải thoát.
Vì vậy, đừng bao giờ nhầm lẫn giữa bạn (năng lượng làm nên sự sống này) với những cảm xúc mà bạn đã tích lũy.
***
Trong tu tập, người ta thường khuyên bạn phải quan sát cái tâm sinh khởi, thực ra đó chỉ là cách nói nôm na cho dễ hiểu. Nói rõ hơn sẽ là: quan sát những cảm xúc, những suy nghĩ mà bạn đã thu thập. Nhìn chung, đây chỉ là bước đầu, rất cơ bản và sơ cấp để bạn bước vào con đường tâm linh, khi bạn còn chưa biết cách tự nhìn nhận mình.
Còn khi bạn đã biết cách tự nhìn nhận mình, bạn biết lúc này bạn đang vui, lúc này bạn đang buồn thì bạn đã thực hành được bước này rồi. Bạn không cần quan sát tâm nữa. Nó không cần thiết và thậm chí còn trở thành chướng ngại đối với bạn.
Bởi vì làm gì có tâm để bạn quan sát!
Đã không có… mà bạn cứ cố quan sát, rồi bạn bám vào dòng suy nghĩ này, bám vào cảm xúc kia… để quan sát…
Rõ ràng, bạn đang tự làm rối mình, phải không?
***
Thiền là thả lỏng ra, để nó tự nhiên hơn, tan ra một cách tự nhiên… Chỉ vậy thôi.
Nhìn chung, mỗi trường phái thiền có một phương pháp khác nhau. Mỗi bậc thầy có phương pháp dạy và dẫn dắt học trò khác nhau.
Tuy nhiên, là học trò, chỉ có bạn mới là người biết rõ tình trạng của mình. Bạn thử nghiệm, cách này không được thì cách khác. Cách nào hiệu quả thì bạn dùng. Tuy nhiên, bạn không bao giờ được quên rằng Thiền chính là không có gì cả.
Bởi vì ngày nay, nhiều người muốn Thiền để được cái này cái kia, để đắc pháp, để có thần thông… Những thứ đó bạn có thể có, thông qua một số thực hành nhất định. Giống như bạn học võ và có khinh công vậy. Nó sẽ đến nhưng Thiền sẽ không đến. Bởi vì Thiền là không có gì cả.
Với mình, mình hợp với phương pháp đánh lạc hướng. Nghĩa là khi ngồi Thiền, mình tự nói: “Không cần làm gì cả, cũng không cần tập trung, chỉ cần ngồi im thôi”. Đừng vội nói đó là tác ý hay không tác ý, hãy xem xét tính hiệu quả của nó. Cái gì hiệu quả thì mình làm.
Khi mình tập trung ngồi im thì mình không để ý đến tâm trí nữa vì mình đang chú ý ngồi im. Khi đó, một khoảnh khắc nhất định, tâm trí trống rỗng. “Ồ, thì ra là trạng thái này”. Nhưng ngay khi câu đó phát lên thì mình lại bị cuốn vào tâm trí. Những khoảnh khắc đó rất hiếm hoi nhưng khi bạn đã trải qua và bạn biết cách làm thì lần sau, bạn có thể thực hành như vậy. Mỗi ngày một chút, 5 – 10 phút thôi cũng được, hoặc khi nào có thời gian thì bạn thực hành. Đừng nghĩ ngồi lâu là hay. Thiền không phải là ngồi lâu.
Thiền là hương vị của sự trống rỗng, bình thản. Mỗi lần tẩm một chút hương vị đó, dần dần, bạn sẽ nhìn mọi thứ một cách nhẹ nhàng hơn. Thậm chí, bạn không cần ngồi thiền mà tâm trí vẫn bình yên. Như vậy đã là thiền rồi.
Cuộc sống này chỉ cần như vậy thôi. Nhìn mọi thứ nhẹ nhàng hơn, vậy mà bao người còn không làm được!
“Trống rỗng” không có nghĩa là bạn mất trí hay tê liệt cảm xúc, mà là “không vướng bận”.
