Cơ thể chúng ta luôn cần một lượng mỡ nhất định (cholesterol) vì mỡ là một trong những thành phần làm nên vỏ tế bào.
Lượng mỡ này được tạo thành qua 2 cách, đó là gan tự tạo ra và cơ thể hấp thu từ thức ăn. Trong đó, thịt mỡ động vật là thực phẩm chứa nhiều cholesterol hơn dầu thực vật (dầu thực vật cũng làm tăng cholesterol nhưng ít hơn mỡ).
Mỡ máu cao (cholesterol cao) là gì?
Khi chúng ta ăn quá nhiều thức ăn giàu tinh bột và chất béo (hoặc gan tạo quá nhiều mỡ) thì lượng mỡ trong máu sẽ tăng cao.
Bạn biết đấy, mỡ trong máu cũng có mỡ tốt (cholesterol tốt – HDL) và mỡ xấu (cholesterol-LDL). Mỡ tốt sẽ giúp đẩy mỡ xấu ra khỏi mạch máu, giúp mạch máu không bị nghẽn. Ngược lại, mỡ xấu làm nghẽn mạch máu và gây ra bệnh tật.

Và khi mỡ xấu tăng cao quá mức, mạch máu sẽ rất dễ bị nghẽn, xơ vữa động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ (tai biến mạch máu não)… và các bệnh tim mạch khác.
Người bị mỡ máu cao (cholesterol cao) có cần uống thuốc suốt đời không?
Người bị mỡ máu cao cần uống thuốc hạ mỡ máu để phòng ngừa biến chứng.
Tuy nhiên, với những người chọn tập thể dục đều đặn mỗi ngày từ 30 đến 45 phút (tập nhẹ nhàng) và ăn uống đúng cách, giảm chất béo, tăng chất xơ thì lượng mỡ máu sẽ dần dần giảm xuống (khi mỡ máu trở về mức an toàn thì có thể bỏ thuốc).
Lưu ý: Với người đang uống thuốc Tây và thấy mỡ máu có xuống thấp thì không nên bỏ thuốc ngay (vì sau khi bỏ thì mỡ máu sẽ lại tăng). Vì vậy, muốn bỏ thuốc, chúng ta chỉ có cách ăn uống và tập thể dục đúng cách.
Người bị mỡ máu cao nên ăn gì?
Mỡ có nhiều trong các thức ăn có nguồn gốc từ động vật như thịt, trứng, sữa, mỡ… Trong thực vật, mỡ (cholesterol) cũng có nhưng ít hơn (như trong dầu thực vật, nước cốt dừa…).
Vì vậy, muốn giảm mỡ máu (để giảm mỡ xấu) thì ta cần hạn chế các loại thực phẩm trên.
Vậy, người bị mỡ máu cao nên ăn gì?
Câu trả lời rất đơn giản, đó là ăn nhiều rau xanh, củ quả và các loại đậu vì chúng rất giàu chất xơ. Khi đi vào cơ thể, chất xơ sẽ cuốn theo đường và chất béo cùng tham gia vào quá trình tiêu hóa, vì thế, nó làm chậm quá trình giải phóng chất béo và chất đường vào máu, giúp chất béo được chuyển hóa, hấp thu và đào thải tốt hơn (được đào thải cùng chất xơ và chất bã qua đường phân). Như vậy, lượng mỡ trong máu sẽ được ổn định.
Ngoài ra, người bị mỡ máu cao cũng cần tập thể dục nhẹ nhàng (không cần chạy bộ) vì tập thể dục vừa phải sẽ giúp giảm mỡ xấu và tăng mỡ tốt.
Ngày nay, thuốc điều trị mỡ máu cao có rất nhiều loại, kể cả Đông y và Tây y (và bạn nên dùng theo hướng dẫn của bác sĩ). Tuy nhiên, chế độ ăn uống và tập luyện vẫn là quan trọng trong điều trị căn bệnh này.
Vì sao không ăn dầu mỡ, chất béo nhưng vẫn bị mỡ máu cao?
Có những người ăn rất ít chất béo nhưng vẫn bị mỡ máu cao, béo phì, thừa cân, tích tụ mỡ…
Thật ra, khi chúng ta ăn đường bột (tinh bột, đường…) thì khi đi vào cơ thể, tinh bột sẽ được phân giải thành đường và nếu cơ thể không sử dụng hết lượng đường này thì sẽ có mỡ thừa.
Vì vậy, muốn giảm mỡ thừa thì ngoài việc ăn nhiều rau củ quả, bạn cũng cần tránh những thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột và chất béo (lưu ý không nên cắt giảm hoàn toàn mà chỉ nên điều chỉnh cho hợp lý vì cơ thể chúng ta vẫn cần đường bột để duy trì sự sống).
Phần mở rộng về cholesterol
Hiểu sâu hơn về cholesterol sẽ giúp chúng ta bảo vệ cơ thể tốt hơn.
Cholesterol là gì?
Hiểu nôm na, cholesterol là một dạng chất béo có trong máu của chúng ta. Nó có màu vàng nhạt, mềm và được gan sản xuất từ 1,5 – 2 g mỗi ngày. Ngoài ra, cholesterol còn được hình thành thông qua việc ăn uống (chủ yếu là mỡ từ động vật).
