Từ nhỏ, tôi đã bị ám ảnh bởi cái chết. Thậm chí, tôi còn viết sẵn “di chúc” trong một quyển sổ và dặn người thân nhớ thực hiện theo nếu tôi chết đi. Bạn biết đấy, cả nhà ai cũng bảo tôi khùng.
Tôi còn ám ảnh cái chết đến nỗi trước khi ngủ, tôi cứ sợ sẽ chết trong lúc ngủ và mỗi khi thức dậy, tôi lại thấy biết ơn vô cùng vì mình còn sống.
Tôi cũng luôn có cảm giác mãnh liệt rằng: không chỉ có tôi mà người thân của tôi cũng có thể chết bất kì lúc nào. Nhiều năm qua, tôi biết rất nhiều người có khi đang ngủ và chết, có khi đang ngồi cũng ngã ra chết. Có những người chết khi tuổi còn rất trẻ và tôi hiểu rằng mình cũng có thể là người tiếp theo. Rất có thể lắm chứ!
Bạn có thấy đầu óc của tôi quá tiêu cực không? Thế nhưng, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên nếu tôi nói rằng, nỗi ám ảnh về cái chết cũng mang lại cho tôi nhiều lợi ích.
Vâng!
Vì biết mình có thể chết bất kỳ lúc nào nên tôi dặn lòng phải sống sao cho vui vẻ nhất. Tôi trân trọng từng phút giây mình được sống, tận hưởng những khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên.
Vì biết chết đi sẽ không mang theo được gì ngoài trải nghiệm sống nên tôi bớt ích kỷ lại, cố gắng cho đi nhiều hơn.
Cho đến một ngày, tôi nghe được một đoạn lý giải về cái chết. Và tôi bừng tỉnh.
Thì ra, những nỗi sợ hãi, ám ảnh về cái chết của tôi là không cần thiết.
Bởi vì, chỉ cần chúng ta từng được sinh ra, có mặt trên cuộc đời này thì chắc chắn rằng chúng ta đã tồn tại. Chúng ta sẽ không bao giờ mất đi mà chỉ bỏ đi thể xác này thôi. Linh hồn của chúng ta là vĩnh cửu, đó mới là chúng ta thực sự.
Còn thể xác này, linh hồn chúng ta chỉ mượn để trải nghiệm và làm trọn vẹn nó hơn mà thôi.
Điều này giải thích vì sao có hiện tượng hồn nhập xác và có khi linh hồn này nhập, có khi linh hồn khác nhập. Đó là vì thể xác chỉ là phương tiện, là nơi tạm trú của linh hồn mà thôi (hiển nhiên vẫn có những trường hợp nhập xác giả để lừa đảo).
Sau khi rời bỏ thể xác, linh hồn không chết mà sẽ tồn tại như chính nó (cho nên mới có những linh hồn lang thang, những đấng vô hình…) hoặc sẽ tiếp tục nương tựa một vật chất khác tùy theo duyên nghiệp (như đầu thai lại làm người, làm động vật… hoặc không đầu thai mà nhập hồn vào cây cổ thụ hoặc một đồ vật nào đó – cho nên, chúng ta mới có những câu chuyện về cây cối thành tinh…).
***
Nếu linh hồn đó cảm thấy bất an, cảnh giới của nó sẽ ứng hiện thành bất an. Nếu linh hồn đó cảm thấy đau khổ, bế tắc, sợ hãi…; cảnh giới mà nó tồn tại cũng đầy bế tắc, sợ hãi. Và linh hồn nào vọng động, háo sát…, cảnh giới của nó sẽ đầy nghiệt ngã, chết chóc. Những cảnh giới đó, bạn nói xem, không phải là địa ngục sao!
Ngược lại, nếu linh hồn đó cảm thấy hạnh phúc, yêu thương, biết ơn, thanh thản… thì cảnh giới ngày nó trở về (bỏ thể xác) cũng sẽ tràn ngập những cảm xúc ấy! Đó chính là thiên đường rồi!
Cho nên sẽ có muôn vạn thiên đường, muôn vạn địa ngục, muôn muôn vạn vạn cảnh giới ứng hiện theo mỗi linh hồn.
Hiểu điều này, ta mới thấy nuôi dưỡng linh hồn thực sự rất quan trọng. Nói cách khác, tâm cảnh của mỗi người lúc còn sống rất quan trọng.
Nếu bạn sống mà giành giật, tranh đấu, bất an, luôn thấy thiếu thốn thì sau khi chết, linh hồn bạn sẽ tiếp tục như vậy. Cái cây nghiêng về hướng nào thì khi ta chặt, nó sẽ đổ ngã về hướng đó!