***
Có nhiều cách định nghĩa về Thiền, tùy vào nền tảng mỗi người mà họ sẽ nương theo cái phù hợp để thực hành. Cho nên, một bậc thầy hôm nay nói thiền là ngồi im, hôm sau nói thiền không phải là ngồi im, hôm nay nói thiền không có tác dụng gì cả, hôm sau lại nói thiền là để hiểu bản chất con người này…
Cũng không có gì là sai cả!
Nói cách khác, người dẫn dắt tâm linh đôi khi giống như một kẻ lừa đảo.
Chỉ là, sự lừa đảo đó mang lại tác dụng tích cực, chỉ vậy thôi.
Về phần người học, bạn phải tự đánh giá mình rồi lựa chọn cho mình. Người thầy đã có sẵn nhưng người học trò cũng phải đủ tố chất thì mới nhận ra ai là thầy.
Sau đó, bạn chọn phương pháp phù hợp cho mình.
Trước tiên là nương theo, sau đó là rời bỏ, bởi vì nếu bạn cứ bám mãi vào phương pháp thì bạn sẽ không thể Thiền định. Thiền định là không có bến bờ và không có chỗ bám.
Câu 2. Tôi đã nỗ lực tu tập mà vẫn không hạnh phúc. Thầy tôi kích tôi để tôi khai ngộ nhưng tôi vẫn không thể ngộ!
Cái cây đủ ngày thì nó ra hoa, bạn không thể hối thúc nó ra hoa. Không. Khi nó hấp thụ đủ bên trong, nó sẽ tự trổ hoa.
Có những thứ cần đủ thời gian để nó chín. Nếu bạn chưa đủ tố chất, chưa đủ nền tảng mà bạn cứ muốn trổ hoa, cứ muốn đạt thành cái gì đó thì dù có ra hoa, ra quả, nó cũng sẽ rụng sớm hoặc èo ọt.
Trái cây chín ép vẫn là trái cây chín, nhưng nó sẽ không bao giờ đầy đủ hương vị của trái cây chín tự nhiên. Bạn muốn mình nhanh chóng chín hay muốn có đủ hương vị của sự chín muồi?
Tất nhiên là chín muồi, phải không? Vì vậy, bạn phải phải đủ sự thư thái trong khi chờ đợi.
Hiển nhiên, bạn cũng phải hành động, bởi vì nếu bạn chỉ ngồi chờ thì sẽ không có gì thay đổi. Điều quan trọng là bạn hành động nhưng vẫn giữ được sự thư thái để chín muồi. Cái gì đến lúc cần đến thì sẽ đến.
Ở trạng thái đó, làm sao bạn có thể hạnh phúc?
Tôi biết bạn nghiêm túc tu học. Ai cũng khát khao giác ngộ. Nhưng nếu bạn chỉ có khát khao và khát khao thì nó sẽ như ngọn lửa.
Một ngọn lửa vừa đủ, nó sẽ sưởi ấm bạn.
Một ngọn lửa bùng cháy, nó sẽ đưa bạn đến cường độ cao.
Nhưng một ngọn lửa dữ dội, nó sẽ thiêu rụi bạn. Và đó là hỏa táng.
Vì vậy, trước khi bùng cháy để đạt đến cường độ cao, bạn phải đủ tố chất để không bị thiêu thành tro bụi. Nền tảng không đủ thì thầy bạn có kích như thế nào, bạn cũng không phát tiết ra được. Việc kích bừa bãi, nó chỉ làm hỏng thêm thôi.
Phương pháp kích để khai ngộ, nó chỉ dành cho những học trò đã đủ tố chất nhưng vì một lý do nào đó mà chưa thông suốt được. Vì vậy, người thầy trí tuệ nhìn thấy chỗ đó và kích vào để nó vỡ ra.
Còn trên thực tế, giác ngộ là sự khởi sinh tự nhiên từ bên trong, như cái cây đủ ngày thì ra hoa, trứng gà ấp đủ ngày thì nở. Con gà sẽ tự mổ vỏ chui ra.
Vì vậy, nếu bạn chưa đủ tố chất mà thầy bạn cứ muốn kích thì có kích mãi cũng không ra. Nếu may mắn kích ra thì phiên bản đó cũng chỉ là một sự sinh non. Giống như bạn đang cố ý giúp con gà con chui ra khỏi vỏ trứng vậy. Bạn có ý tốt muốn mở vỏ trứng cho con gà chui ra nhanh, nhưng vô tình, con gà con ấy lại bị yếu ớt, què quặt, thậm chí chết non, chỉ vì nó chưa đủ thời gian.
