Một khán giả hỏi:
Em thấy việc mình tĩnh tâm là việc của tâm trí, còn cơ thể vật chất vẫn cần không khí, thức ăn và những cái cơ bản, như vậy thì đã phụ thuộc vào bên ngoài rồi ạ. Theo chị, làm sao để được vui vẻ, bình an từ trong bản chất ạ?
Admin trả lời:
Khi nào thì một người cảm thấy bất an?
Có 3 lý do cơ bản khiến con người cảm thấy bất an.
Lý do thứ nhất là không có đủ tiền. Khi bạn không có tiền trong túi, bạn sẽ bất an về phương diện sống còn. Ăn ở, thuốc men, sinh hoạt…, tất cả đều cần đến tiền.
Lý do thứ hai khiến mọi người bất an là họ không có hướng đi cho mình. Họ không biết phải làm gì, cũng không có mục tiêu trong cuộc sống. Đừng nghĩ đặt mục tiêu là tham lam, bởi vì những người đi tu, họ vẫn có mục tiêu. Mục tiêu của họ là tu, là giác ngộ. Khi bạn đã nhìn thấy mục tiêu, bạn mới yên tâm bước đi. Nó giống như bạn bơi ra biển, khi đó, bạn sẽ có xu hướng bơi chậm hơn vì bạn không biết bơi hướng nào. Nhưng nếu đâu đó trên biển có một cột mốc, bạn thấy nó và quyết định bơi ra cột mốc đó thì bạn sẽ bơi nhanh hơn, yên tâm hơn, vì bạn đã thấy mục tiêu.
Vậy, mục tiêu của bạn là gì? Bạn phải thực sự sống, tìm hiểu về bản thân, xem nó muốn gì, nó khao khát một cuộc sống như thế nào? Khi bạn lắng nghe bản thân, nó sẽ cho bạn câu trả lời. Còn bây giờ, bạn không nghe bản thân mà chỉ nghe người khác. Bạn không hỏi “Rốt cuộc, mình muốn gì cho cuộc sống của mình”. Bạn chỉ hỏi mọi người: “Làm gì mau giàu? Học nghề gì không sợ thất nghiệp?”
Không. Đừng sợ thất nghiệp. Công việc có ở khắp mọi nơi, từ lao động tay chân như làm thuê, làm công nhân, buôn bán nhỏ… cho đến lao động trí óc như giáo viên, nhân viên văn phòng, lập trình viên, nhà sáng tạo nội dung… Công việc có ở khắp mọi nơi, vấn đề chỉ là bạn không tìm được việc mà bạn thực sự yêu thích. Bạn phải nhớ: không có việc nào tầm thường, cũng không có việc nào thấp kém. Ngay cả khi bạn làm công nhân – nghề nghiệp mà nhiều người vẫn thấy mặc cảm – nhưng nếu bạn có thể kiếm ra tiền từ nó… thì mọi người cũng sẽ nhìn bạn với một con mắt khác. Ngày nay, rất nhiều công nhân và những người buôn bán nhỏ còn giàu hơn những người làm việc cao cấp, cuộc sống của họ vẫn có nhiều thú vui riêng.
Lý do thứ ba khiến mọi người bất an là họ sợ mất mát.
Bạn sẽ thấy có những người có tiền và có mục tiêu nhưng họ vẫn bất an, hồi hộp, căng thẳng… Vì sao? Vì họ sợ mất đi những thứ đó, hoặc sợ không đạt được những thứ đó.
Có những người yêu đương nhưng không cảm thấy bình an vì họ sợ sẽ mất người yêu. Người kết hôn rồi thì bất an vì sợ bị phản bội.
Và có rất nhiều người sống trong nơm nớp lo sợ, vì họ sợ chết.
Và có hàng triệu thứ có thể khiến chúng ta cảm thấy bất an như thế, nếu chúng ta cứ muốn ôm nó, giữ nó, sợ mất nó. Có những người chưa yêu đã nghĩ đến cảnh chia tay, chưa đi làm đã sợ không làm được việc… tất cả đều là những nỗi sợ mà chúng ta tự hù dọa mình.
Ngược lại, nếu chúng ta nâng cao nhận thức thì chúng ta không cần phải lo, bởi vì chúng ta sẽ làm mọi việc một cách tốt nhất có thể, dù đạt được hay không đạt được thì cũng không có gì hối tiếc. Mọi mối quan hệ trong cuộc sống, chúng ta biết sàng lọc và đối xử tận tâm. Sau đó, chúng ta sẽ không có gì áy náy.