Thật ra, cholesterol là chất cần thiết cho cơ thể của chúng ta, bởi vì nó sẽ cùng các dạng chất béo khác tạo ra màng tế bào và các hoocmon sinh dục như testosterol và estrogen.
Vì cholesterol không tan trong máu nên cần có các chất chuyên chở là LDL và HDL để lưu chuyển cholesterol đi khắp cơ thể. Bản chất của hai chất này là lipoprotein. Trong đó, LDL (chất béo xấu) sẽ chuyên chở cholesterol từ gan đi đến các tế bào trong cơ thể; HDL thì đem phần cholesterol không dùng về gan để phân hủy thành các muối mật và thải ra ngoài (qua phân, nước tiểu).
Chỉ số cholesterol bao nhiêu là khỏe mạnh?
Mức LDL ở người khỏe mạnh thường thấp hơn 130 mg/ dl và mức HDL ở người khỏe mạnh thường cao hơn 50 mg/dl. Hiển nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý về tỉ lệ giữa hai chỉ số này.
Cholesterol có gây ra bệnh tim mạch không?
Khi lượng cholesterol xấu (LDL) quá cao (lớn hơn 160 mg/ dl) thì chúng sẽ tích tụ lại trong lòng động mạch và dần dần tạo thành các mảng bám. Đồng thời, trên các mảng bám này cũng có thể xuất hiện các cục máu đông, khiến cho máu trong cơ thể không được lưu thông và dần dần tạo thành bệnh tim mạch (thường là đau tim và đột quỵ).
Hiển nhiên cũng có trường hợp ngoại lệ (hiếm hoi). Có những người có lượng cholesterol khá cao nhưng lại không bị bệnh tim mạch.
Thực phẩm giúp giảm cholesterol trong máu
- Táo tây (trái bom, pom): Trong trái pom (táo) có nhiều pectin giúp giảm sự hấp thụ chất béo.
- Trái lê tàu: chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn (chất béo tốt), vì vậy, nó giúp giảm cholesterol trong máu. Ngoài ra, trái lê tàu còn chứa beta-sitosterol giúp ngăn chặn sự tái hấp thu cholesterol tại ruột, vì vậy, nó cũng giúp làm giảm cholesterol trong máu.
- Dưa leo (dưa chuột): Dưa leo có chứa một loại sterol giúp giảm cholesterol trong máu.
- Củ tỏi: giúp giảm mỡ máu, giảm huyết áp và cách dùng tốt nhất là ăn sống hoặc tái tái như ngâm gỏi chua ngọt (nên thêm vào món ăn lúc bắt đầu ăn).
- Trà xanh: Lá trà xanh có chứa nhiều chất chống oxy hóa nên giúp giảm nguy cơ bệnh tật rất tốt.
- Các loại hạt đậu: Các loại đậu như đậu xanh, đậu nành đều chứa nhiều chất xơ hòa tan, giúp giảm mỡ máu.
- Dầu olive: Loại dầu này cũng chứa nhiều chất béo tốt (chất béo không bão hòa đơn). Vì vậy, bạn có thể dùng nó như một loại dầu thực vật để chế biến các món ăn hàng ngày.
- Chất đạm từ đậu nành: Chất đạm từ đậu nành tốt cho sức khỏe và sinh lý của cả nam và nữ. Được biết, nó là nguồn chất đạm tốt hơn cả thịt vì nó không làm tăng nguy cơ ung thư (ăn quá nhiều đạm từ thịt có thể gây ung thư). Vì vậy, bạn nên bổ sung đạm thực vật bằng cách uống sữa đậu nành nấu thủ công (không uống loại đóng chai), ăn tàu hủ (cần chọn loại an toàn vì ngày ngay người ta thường dùng chất làm trắng…)…
- Cà chua: Cà chua chứa nhiều chất chống oxy hóa, trong đó có lycopene giúp giảm mỡ xấu trong máu.
Dù là ăn thực phẩm nào thì bạn cũng không được lạm dụng, không được ăn liên tục hàng tháng liền vì sẽ dẫn đến thừa một số chất nào đó (và gây bệnh). Vì vậy, hãy luân phiên nhiều loại thực phẩm khác nhau để đảm bảo cơ thể được đủ chất và khỏe mạnh nhé!
Người bị mỡ máu cao nên tập thể dục như thế nào?
Với người bị mỡ máu cao thì bạn chỉ nên tập thể dục với các động tác nhẹ nhàng, hoặc đi bộ sau khi ăn, hoặc quét nhà sau khi ăn… như thế sẽ giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng tốt hơn và cải thiện tình trạng bệnh.
Mỗi ngày, bạn tập khoảng 30 phút là được.
Lưu ý: Không nên chạy bộ, không nên tập luyện thể dục quá sức… vì sẽ dễ gây biến chứng. Đã có trường hợp người bị tim mạch tử vong do tập thể dục quá sức.
Xem thêm: 4 lời nhắc cho người tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu cao và bệnh thận
Keyword: mỡ máu cao nên ăn gì?
Xem thêm: Ăn gì tốt cho tim mạch?, https://caythuoc.org/an-gi-tot-cho-tim-mach-nguoi-bi-benh-tim-nen-an-gi.html