Để kể cho mọi người nghe một tin đồn về Sadhguru, nghe vui thôi nha.
Lúc mình mới biết Sadhguru là mình lên mạng gõ liền: “Sadhguru lừa đảo”, “Sadhguru scandal”, “Sadhguru cheating”…
Mình tỉnh lắm. Hâm mộ thì hâm mộ, nghe giảng khóc thút thít… nhưng bao giờ cũng giữ lại chút nghi ngờ để bảo vệ bản thân.
“Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”.
Thậm chí, trong mấy lần đầu qua trung tâm Sadhguru ở Ấn, mình còn sợ bị thôi miên nên cực kỳ cảnh giác.
Và tất nhiên, mình đã đọc nhiều tư liệu chống đối, vu khống, mỉa mai và buộc tội Sadhguru. Nào là Sadhguru giết vợ, xây dựng Isha bất hợp pháp, dụ dỗ thiếu nữ, moi tiền tín đồ, ăn mặc xa xỉ, đạo văn Osho… Và cả chuyện Sadhguru có giác ngộ thật không… Nhiều chuyện lắm.
Đọc phản biện trên các diễn đàn quốc tế mới thấy người ta mưu mô, xàm xí, thông minh, uyên bác, đủ kiểu…
Và có 1 chuyện khiến mình nhớ mãi. Người ta bảo rằng có 1 đệ tử của Sadhguru, rất giỏi, và trong 1 lần ngồi thiền cùng Sadhguru thì ông ấy giác ngộ.
Sau khi giác ngộ, việc đầu tiên mà ông ta làm là tuyên bố Sadhguru lừa đảo. Ông ta bắt đầu lập trang web và làm rất nhiều thứ để chỉ ra Sadhguru lừa đảo.
Mặc dù vậy, ông ta, trong mối quan hệ với Sadhguru, vẫn có cái gì đó rất khó lý giải.
Trước đây khá lâu, mình có nghe Sadhguru bảo rằng có những người tự tạo ra chướng ngại cho chính họ để làm chậm lại sự phát triển quá mức.
Lúc học về triết học phương Đông, thầy mình cũng có nhắc mệnh đề “vật cùng tất phản”, đỉnh điểm của Âm là Dương, tận cùng của Dương là Âm. Vậy nên, cái gì lên quá cao đều phải xuống thấp, theo quy luật tự nhiên, nên ai biết khôn thì khúc gần tới cao là họ hoãn lại, tự trì hoãn lại, để có thể tồn tại lâu hơn.
Trong những ngày lang thang xem mọi người chém gió về Sadhguru, mình cũng đọc được những bình luận thông thái của một số fan Sadhguru, đại loại như:
Nhiều bài giảng của Sadhguru là ngụ ngôn, là món quà được gói trong chiếc bình tuyệt đẹp, tiếc là fan chỉ thấy chiếc bình đẹp và nghĩ đó là món quà (mà quên mất thứ thật sự bên trong).
Nhiều người rơi vào tình trạng này: sau khi đọc Krishnamurti thì thấy Sadhguru lừa đảo.
Rõ ràng, Krishnamurti chống đối sự tôn thờ và những lý giải của ông hoàn toàn hợp lý, trong khi Sadhguru lại đề cao sự tận tụy tuyệt đối, và hầu hết fan Sadhguru đều thờ Sadhguru.
Bây giờ không lẽ đập bỏ bàn thờ?
Nhiều người đã làm thế. Khi họ cuồng thì họ lập bàn thờ, đeo chuỗi hạt, tụng mantra… Một ngày đẹp trời, thấy cuộc sống vẫn vậy hoặc tệ hơn, họ cảm thấy thất vọng và mất niềm tin.
Tượng Phật còn bị đập đổ, huống chi chỉ là ảnh Sadhguru!
Thật ra, đến một lúc nào đó, ai đó hiểu được tâm ý của Sadhguru rồi thì đốt hết cũng là điều tốt. Và họ tự do thực sự.
Nhưng khi bạn còn yếu lòng, dễ dao động… thì bạn cần một điểm tựa.
Phép dạy trẻ đa dạng vô cùng. Có đứa chỉ cần phân tích, nó tư duy là nó hiểu. Krishnamurti đang làm điều này.
Có đứa phải nói lời ngon ngọt nó mới nghe. Gurudev đã làm rất tốt.
