Hai ngày vừa qua, các báo đài đều đăng tin về Sương Nguyệt Anh. Tôi ngờ ngợ: Sương Nguyệt Anh, cái tên này nghe quen quá, hình như trước đây có nghe qua rồi, chắc là một nhà thơ hay một nhân vật lịch sử nào đó.
Thế là tôi lên Google tìm thông tin về bà.
Lại một lần nữa giật mình. Là Sương Nguyệt Anh, con gái của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu – người mà tôi rất hâm mộ thời còn đi học. Trong thời gian còn là sinh viên, nhiều lúc tôi ngâm nga thơ Nguyễn Đình Chiểu đến thuộc lòng. Có lẽ khi đọc tiểu sử của ông, tôi đã nghe qua cái tên Sương Nguyệt Anh.
Tôi lại đọc tiếp về bà. Lần này lại giật mình. Ồ, thì ra là một nữ sĩ. Tôi nhớ ra, trước đây, tôi không chỉ nghe qua tên bà mà còn từng đọc một vài trang tư liệu về bà, và hình như có liên quan đến báo chí thời đó, nhưng tôi không chú ý lắm. Hôm nay đọc lại mới biết: Sương Nguyệt Anh là “nữ chủ bút đầu tiên” của tờ báo phụ nữ đầu tiên (ở Việt Nam).
Nghĩa là: bà là tổng biên tập cho tờ báo viết về phụ nữ, và quan trọng là: bà là người đầu tiên, đưa các vấn đề của phụ nữ trở thành vấn đề xã hội, nói tên tiếng nói của những người phụ nữ.
Tôi tự hỏi: Nếu Google không vinh danh Sương Nguyệt Anh, đưa hình ảnh của bà lên trang chủ Google vào ngày 1 tháng 2 vừa qua, thì liệu còn ai nhớ đến bà, và tìm hiểu về bà?
Ngay cả tôi, một người trước đây từng đọc qua về bà, vậy mà bây giờ còn không nhớ. Và đây không phải là vấn đề của một cá nhân. Ở Việt Nam, nhiều con đường mang tên Sương Nguyệt Anh, nhưng hầu hết mọi người đều không biết bà là ai.
Vâng, bà là ai? Thậm chí, hỏi Nguyễn Đình Chiểu là ai, nhiều người cũng không biết.
Vâng, Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ yêu nước của thế kỷ XIX, một nhà nho mù, sống một lòng với Nam Kỳ lục tỉnh. Cuộc đời của ông như trang thơ của ông: “Thà đui mà giữ đạo nhà – Còn hơn có mắt ông cha không thờ”.
Còn Sương Nguyệt Anh là ai? Tất nhiên là con gái của Nguyễn Đình Chiểu, được ông dạy cho chữ Hán và chữ Nôm nên nổi tiếng là tài sắc vẹn toàn. Không chỉ thế, bà còn là người thủ tiết thờ chồng, bút danh Sương Nguyệt Anh có nghĩa là “Góa phụ Nguyệt Anh”.
Tờ báo gắn liền với tên tuổi của bà là “Nữ giới chung”, ra mắt số đầu tiên vào ngày 1 tháng 2 năm 1918 (vì vậy, Google vinh danh bà vào ngày 1 tháng 2 vừa qua). Tờ báo ấy nói về chủ đề gì?
Đó là những lời hay ý đẹp đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội, là những bài viết nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương, dạy mọi người học nghề, tề gia nội trợ… Đồng thời, tờ báo “Nữ giới chung” còn phê phán những quy định cổ hủ, khắt khe đối với nữ giới, là tiếng nói bảo vệ quyền phụ nữ. Đó là lý do vì sao tên của tờ báo được đặt là “Nữ giới chung” – tiếng chuông của nữ giới!
Tiếc là, tờ báo này chỉ tồn tại được khoảng 5 tháng. Đến tháng 8 năm 1918, thực dân Pháp đã cấm in vì e ngại sự ảnh hưởng của tờ báo đối với trí thức và nhân dân thời bấy giờ.
Sau đó, đôi mắt của Sương Nguyệt Anh mờ dần và bị mù (tương tự như cha của bà). Sau khi bị mù, bà hành nghề bốc thuốc như cha mình, đồng thời dạy học và sáng tác thơ văn. Vì vậy, chúng ta thường biết đến bà qua cụm từ “nữ sĩ Sương Nguyệt Anh”, hơn là nữ tổng biên tập.
Tác phẩm của bà khá nhiều, bạn có thể tìm đọc trên mạng (trang Thi Viện). Trong đó, có những vần thơ vừa sắc sảo, vừa tình tứ thủy chung khi nhớ người chồng đã mất, ví dụ như:
- “Năm canh thức nhấp… năm canh những
- Nửa gối so le, nửa gối chờ
- Vườn én rủ ren trên lối cũ,
- Canh gà xao xác giục tình xưa…”
Hay những vần thơ yêu nước, đau lòng cho thời cuộc:
- “Vui lòng thánh đế nơi xe ngựa,
- Xót dạ thần dân chốn lửa than
- Nước mắt có cùng trời đất biết,
- Biển dâu một cuộc thấy mà thương…”
Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864-1921) là một cuộc đời, một tấm gương cho phụ nữ Việt Nam. Ngày nay, chúng ta biết đến bà qua bút danh, còn tên thật của bà là Nguyễn Thị Khuê (có sách ghi là Nguyễn Xuân Khuê).