Có nhiều người sắc thuốc Nam, thuốc Bắc để uống nhưng uống mãi không thấy hiệu quả.
Thật ra, phương pháp sắc thuốc là phương pháp kinh điển của Đông y nhưng bạn phải sắc đúng cách mới có hiệu quả cao.
Danh y Lý Thời Trân từng nhấn mạnh: “Uống thuốc thang, dẫu phẩm chất thuốc tốt và bào chế đúng phép nhưng sắc lỗ mãng, vội vàng, dùng lửa không đúng độ thì thuốc cũng không công hiệu”.
Vì vậy, sắc thuốc là công đoạn rất quan trọng trong chữa bệnh bằng dược liệu cổ truyền.
Nội dung chính ⇒
Sắc thuốc đúng cách là như thế nào?
Thông thường, theo kinh nghiệm dân gian thì cứ 1 thang thuốc Bắc sẽ nấu 3 lần, một thang thuốc Nam sẽ nấu 2 – 3 lần, mỗi lần nấu 3 chén nước cho đến khi nước rút còn 1 chén. Tùy theo loại bệnh mà uống trước hoặc sau bữa ăn.
Tuy nhiên, thực tế sắc thuốc lại đa dạng hơn nhiều. Có những thang thuốc cần nấu với 4, 5 hoặc chén nước cho đến khi nước rút còn 1 chén (hoặc 1 chén rưỡi). Có những thang thuốc cần giảm dần lượng nước nấu qua các lần nấu, ví dụ nấu lần đầu 3 chén thì lần thứ 2 giảm còn 2 chén rưỡi hoặc 2 chén…
Vì vậy, khi nhận thang thuốc, bạn cần hỏi thầy thuốc những điều sau đây:
- Một thang thuốc sẽ nấu mấy lần trong ngày? Mỗi lần bao nhiêu nước và có giảm lượng nước xuống sau mỗi lần nấu không?
- Các vị thuốc sẽ nấu một lượt hay có cho vị nào vào nấu trước không?
- Thuốc sẽ uống trước hay sau khi ăn cơm?
Ngoài ra, có một số điều quan trọng cần lưu ý khi sắc thuốc và uống thuốc, đó là:
- Trước khi nấu, bạn phải kiểm tra xem thuốc có bị mốc hay bị mối mọt không (vì thuốc Đông y rất dễ bị hỏng), sau đó rửa sơ với nước cho sạch bụi bẩn.
- Khi nấu thuốc, cần đậy nắp để nước và các dược chất không bị bốc hơi.
- Lúc mới nấu thì ta để lửa to nhưng khi thấy sôi thì vặn lửa nhỏ lại để chất thuốc tiết ra tốt hơn và tránh hao hụt dược chất do nhiệt.
- Không dùng thuốc đã cạn và cháy khét.
- Nên uống thuốc khi thuốc còn ấm (chưa nguội hẳn) để dạ dày dễ tiếp nhận hơn.
- Sau khi uống thuốc, nếu thấy có dấu hiệu bất thường (như lợm giọng, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy…) thì cần ngưng thuốc và báo ngay cho thầy thuốc.
- Nên sắc thuốc bằng ấm đất hoặc ấm điện bằng sứ.
- Với trẻ nhỏ thì chỉ uống với liều lượng bằng 1/2 hoặc 1/3 so với người lớn và có những bài thuốc không thể dùng cho trẻ em.
- Có những thang thuốc sẽ không nấu một lượt tất cả các vị mà cần nấu một số vị trước (vì các vị này khó hòa tan, khó chiết xuất, chẳng hạn như vỏ hến, khoáng thạch, xương động vật…). Sau 15 phút (hoặc lâu hơn), ta mới cho thêm các vị còn lại vào nấu chung.
- Ngược lại, có những vị thuốc sẽ cho vào sau cùng, khi gần sắc xong (tức nấu thêm 5 phút nữa là có thể chắt ra). Những vị này thường là các dược liệu có tinh dầu, dễ bay hơi hoặc dễ biến chất khi gặp nhiệt độ cao, vì vậy không thể nấu lâu mà chỉ cho vào khi thuốc đã nấu gần xong (như đinh hương, trần bì, phan tả diệp, bạc hà, hương nhu, trầm hương…).
- Có những vị thuốc, nếu cho vào sắc trước (thời gian nấu dài hơn) thì sẽ có tác dụng khác và nếu sắc sau (thời gian nấu ngắn hơn) thì sẽ có tác dụng khác, thậm chí, các tác dụng này có khi còn trái ngược nhau. Ví dụ như vị thuốc đại hoàng; nếu sắc trước (nấu trong thời gian dài) thì sẽ giúp sáp tràng, trị tiêu chảy; ngược lại, nếu sắc sau (nấu trong thời gian ngắn) thì sẽ giúp tả hạ thông tiện. Những điều này thầy thuốc cần có trách nhiệm hướng dẫn bệnh nhân và bệnh nhân cũng cần hỏi để sắc thuốc đúng cách.
- Có những vị thuốc cần gói lại trong vải rồi mới sắc vì chúng có nhiều lông nhỏ, dễ gây ho (như tân di, tỳ bà diệp…) hoặc dễ lắng đọng dưới đáy nồi, gây cháy khét và làm đục nước thuốc (như táo tâm thổ, xa tiền tử…).
Nên sắc thuốc bằng ấm đất, ấm điện hay ấm kim loại?