Ngược lại, nếu bạn sống và cảm thấy bình an vui vẻ thì sau khi “chết” (bỏ thể xác), linh hồn cũng sẽ ở trong cảnh bình an, vui vẻ!
Cho nên, nếu bạn không có tiền thì bạn không cần phải gồng mình bố thí thật nhiều (để kiếp sau được giàu) mà chỉ cần kiếp này, bạn thấy mình no đủ, không tham vơ vét thêm là tâm cảnh của bạn đã giàu rồi!
Lời khuyên nên bố thí, cho đi chẳng qua cũng vì mong khi cho đi, tâm bạn rộng mở và thấy mình no đủ hơn, may mắn hơn, hài lòng hơn, yêu thương hơn, biết ơn cuộc sống hơn!
Vậy nên, nếu bạn có điều kiện kinh tế thì bạn cứ cho đi vật chất, nếu không đủ điều kiện kinh tế thì cho đi các giá trị tinh thần. Nếu không nữa, tự bạn phải biết đủ và vui trong hoàn cảnh sống. Như thế, linh hồn bạn sẽ không cảm thấy thiếu thốn và nơi nó hiện hữu sau này cũng sẽ như vậy.

Nói đến đây có lẽ bạn sẽ bảo rằng: Vậy thì những người tự kỷ ám thị, suốt ngày không biết phấn đấu mà chỉ thấy hài lòng, no đủ thì sau này cảnh giới của họ cũng sẽ tuyệt vời như vậy luôn sao? Như vậy thật không công bằng với những người vừa siêng năng vừa rộng tâm bố thí!
Bạn yên tâm đi. Sự hài lòng gồng ép, ngụy trang không bao giờ giống sự hài lòng thật sự!. Không ai có thể ở trong cảnh ăn không ngồi rồi, tiền không có, các mối quan hệ xấu dần, nợ nần sắp đến hạn, bữa cơm nhìn nuốt không trôi…mà lại có thể hài lòng thực sự!
Thế nhưng, với những người gia cảnh không được sung túc, giàu có thì việc vui trong hoàn cảnh sống, tự thấy mình no đủ, không tham vơ vét thêm… sẽ giúp họ có thêm bình an, sự thanh thản (và có động lực làm việc, tạo ra giá trị nhiều hơn, tiến dần đến giàu có thực sự).
Chúng ta, giữa cuộc sống vô thường này, cái gì cũng có thể thay đổi và những điều không như ý cũng vậy – cũng sẽ đổi thay và nhường chỗ cho những điều như ý!
Chỉ cần bạn biết đủ và nỗ lực để cải biến số phận mình, bạn sẽ có được hạnh phúc, bình an!
***
Cuối cùng, hiểu được chết không phải là biến mất mà là trở về tồn tại với dạng thức vĩnh cửu – linh hồn vĩnh cửu, chúng ta sẽ thấy đức bao dung – lượng cả của đất trời.
Đồng thời, chúng ta cũng thấy được ý nghĩa của việc nuôi dưỡng tâm lành.
Và những nỗi sợ như sợ bị phản bội (sợ bị ngoại tình), sợ bị bỏ rơi, đánh đập…; tất cả đều không còn nữa!
Bởi vì đến sinh tử còn phải trải qua thì những khổ đau ấy có là gì!
Chúng ta chỉ cần sống cho trọn vẹn, cho tử tế với người khác để linh hồn mình không hổ thẹn, vậy là được!
Linh hồn mới là chúng ta thật sự, vì vậy, hãy chăm chút và dưỡng nuôi nó cho đẹp hơn, vui vẻ hơn, quảng đại hơn, bạn nhé!
Còn thể xác này, chúng ta vẫn trân quý, biết ơn nó vì nhờ nó mà linh hồn được thể nghiệm nhiều hơn.
Sau này, linh hồn rời thể xác đi sẽ tiếp tục mang theo những cảm thức đó, dần dần tích góp với những cảm thức của nhiều kiếp sống khác và tạo thành một linh hồn thực thụ, vĩnh cửu.
Giống như ta xách giỏ đi chợ, chỗ này mua một ít, chỗ kia mua một ít, đem về làm thành bữa ăn.
Và thứ quan trọng chính là những thực phẩm kia (linh hồn, tâm cảnh) chứ đâu phải cái túi đựng (thể xác) trên những đoạn đường!
Hy vọng bạn biết cách chăm sóc cho tâm hồn của bạn hơn: Kỷ luật để đúng đắn chứ không hà khắc, tha thứ cho chính mình nhưng cũng đừng dễ dãi.
Cuối cùng, bầu bạn với chính mình, lắng nghe tâm mình nhiều hơn, bạn nhé!