Có nhiều thứ cần thời gian để chín muồi. Nếu chỉ có sự hấp tấp, bạn sẽ tự làm hại mình. Bạn muốn chín non hay muốn chín muồi?
Cho nên, chuyên tâm tu học là điều tốt, nhưng bạn phải giữ được sự thư thái tự nhiên. Nếu bạn cứ cố tạo áp lực, muốn giác ngộ, muốn đắc đạo, muốn thành công… mà không có được sự tự nhiên thì sự cố gắng đó sẽ thành trở lực ngăn cản bạn.
Giác ngộ không phải là một điểm đến mà bạn cố nỗ lực để về đích. Giác ngộ là ở tại đây, tan ra, hòa vào đại thể. Giác ngộ là một sự tự nhiên. Tự nhiên như vậy.
3. Càng ngày tôi càng không vui, càng dễ cáu gắt và muốn tránh xa con người
Cực lạc là vui, là an lạc, phải không?
Vậy, nếu bạn ngày càng không vui, vậy thì chắc chắn đã có gì sai ở đây!
Bây giờ, tại sao bạn lại không vui? Tại vì mọi thứ xung quanh không như ý bạn muốn.
Khi bạn cứ chú ý vào mọi thứ xung quanh, vào người này người kia, bạn sẽ không còn thời gian chú ý vào chính mình.
Ngay cả khi bạn chú ý vào chính mình, bạn vẫn có thể trở thành một con người đau khổ. Vì sao?
Vì bạn chỉ thấy bạn mà không thấy những thứ khác.
Bạn chỉ thấy sự nỗ lực của bạn, cái tôi riêng của bạn. Bạn chỉ thấy con đường mà bạn đi, phương pháp mà bạn đang thực hành. Bạn đang ở chế độ đóng. Bạn không tiếp nhận được bất kỳ điều gì khác.
“Tôi tu đúng phương pháp rồi. Tôi thực hành nghiêm túc rồi.”
Vậy tại sao bạn vẫn khổ?
Nếu bạn đã làm đúng, tại sao những người khác hạnh phúc còn bạn thì không hạnh phúc?
Có gì đó đã sai ở đây, phải không?
Nếu bạn chỉ tự tin mình đúng, bạn sẽ đánh mất cơ hội được biết những thứ khác.
Nếu bạn chưa từng nghi ngờ mình sai, bạn sẽ trở thành nên cố chấp đáng thương, bởi vì bạn đã dành tất cả thời gian và tâm huyết của mình để đi theo một con đường mà bạn nghĩ rằng nó đúng.
Trong khi đó, nếu tâm trí bạn rộng mở, linh hoạt, bạn sẽ sẵn sàng tiếp nhận những cái khác. Đó là tinh thần của tạo hóa: rất sẵn sàng và luôn sẵn sàng thay đổi.
Cuộc đời nói chuyện bằng kết quả. Nếu bạn tu đúng cách, bạn phải hạnh phúc. Nhưng bây giờ, bạn hãy đặt tay lên trái tim mình và tự hỏi: tôi đã thực sự hạnh phúc chưa?
***
Bây giờ, bạn thử nhớ lại xem, lúc bạn còn nhỏ, bạn có chán đời, buồn bã, mệt mỏi như bây giờ không?
Không. Bạn rất vui vẻ, yêu đời.
Hồi ấy, bạn có thể vui rất dễ dàng.
Bạn chỉ cần một món đồ chơi, một con cua nhỏ, một con cào cào, một trái banh… là đã vui rồi.
Thậm chí, khi không có gì để chơi, bạn có thể tự nằm chơi một mình. Bạn không thấy mấy đứa con nít nằm chơi một mình, nó ca hát nghêu ngao hay tự làm cái gì đó, tự nói vu vơ cái gì đó… Nó rất tự tại, an nhiên.
Còn giờ đây, sau khi đã biết quá nhiều, bạn lại trở nên khốn khổ.