Cho nên, Sadhguru nói: Sự tận tâm là thứ khiến người ta ít vướng bận nhất. Khi bạn thực sự sống với cuộc sống, bạn sẽ không còn sợ cái chết. Có những người yêu cuộc sống đến mức sẵn sàng chết và chết một cách mãn nguyện, bởi vì họ đã sống trọn vẹn. Khi trái cây chín, nó sẽ tự rụng. Còn duyên thì ở bên cạnh, hết duyên thì rời đi, thuận theo tự nhiên, thư thái mà sống. Dù sao thì khi đến với thế gian này, bạn cũng đâu có gì. Và ngày bạn ra đi, một hạt bụi cũng cần trả lại.
***
Câu hỏi thứ hai là: Làm sao để sự vui vẻ, bình an của mình không bị phụ thuộc vào bên ngoài?
Điều này rất khó. Hầu hết chúng ta đều chưa đủ khả năng có thể vui vẻ, bình an bất chấp mọi hoàn cảnh bên ngoài. Khi nợ nần đến, khi nguy hiểm đến…, hầu hết chúng ta đều hoảng loạn. Vì vậy, cách tốt nhất khi chúng ta rơi vào tình huống đó là lấy lại cân bằng, sau đó tìm cách thoát khỏi tình huống.
Và tốt nhất là chúng ta nên phòng ngừa trước khi nó xảy ra. Khi chúng ta vẫn là con người cần ăn để sống, đừng bao giờ kỳ thị vật chất. Bạn phải tận dụng và sử dụng nó tốt chứ không phải kỳ thị nó.
Con người có 2 phương diện là vật chất và tinh thần. Nếu không có 1 trong 2 phương diện này thì sẽ không thể làm nên sự sống.
Nếu bạn không có cơ thể vật chất thì dù linh hồn bạn tốt lành như thế nào, bạn cũng không thể trở thành con người. Ngược lại, nếu bạn chỉ có cơ thể vật chất mà không có linh hồn thì bạn cũng sẽ tan rã, bởi vì nó không có sự sống, nó không có cấu trúc nghiệp – thứ năng lượng kết nối mọi thứ lại với nhau.
Như vậy, trên con đường của mình, để mọi thứ được nâng cao đồng bộ, bạn phải chăm sóc và nâng cao cả hai khía cạnh trên. Nếu bạn chỉ lo tu dưỡng tâm hồn mà bỏ bê cơ thể vật chất thì khía cạnh vật chất sẽ làm vướng víu bạn, giống như những người có trái tim bao la nhưng lại bệnh tật nghèo khó.
Ngược lại, nếu bạn chỉ lo vun đắp vật chất mà bỏ bê tinh thần thì bạn sẽ trở thành kiểu người phổ biến trong xã hội ngày nay: điên đảo với tiền bạc và danh vọng.
Bạn sẽ thấy rất nhiều người không lo làm việc mà cứ lo sống ảo, thể hiện sự giàu có trên mạng, đơn giản là vì họ muốn được mọi người ghi nhận và ngưỡng mộ. Khi bạn không đủ thực lực, bạn sẽ phải chứng tỏ bằng cách này cách kia. Những người không giàu tỏ vẻ giàu. Người không hạnh phúc tỏ vẻ hạnh phúc. Người bình thường tỏ vẻ ghê gớm, đó là tình trạng phổ biến của mạng xã hội ngày nay.
Thay vì vậy, nếu chúng ta thực sự có năng lực, chúng ta cần gì tỏ vẻ mình có năng lực? Nếu một người nào đó có giá trị, họ sẽ không cần sống ảo để chứng tỏ giá trị của mình. Cho nên, làm gì để nâng cao nhận thức? Làm gì để bản thân này được nâng cao đồng bộ – đó là câu hỏi duy nhất.
Người giác ngộ, họ thường nhắc nhở bạn rằng bản thân này là cát bụi, mục đích là để nhắc bạn đừng chấp vào nó. Còn duyên nghiệp thì tích tụ. Hết duyên nghiệp thì tan rã. Chứ không phải để bạn khinh cái này, trọng cái kia, cho rằng khía cạnh vật chất là phàm tục, khía cạnh tinh thần mới thiêng liêng.
Xin đừng hạ bệ phương diện nào. Sống thực tế không phải bám vào vật chất, hay bám vào tinh thần, mà là nhận ra rằng, cả vật chất và tinh thần đều có giá trị riêng của nó, bình thản bước qua cuộc đời này.