Nếu phải phân loại nghệ thuật, mình sẽ theo Sadhguru, chia nghệ thuật thành 2 loại, đó là nghệ thuật đến từ đau khổ và nghệ thuật đến từ niềm vui. Bạn biết đó, có một thời kỳ, nghệ thuật đến từ đau khổ đã trở thành thứ mốt văn hóa và người ta cho rằng phải đau khổ mới làm được thơ hay, phải đau khổ mới vẽ ra tranh đẹp, phải cùng cực mới viết ra những bản nhạc để đời. Con người thường là vậy. Khi họ đau khổ, họ mới nhìn sâu hơn vào cuộc sống. Khi đã tổn thương đến rướm máu, họ mới chịu nhìn lại chính mình. Còn bình thường, họ chỉ nhìn thế giới bên ngoài và hời hợt với thế giới bên trong.
Nhưng, mình muốn hỏi là: có phải nghệ thuật phát tiết từ đau khổ sẽ là thứ mà chúng ta hướng đến?
Không! Nếu nghệ thuật chỉ thăng hoa từ đau khổ thì thật là tàn nhẫn! Người ta tung hô những kiệt tác nhưng đằng sau đó là nỗi đau đớn quằn quại của người đã sáng tạo ra nó. Vinh danh ngàn thu để làm gì nếu cuộc sống phải đầy khổ sở? Đắm chìm trong đau khổ để viết những vần thơ để đời, điều đó có đáng không?
Bạn biết đó, nghệ thuật là thứ sẽ tác động vào tâm trí con người. Một bức tranh treo trên tường, một bản nhạc được mở lên, nó sẽ tác động đến bạn theo nhiều cách.
Bạn muốn điều gì tác động đến bạn? Nỗi đau hay niềm vui?
Hỏi một cách nôm na hơn: bạn muốn treo một bức tranh vui hay một bức tranh buồn trong nhà?
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận các tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc từ đau khổ. Nó có giá trị và vẻ đẹp riêng của nó.
Nhưng, thật không may, con người lại thích tán dương đau khổ. Người ta cho rằng phải đau khổ thì mới là người sâu sắc. Các tôn giáo bảo rằng bạn phải chịu khổ, nếm đủ nỗi khổ nhân gian thì bạn mới trả xong nghiệp của mình, mới học xong bài học làm người.
Nhưng là một con người, bạn muốn mình đau khổ hay hạnh phúc?
Tại sao bạn không sáng tác bằng niềm vui, để hạnh phúc của bạn có thể mang lại một điều gì đó cho mọi người? Nếu tác phẩm của bạn có thể tác động đến mọi người, bạn phải có trách nhiệm làm cho sự tác động đó là tích cực, để nó hỗ trợ mọi người sống tốt hơn, vui hơn.
Đau khổ là thứ bất hạnh mà chúng ta hầu hết phải đối mặt. Nó là thứ cần bỏ qua. Nó không phải là thứ để tôn vinh và hướng tới.
Trong nền văn hóa yoga, đau khổ không được đánh giá cao. Phúc lạc mới là giá trị cao nhất. Bởi vì phúc lạc là thứ con người hướng tới, đau khổ là thứ cần bỏ qua.
Khi bạn kết nối được với cuộc sống, bạn sẽ hạnh phúc một cách tự nhiên.
Khi bạn không kết nối với cuộc sống và trở thành một mớ hỗn độn trong tâm trí, bạn sẽ đau khổ và thất vọng.
Bài viết dựa trên tư tưởng của Sadhguru: https://isha.sadhguru.org/sg/en/wisdom/article/creative-process-ways-to-enhance-creativity, ngày truy cập: 18/ 11/ 2022.