Bởi vì bạn cứ nghĩ về những thứ xung quanh, nghĩ về người đã bỏ rơi bạn, về nỗi đau mà bạn đã trải qua, về cái thằng cha hàng xóm khó ưa, về những người đồng nghiệp xấu tính…
Bạn cứ dành thời gian để nghĩ về những thứ xung quanh mà quên đi trải nghiệm sống của mình.
Cái gì mới là quan trọng?
Thế giới ngoài kia, những người đó quan trọng hay bạn quan trọng?
Thế giới nội tâm của bạn mới quan trọng.
Vậy, bây giờ, nội tâm bạn như thế nào?”
Như một đống rác, đúng không?
Đủ thứ dữ liệu mà bạn mang vào. Nó trở thành một cái kho chứa chuyện của người này, chuyện của người kia, hình bóng người này, hình bóng người kia…
Bây giờ, bạn phải gạn bớt những gì không cần thiết, để tâm trí bạn thoáng ra.
Bạn phải làm phép trừ, tâm trí bạn mới nhẹ nhõm. Bạn không bận tâm tới nữa.
Ngược lại, nếu bạn cứ nghĩ về ai đó, về chuyện này chuyện kia, bạn đang làm phép cộng.
Và một ngày nào đó, bộ nhớ của bạn bị đầy. Nó bị nghẹt. Và bạn ngột ngạt, bí bách, khó chịu… với chính cái đầu của mình.
***
Vì vậy, đừng bận tâm về những thứ bên ngoài bạn, cũng đừng bận tâm về con đường tu học của bạn.
Nếu bạn đã đi rồi thì cần gì bận tâm có tới hay không. Nếu bạn đi đúng hướng, nó tất yếu sẽ tới. Việc bạn bận tâm về nó chỉ làm vướng víu thêm thôi.
Vẫn sống và vẫn làm việc, vẫn giao tiếp với mọi người, nhưng bạn không bị dính vào đó.
Bạn phải gạn đục khơi trong, để tâm trí bạn trống trải. Khi nó trống trải, nó mới bình thản.
Đứa trẻ con, tâm trí nó rất trống trải và mới mẻ, cho nên nó luôn vui vẻ yêu đời. Không có gì mệt mỏi cả.
Giờ là lúc cần học lại từ trẻ con cái tâm ban sơ mà khi lớn lên, chúng ta đã đánh mất.
***
Thật ra, trong cuộc sống, cũng đã có những lúc bạn thực sự hạnh phúc. Khoảnh khắc đó ngắn ngủi và nó đã trôi qua. Nhưng rõ ràng, nó đã từng tồn tại, phải không?
Vì vậy, không phải là bạn không thể hạnh phúc, mà là bạn cứ liên tục mang đau khổ vào mình!
Bây giờ, bạn gạn bớt những thứ khiến bạn đau khổ, cái còn lại sẽ là hạnh phúc.
Mình không khuyên bạn bỏ gia đình, bỏ công việc, bởi vì thứ duy nhất khiến bạn đau khổ chính là tâm trí bạn. Nó cứ nghĩ về những chuyện không vui… và nó khổ.
Sự sống đang ở đây, ngay trong cơ thể này, vậy mà nó không nhận ra. Thế là nó liên tục hỏi: tìm động lực sống ở đâu?
Động lực sống ở đây. Niềm vui ở đây. Đau khổ cũng ở đây. Một niệm lên thiên đàng, một niệm xuống địa ngục.
Vấn đề là: hình như bạn vẫn chưa muốn tự tạo niềm vui cho mình. Bạn chỉ muốn thế giới bên ngoài tạo cho bạn. Công việc thuận lợi thì bạn vui. Người ta yêu bạn thì bạn vui. Ra đường gặp may mắn thì bạn vui. Cả vũ trụ đều hỗ trợ bạn thì bạn mới vui.
Nhưng thế giới bên ngoài có khi nào vừa ý bạn 100 % đâu! Thế là bạn khổ!
Tại sao bạn không vui với chính mình?
Sáng nay tỉnh dậy, bạn vẫn còn sống, đó không phải là chuyện vui sao?
Bao nhiêu vui buồn đã trải qua, bạn đã thực sự vượt qua, đó không phải là chuyện vui sao?
