Lời ru cánh võng đưa nôi
Theo ta khôn lớn suốt đời không quên.
Là con người, ai mà không thấy tự hào mỗi khi nói về vẻ đẹp quê hương, đất nước. Đó không chỉ là nơi đã nuôi ta lớn lên từ dòng sữa mẹ, từ con tôm, con cá, từ trái khế vàng trĩu nặng trên cây… mà còn là nơi mỗi người được nuôi dưỡng đời sống tinh thần qua lời ca, giọng hát.
Là một người Nam Bộ, tôi yêu vô cùng những làn điệu dân ca, những câu hò, điệu lý, lời ru đã theo tôi bên cánh võng, đưa tôi đi vào thế giới êm dịu, ngọt ngào của câu hát đưa nôi.

Đó là những câu hát thân thương mà bà và mẹ đã ru tôi suốt quãng ấu thơ, để giờ đây, thi thoảng tôi lại dùng nó để hát ru cho em tôi ngủ:
“Ầu ơ… Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí rợ dưa hường nấu canh”.
Ngày xưa, cũng câu hát ấy, tôi cứ nghe nhưng nào có biết gì tâm sự của người mẹ đã gả con đi và cũng có hiểu gì tâm trạng của người con gái lấy chồng xa xứ. Ai mà chẳng mong được gả về mảnh đất miệt vườn cây oằn trái ngọt, ai mà chẳng mong được lấy chồng gần, để không phải trông về quê mẹ mà chín chiều ruột đau. Thế nhưng, lấy chồng thì phải theo chồng.
Thế rồi, mỗi buổi chiều hay những đêm trăng, những người phụ nữ ngồi đưa võng cho đứa con thơ nhìn về xa xa sau những rặng tre mà chợt nhớ da diết con sông, cánh đồng, vườn cây quê mẹ. Những lời ru khi ấy đã hòa cùng bao dòng lệ buồn tủi, nhớ thương.
Thế nhưng, đâu phải lời ru nào cũng thấm đầy nước mắt. Thế hệ chúng tôi còn lớn lên qua những lời ru chan chứa nghĩa tình, mang trong đó những bài học đạo lý làm người. Cho đến bây giờ, có mấy ai không bồi hồi mỗi khi nghe đâu đó lời ru:
“Ầu ơ… Má ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau cho má nhờ.”
Bây giờ, thỉnh thoảng về thăm nhà, tôi vẫn được nghe tiếng ru êm đềm vọng lên từ những ngôi nhà lá nhỏ. Không biết đứa trẻ khi nghe những lời ru ấy có cảm tưởng thế nào. Nhưng đối với tôi, ngày còn thơ, mỗi khi nghe ai đó hát đến câu “Ví dầu cầu ván đóng đinh – Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi – Khó đi mẹ dắt con đi – Con đi trường học mẹ đi trường đời” thì tôi lại hình dung ra hình ảnh một người mẹ đang dắt đứa con thơ chập chững bước đi trên chiếc cầu tre bắc qua con kênh nhỏ: đứa bé vai mang một chiếc cặp xinh xinh, một tay cầm đôi dép cong cong, tay kia nắm bàn tay mẹ…

Rồi không biết tự bao giờ, tôi thấy mình gắn bó máu thịt với quê hương: từ con sông, chiếc xuồng, đến bờ lau, khóm trúc, đến cái bóng tre nghiêng nghiêng và cả cát bụi của đường quê. Nhất là những khi xa nhà, nghe câu vọng cổ hay một lời ru ai đó vọng lại từ xa, tôi lại nhớ về những ngày còn bên mẹ. Nhớ lại hình ảnh mẹ tôi ngồi hát ru bên chiếc võng, bà tôi ngồi cạnh bên, và cái miếng trầu bà ăn đỏ thắm, nước mắt tôi như muốn tuôn rơi.
Nhưng câu hát ru đã cùng mẹ theo tôi suốt đoạn đường dài, có nụ cười và nước mắt. Tôi nghe nói ở miền Bắc người ta bắt đầu câu hát ru bằng tiếng đưa hơi “À ơi…” chứ không phải “Ầu ơ…” như ở miền Nam. Thế nhưng, tôi cũng hiểu rằng, mỗi khi tiếng “À ơi…” hay “Ầu ơ…” vang lên thì đó là tín hiệu cho giấc ngủ trẻ thơ nhưng lại là cả một khung trời tuổi thơ của những người đã lớn.
Câu hát đưa nôi không chỉ là câu hát cho những ngày trong nôi mà còn là câu hát theo chúng ta đi suốt cuộc đời, là niềm an ủi, điểm tựa tinh thần để chúng ta vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Nhớ về câu hát đưa nôi là nhớ về ông bà, cha mẹ, anh chị em…, là nhớ về quê hương nơi chôn rau cắt rốn. Có phải vậy chăng mà nhà thơ Nguyễn Duy khi nhớ về mẹ cũng đã viết:
“Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”.
Xem thêm: Ký ức đồng quê tuổi thơ – mùa nước nổi