Có đứa phải cho nó đồ ăn, cho nó no bụng, chơi với nó như bạn bè… rồi mới từ từ giảng dạy, thậm chí phải nâng nó lên, để nó cảm thấy được thương yêu, thì nó mới mến. Mohanji đang làm như thế.
Có đứa phải chỉ thẳng vào cái tật của nó, chỉ thẳng vào dã tâm và khao khát của nó, chỉ vào chỗ mà nó ngụy biện, chỗ mà nó ngại ngùng, chỗ mà nó giấu kín, chỗ mà nó thèm muốn khao khát, chỗ mà nó khắc khoải khôn nguôi… Nó mới giật mình và phục. Rồi nó mới nghe. Thì đâu đó, Osho là như thế.
Đây chỉ là nhấn mạnh để dễ hình dung, chứ không phải để tóm tắt các guru, vì mỗi vị thầy có rất nhiều khía cạnh và cũng chưa chắc mình hiểu đúng họ.
Phép dạy của Sadhguru thì tích hợp hơn. Kiểu nào cũng có. Đánh đấm vỗ về, dỗ ngon dỗ ngọt đều có.
Có những người sợ ma, bạn phân tích ra thì họ hết sợ. Nhưng có những người bạn phải đeo cho họ sợi dây bùa, họ mới yên tâm. Có người bạn phải cầm tay họ dắt đi, họ mới yên tâm.
Vì vậy, đứa trẻ khù khờ trách Krishnamurti nói năng khó hiểu. Đứa trẻ tâm lý yếu chê Osho là phóng đãng, tà dâm. Đứa trẻ thích thử thách chê Mohanji chậm chạp, nhà quê. Đứa trẻ thiếu kiên nhẫn nói Sadhguru thế này thế nọ.
Ưu điểm của Sadhguru là dùng nhiều phương pháp, nhưng nó cũng là nhược điểm vì với đứa không thích đeo chuỗi hạt, nghe giảng tới chuỗi là nó dội liền. Nó cảm thấy Sadhguru đang cố bán hàng (mà quên mất phần bài giảng dành cho nó nằm ở các video khác). Nhưng với đứa thích đeo pháp bảo, vớ được video là mua chuỗi đeo liền và cảm thấy “chân ái đây rồi”, “minh sư đây rồi”.
Tất cả đều là thu hút môn đệ (có đủ kiểu môn đệ trên đời). Vì vậy, Sadhguru hợp với những ai kiên nhẫn, gặp cái không vừa ý cũng không vội chối bỏ, vì có thể cái đó không hợp với mình nhưng lại rất hợp với người khác. Hãy cho phép nó xảy ra vì Nghiệp của mỗi người không giống nhau.
Tính đến năm nay, Sadhguru đã chạm được 25 % dân số toàn thế giới. Đây là một con số rất lớn.
Cố thêm 5 % nữa là thành công rồi, bởi vì cứ 10 người thì có 3 người biết Sadhguru, thì chẳng mấy chốc mọi người đều biết.
Biết rồi thì tự vận hành theo Nghiệp của họ.
Cũng có khi nghe Sadhguru một thời gian, bạn cởi mở hơn rồi mới nghe đến Osho và Krish… Và có khi bạn lại hợp với phương pháp của Osho hoặc ai đó khác.
Không quan trọng.
Vị thầy chỉ là người hướng dẫn chứ không phải đích đến của bạn, vì nếu là đích đến để bạn nhắm vào thì thế nào cũng bị bạn tông. Chấn thương luôn 🤣🤣.
Còn tại sao các tư thế Hatha yoga lại quan trọng? Hoặc đeo cái a, b, c… Lại có hiệu quả?
1. Tâm lý -) nâng cao tần số -) hiện thực hóa mong muốn
2. Dược lý -) nâng cao sức mạnh và năng lượng
3. Chém gió lý -)
Nói nôm na là bạn đang đứng trước gió và muốn được bay thì bạn phải đổi tư thế, sao cho bọc gió tốt nhất, ít ma sát với mặt đất nhất, có khi bạn còn phải gắn thêm cánh hoặc động cơ, hoặc phải đứng trên thuyền buồm, hoặc cầm thêm tấm bảng to bọc gió, các kiểu… Tóm lại nếu thấy hiệu quả thì dùng.
Nói nôm na xàm xàm vậy thôi. Đừng tin nghe chèn.