Câu trả lời đó là ấm đất. Sắc thuốc bằng ấm đất sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao hơn. Tuy nhiên, nếu không mua được ấm đất thì bạn có thể dùng ấm điện bằng sứ, gốm hoặc thủy tinh.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại ấm điện tiện dụng, tự ngắt điện khi nấu thuốc xong. Tuy nhiên, bạn cần hỏi kỹ cách sử dụng, lắp đặt các thành phần (để tránh làm hỏng ấm) và chọn loại ấm chất lượng nhé (thường có giá từ 250 – 500 ngàn/ cái hoặc cao hơn).
Lưu ý: nên lau sạch nước xung quanh ấm trước khi nấu, ngoài ra, sau khi nấu xong thì phải để ấm nguội tự nhiên, không được đổ nước lạnh vào cho mau nguội vì sẽ làm ấm dễ bị nứt.
Có nên dùng nồi hoặc ấm kim loại (sắt, nhôm, đồng, gang, inox…) để nấu thuốc không?
Câu trả lời là không.
Đó là vì nhiều loại thuốc sẽ bị biến chất khi tiếp xúc với kim loại, thậm chí gây ra những tác dụng phụ làm hại sức khỏe.
Nếu nhà bạn chỉ có ấm nhôm, ấm inox thì hãy hỏi thầy thuốc xem thang thuốc ấy có nấu bằng ấm nhôm (hay ấm inox) được không nhé! (vì cũng có nhiều loại thuốc có thể nấu bằng ấm nhôm).
Vì sao ấm đất mang lại hiệu quả sắc thuốc cao nhất?
Có một số loại thuốc sẽ phản ứng với kim loại và bị biến chất, vì vậy, dùng ấm đất sẽ tránh được vấn đề này.
Bên cạnh đó, theo y học cổ truyền thì ấm đất mang lại hiệu quả điều trị bệnh cao hơn vì nó giúp chiết ra dược chất tốt hơn.
Theo triết học phương Đông, đất thuộc về hành Thổ (trong Ngũ hành) mà Thổ là môi trường dưỡng nuôi vạn vật, giúp các dược chất được dung hòa và tồn tại tốt hơn.
Không chỉ thế, trong một thang thuốc thường có:
- Các vị thuốc (thường là cây cỏ, thuộc hành Mộc).
- Lửa để nấu thuốc (thuộc hành Hỏa).
- Nước để nấu thuốc (thuộc hành Thủy).
Vì vậy, nếu bạn dùng ấm kim loại (nhôm, inox, sắt…) để nấu thì nó sẽ thuộc về hành Kim (mà theo nguyên lý Ngũ hành tương khắc thì Kim khắc Mộc – dao chặt đứt cây). Vì vậy, dùng ấm kim loại thì nó sẽ áp chế dược tính có trong cây thuốc. Vì thế, chất thuốc sẽ không được chiết ra một cách tốt nhất.
Trong khi đó, nếu bạn dùng ấm đất (nồi đất) để nấu thuốc thì nó sẽ tránh được tình trạng nên. Đồng thời, ấm đất (hành Thổ) còn hỗ trợ quá trình chiết xuất dược chất từ thảo mộc (vì đất là môi trường sinh ra cây cỏ).
Vì vậy, trước đây, dân gian còn có thói quen bỏ thêm chút đất sạch vào thang thuốc để dùng Thổ dưỡng thuốc. Đặc biệt, với trường hợp có thể dùng ấm kim loại (các vị thuốc không phản ứng với kim loại) thì cho vào chút đất sạch còn giúp áp chế chất kim loại (vì Thổ khắc Kim), từ đó làm giảm sự áp chế của ấm kim loại lên cây thuốc.
Cuối cùng, ấm đất vẫn là lựa chọn tốt nhất để sắc thuốc. Ngày nay, ấm đất và nồi đất đều có bán ở các chợ lớn hoặc bán trên mạng. Vì vậy, bạn có thể dễ dàng mua hàng online để sắc thuốc hiệu quả hơn.
Chất lượng thuốc Nam, thuốc Bắc chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ nguồn thuốc đầu vào, ấm sắc thuốc và cách thức sắc thuốc, vì vậy, hãy đầu tư thật kỹ vào ấm sắc, bạn nhé!
Trong ẩm thực, bạn cũng thấy đó, dùng nồi đất, chảo đất, khuôn bánh bằng đất thì món ăn làm ra bao giờ cũng ngon hơn!
Thông tin thêm
Chất lượng thuốc Đông y là vấn đề đáng báo động hiện nay. Đặc biệt, nguồn thuốc Bắc ở nước ta hiện nay đa phần nhập từ Trung Quốc và chưa đảm bảo hoàn toàn về chất lượng, chưa kể, quá trình bảo quản tại Việt Nam cũng chưa đảm bảo an toàn vì sấy lưu huỳnh (sấy diêm sinh) quá mức.
Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là ưu tiên dùng thuốc Nam, bạn nhé! (Với thuốc Nam thì bạn cũng cần kiểm tra dược liệu có bị hư hỏng không nhé!)
Nếu bắt buộc phải dùng thuốc Bắc, bạn cần chọn nơi bán uy tín và phải rửa kỹ vài ba lần với nước sạch rồi mới sắc uống (để giúp rửa trôi bớt chất bảo quản), bạn nhé!
Tư liệu tham khảo
- Thuốc Đông y: Muốn có hiệu quả tốt phải biết sắc thuốc đúng cách, https://vandieuhay.net/thuoc-dong-y-muon-co-hieu-qua-tot-phai-biet-sac-thuoc-dung-cach.html
- Chuyên gia chia sẻ quy trình sắc thuốc chuẩn giúp thu được dược tính tối ưu, https://www.dongyvietnam.org/quy-trinh-sac-thuoc-trong-y-hoc-co-truyen-chuan-nhat.html