Nhiều người cứ nghĩ nấu thuốc Bắc thì chỉ cần rửa thuốc, cho thuốc vào nồi, thêm nước rồi nấu 3 chén sắc còn 1 chén là được. Tuy nhiên, thực tế nấu thuốc lại đa dạng hơn nhiều.
Để cho ra chén thuốc đúng chuẩn, hiệu quả cao, bạn cần những yếu tố tiên quyết như:
- Nấu bằng ấm đất (hoặc ấm điện bằng sứ).
- Nấu đúng lượng nước, nhiệt độ và thời gian (vì mỗi vị thuốc sẽ cho ra chiết xuất tốt nhất của ở mức nhiệt độ nhất định và trong thời gian nhất định).
- Uống đúng lúc.
Lưu ý: Nếu thầy thuốc đã có chỉ dẫn cụ thể cho thang thuốc ấy thì thực hiện theo lời thầy thuốc.
Nội dung chính ⇒
1. Với các loại thuốc giải cảm
Các loại thuốc giải cảm nói chung thường chứa tinh dầu dễ bay hơi, vì vậy, bạn không nên sắc lâu trừ khi thầy thuốc dặn sắc lâu. Thường thì với ấm thuốc giải cảm, bạn nấu trong 20 phút là được và nên uống lúc thuốc còn ấm nóng (không cần sắc đặc mà để nước thuốc loãng một chút cũng được).
Sau khi uống thuốc thì bạn nên tránh ăn những loại thức ăn sống, lạnh và cũng không được đi ra gió.
2. Các loại thuốc giúp cầm máu, thanh nhiệt và giải độc
Với các dạng này thì bạn nấu thuốc cho sôi rồi vặn lửa vừa vừa lại, tiếp tục nấu thêm 30 phút là có thể tắt bếp, chắt lấy nước và uống lúc thuốc còn nóng.
Riêng với trường hợp nấu thuốc cầm máu cho bệnh nhân chảy máu cam, nôn ra máu… thì cần sắc đặc rồi uống lúc thuốc còn âm ấm.
Khi dùng thuốc này, bạn nên tránh rượu, bia, thuốc lá, cà phê và các chất kích thích khác, đồng thời cũng tránh ăn những thức ăn có mùi tanh hoặc có vị cay, đắng.
3. Các loại thuốc chống nôn, điều trị nôn mửa
Với thuốc này thì bạn nên uống khi thuốc vừa nguội (không để nguội lạnh quá lâu).
Sau khi uống xong, nếu vẫn thấy buồn nôn thì lấy vài ba lát gừng tươi, giã nát rồi vắt lấy nước, cho thêm nửa chén nước và đun sôi thì tắt bếp, đợi ấm lại thì uống.
Với thuốc này thì bạn cũng tránh ăn những món sống, lạnh, có mùi tanh.
4. Các loại thuốc điều khí
Với thuốc điều khí thì khi nấu, bạn cần chú ý đậy kín nắp để tránh các dược chất bay hơi. Sau khi thuốc sôi lên, bạn hạ lửa xuống riu riu và thuốc này nên uống lúc còn ấm.
Khi dùng, bạn nên tránh những thức ăn gây đầy hơi, khó tiêu hoặc thức ăn sống, lạnh.
5. Các loại thuốc bổ
Với các loại thuốc bổ máu cũng như tẩm bổ cơ thể nói chung thì bạn bạn nấu bằng lửa nhỏ trong thời gian dài (thường là từ 40 phút đến 1 tiếng), sắc đặc và uống lúc thuốc còn ấm.
Sở dĩ sắc đặc là để lượng nước thuốc ít, không gây đi tiểu nhiều (vì đi tiểu nhiều thì dược chất sẽ theo nước tiểu ra ngoài, không kịp phát huy tác dụng). Hiển nhiên, nếu uống xong mà mắc tiểu thì nên đi, bạn nhé!
6. Các loại thuốc điều trị phong thấp
Với các loại thuốc này thì nước thuốc nên lấy nhiều một chút để dễ đi tiểu (thấp tà gây bệnh sẽ theo nước tiểu ra ngoài).
Khi uống, bạn nên tránh dùng những thực phẩm có vị chua, chát.
7. Các loại thuốc điều trị ghẻ lở và mụn nhọt
Khi uống các loại thuốc này thì bạn cần kiêng những thức ăn có vị cay, đắng, mùi tanh.
Xem thêm: Vì sao dùng ấm đất sắc thuốc mới hiệu quả cao?
Tham khảo thêm: Về phương pháp sắc thuốc
Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Chi thì dùng thuốc dưới dạng thuốc bột là phương pháp thường được khuyến khích vì nó giúp cơ thể đồng hóa các hoạt chất một cách từ từ và đầy đủ.
Tuy nhiên, cho đến nay, sắc thuốc vẫn là phương pháp phổ biến nhất.
Vậy, sắc thuốc là gì?
Sắc thuốc là dùng nước để nấu thuốc. Với mỗi thang thuốc, dân gian thường sắc 3 lần trong ngày.
- Lần thứ nhất: đổ 3 chén nước, sắc còn 1 chén lưng.
- Lần thứ hai: đổ 2 chén rưỡi nước, sắc còn nửa chén.
- Lần thứ ba: cũng đổ 2 chén rưỡi nước và sắc còn nửa chén.
Với phương pháp này thì các vị thuốc phải được chẻ mỏng, thái nhỏ ra (tốt nhất là chẻ mỏng, giã cho dập rồi mới nấu – như thế thì các hoạt chất mới được chiết ra nhiều).
Nếu lát thuốc dày quá, dược tính của chén thuốc sẽ không cao vì dược chất bị vướng lại trong các lát gỗ, không chiết ra được hết.
Lưu ý:
- Có những vị thuốc không thể dùng cho trẻ em.
- Với những bài thuốc có thể dùng cho trẻ em thì liều dùng phải thấp hơn người lớn (theo hướng dẫn của thầy thuốc).
Tham khảo:
- Trẻ từ 4 – 6 tuổi dùng với liều bằng 1/4 liều của người lớn.
- Trẻ từ 7 – 10 tuổi dùng với liều bằng 1/2 liều của người lớn.
- Trẻ từ 11 – 15 tuổi dùng với liều bằng 2/3 liều của người lớn.
Các đơn vị đo lường phổ biến trong Đông y
Một chỉ là bao nhiêu gam?
Một đồng cân là bao nhiêu gam?
Một tiền là bao nhiêu gam?
Đáp án: 1 chỉ = 1 đồng cân = 1 tiền = 3,75 g.
Tư liệu tham khảo
- 10 điều cần nhớ khi dùng thuốc bắc, https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/10-dieu-can-nho-khi-dung-thuoc-bac-471730
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1.