Nấm rơm có tác dụng gì và có giúp điều trị liệt dương không? Phụ nữ mang thai có nên ăn nấm rơm không?
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Nội dung chính ⇒
Nấm rơm có chứa các chất dinh dưỡng nào?
Nấm rơm là loại nấm giàu dinh dưỡng. Được biết, nấm rơm có chứa nhiều vitamin thiết yếu giúp chống oxy hóa, hỗ trợ xương khớp và giúp bền thành mạch (như vitamin B1, B2, B3, B5, B9 (axit folic), C…). Bên cạnh đó, nấm rơm còn chứa các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như: Sắt, Đồng, Natri, Selen, Phốtpho, Kẽm…
Điều đặc biệt hơn, nấm rơm còn là loại nấm giàu đạm thực vật. Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Chi thì nấm rơm cung cấp đến 17 loại axit amin khác nhau (cao hơn nhiều loại thực vật khác) và trong số đó, có 8 loại axit amin là cần thiết cho sức khỏe.
Nấm rơm có tác dụng gì?
Nhờ chứa nhiều thành phần dinh dưỡng quý mà nấm rơm được biết đến với các công dụng như:
- Giúp xương khỏe mạnh.
- Ít cholesterol, tốt cho tim mạch.
- Tốt cho sự tăng trưởng của cơ thể.
- Tốt cho bệnh nhân tiểu đường.
- Giúp chống oxy hóa.
- Giúp tăng khả năng chịu đựng của cơ thể.
- Ngừa bệnh thiếu máu.
Trong Đông y, nấm rơm còn được biết đến với tác dụng:
- Tiêu thực.
- Khử nhiệt.
Không chỉ thế, nấm rơm còn chứa protid dị chủng – chất này có thể giúp cơ thể phòng ngừa ung thư.
Lưu ý khi dùng nấm rơm
- Nên rửa nấm bằng nước muối loãng (ngâm trong 5 phút, không nên ngâm quá lâu).
- Nấm rơm phải nấu chín kỹ mới ăn được (nếu ăn nấm chưa chín, bạn sẽ dễ bị ngộ độc khiến cho nhức đầu, nôn mửa…).
- Khi nấu, bạn nên dùng lửa to vì nếu dùng lửa nhỏ thì nấm sẽ tiết ra nhiều nước, không ngon.
- Không nên dùng nhiều dầu ăn khi chế biến nấm vì nấm rơm hút dầu rất hao (nhất là nấm dù).
- Không nên ăn nấm rơm vào buổi chiều tối, những ngày trời lạnh và không ăn chung với đồ ăn lạnh, có tính lạnh (vì nấm có tính hàn).
- Mỗi ngày, mỗi người không nên ăn quá 200 g nấm đã nấu chín (mỗi tuần chỉ cần ăn 2 lần).
- Không ăn quá nhiều trong thời gian dài vì sẽ làm mất cân bằng Âm – Dương trong cơ thể (nấm rơm rất Âm). Hơn nữa, nấm rơm cũng là loại thực phẩm không có diệp lục, vì vậy, nếu ăn nhiều nấm rơm và giảm đi các loại thực phẩm khác thì cơ thể sẽ thiếu “thiên khí” và thiếu dinh dưỡng.
- Không dùng nấm đã nhỉn nước, đổi màu, có mùi lạ hoặc bị hư hỏng…
- Không nên nấu bằng nồi nhôm, chảo nhôm…
Ai không nên ăn nấm rơm?
- Người tỳ vị hư hàn, sợ lạnh, hay đầy bụng, khó tiêu… không nên ăn nhiều (và nên chế biến nấm cùng các gia vị có tính ấm như tiêu, tỏi, ớt…).
- Người bị bện Gút cũng cần hạn chế nấm rơm (vì nấm này chứa nhiều đạm, có thể làm nặng thêm tình trạng Gút).
Bà bầu ăn nấm rơm được không?
Phụ nữ mang thai có thể ăn nấm rơm vì nó tốt cho cả mẹ và bé (tốt cho hệ thần kinh của thai nhi). Tuy nhiên, cần lưu ý về liều lượng: mỗi ngày ăn không quá 200 g nấm rơm đã nấu chín và mỗi tuần không ăn quá 2 lần.
Nấm rơm có giúp kích dục, tăng cường sinh lý và điều trị liệt dương không?
Trong công trình Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới, tập 2) có nói rằng: nấm rơm đem xào với thịt ếch hoặc thịt chim sẻ thì sẽ thành món ăn giúp kích dục (nên người bị liệt dương nên ăn). Tuy nhiên, cần hiểu rằng công dụng trên chủ yếu đến từ tác dụng của thịt chim sẻ (hoặc thịt ếch).
Với nấm rơm, nếu ăn vừa phải thì nó vẫn giúp tẩm bổ thật nhưng nếu ăn nhiều, tính hàn của nấm (các loại nấm nói chung) sẽ làm cho cơ thể mắc chứng huyết hư hàn, từ đó làm giảm ham muốn sinh lý (cũng như giảm tình trạng cương cứng khi quan hệ). Vì vậy, nam giới có thể ăn nấm rơm như các loại thức ăn thông thường khác (mỗi tuần ăn một lần), tuy nhiên, không nên xem nó là vị thuốc kích dục và không nên ăn quá nhiều (để tránh tác dụng ngược lại).
Ngày nay, các món ăn, vị thuốc giúp bổ thận, tăng cường sinh lý rất đa dạng, chẳng hạn như:
- Kỷ tử giúp tăng cường sinh lý, tăng ham muốn (pha trà uống hay chế biến thành món ăn đều được).
- Đậu đen giúp bổ thận, tăng sinh lực (nấu chín 30 g rồi ăn cái, uống nước).
- Hẹ giúp tráng dương, tăng cường sinh lý, điều trị di mộng tinh, xuất tinh sớm (xem Tại đây).
Món ăn từ nấm rơm
Với nấm rơm, bạn kho, xào, luộc sả, nấu canh, nấu lẩu hay chiên bột đều ngon.
Nấm rơm có tên khoa học là gì, tên tiếng Trung, tiếng Anh là gì?
Nấm rơm có tên khoa học là Volvariella volvacea.
Trong tiếng Anh, nấm rơm được gọi là “straw mushroom”.
Trong tiếng Trung, nấm rơm được gọi là 草菇 (“thảo cô”, [cǎo gū]).
Tư liệu tổng hợp
- Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2, NXB Y học, HN, 2018, trang 239.
- Straw Mushroom facts and nutrition, https://www.healthbenefitstimes.com/straw-mushroom/
- Nấm rơm có công dụng gì?, báo Tienphong.
- Ăn nấm rơm có tác dụng gì?, trang phongkhamxadan.