Mỗi ngày, bạn hiểu mình thêm một chút, đó không phải là chuyện vui sao?
Bao nhiêu rắc rối ngoài kia, rất may, bạn không mang theo bên mình, đó không phải là chuyện vui sao?
Giờ đây, bạn dần dần tỉnh thức. Đó không phải là chuyện vui sao?
Cái cây bạn trồng đã lớn, đó không phải là niềm vui sao?
Hãy để sự dễ chịu, niềm vui và hạnh phúc ngấm dần trong bạn, ngấm dần, ngấm dần… Ban đầu, bạn phải tập cho mình sự dễ chịu và vui vẻ. Không phải gồng lên để vui, mà là nếm trải hương vị hạnh phúc đó, ngâm mình trong đó đủ lâu để tẩm ướp sự ngọt ngào.
Đến khi tích lũy đủ, nó sẽ trở thành bản chất của bạn. Khi đó, dù thế giới xung quanh có như thế nào, bạn vẫn tự tại an nhiên.
Không phải cả vũ trụ đều hỗ trợ bạn nên bạn an nhiên, mà vì bạn an nhiên nên cả vũ trụ đều hỗ trợ bạn.
**
Từ đây, bạn có thể thanh thản làm một người bình phàm mà vẫn có gì đó phi phàm. Bạn không mong đợi phép mầu sẽ đến với bạn, cũng không thúc ép mình đắc thành chính quả.
Bạn vẫn sống như thế, tự tại an nhiên bước qua cuộc đời này.
Sau đó, chuyện gì cần đến sẽ đến. Đừng mong những gì cao siêu khi ngay cả việc sống vui vẻ cũng không làm được!
Giác ngộ không phải là không còn bệnh tật, cũng không phải là tỏa ra hào quang sáng chiếu như sao.
Giác ngộ là nhận ra mảnh đời này, bình thản trải nghiệm nó và bước qua nó, chỉ vậy thôi.
🍀
Còn việc muốn lánh xa con người?
Thật ra, ở giai đoạn đầu, khi bạn bước vào hành trình tâm linh, có thể bạn sẽ có xu hướng lánh xa con người, bởi vì bạn cần một sự tĩnh lặng nhất định để nhận ra các chiều kích khác, nhận ra năng lượng sống bên trong cơ thể này.
Nhưng sau đó, nếu bạn thực hành đúng đắn, bạn sẽ có xu hướng dãn ra, cởi mở. Bởi vì có gì đáng sợ đâu mà phải co cụm lại? Nếu bạn co lại, thu mình lại, điều đó có nghĩa là bạn đang cố bảo vệ mình trước thứ gì đó!
Bạn sợ giao tiếp, bạn sợ con người, bạn mệt mỏi với sự giả tạo của con người, bạn không thoải mái khi tiếp xúc với con người, bạn không thấy có gì ý nghĩa khi kết nối với xã hội ngoài kia… Vâng, điều đó cho thấy bạn vẫn chưa thực sự sống với cuộc sống, chưa thực sự giác ngộ!
Hiển nhiên, có những bậc giác ngộ chọn cuộc sống ẩn dật, vui vẻ với chính họ.
Họ về với thiên nhiên, xa chốn thị thành, xa con người… Điều đó không có nghĩa là họ sợ hãi con người và không hòa nhập với xã hội! Không, họ vẫn ổn với con người và xã hội. Chỉ là họ thích lặng lẽ sống trong phúc lạc của mình.
Vì vậy, sống ở đâu không quan trọng, quan trọng là bên trong bạn thế nào?
Bạn có thể ngồi giữa chợ mà vẫn an nhiên. Bạn cũng có thể ngồi giữa chốn thiền môn mà tâm trí đầy giông bão!
🍀🍀🍀🌾🌾🌾🍀🍀
Chào bạn. Mình là Nhi, người viết bài này, cũng là admin của kênh này.
Bạn có thể liên hệ mình qua sdt 0979 254 124.
Bạn cũng có thể thưởng cho mình ly sữa để tiếp tục sáng tác qua stk Agribank 1800 259 157 122 (Đồng Tuyết Nhi).
Cảm ơn bạn.