Ngọc lan tây (hoàng lan) là cây hương liệu quý, cung cấp hoa để chiết xuất tinh dầu. Từ năm 1995, riêng đảo Comoro ở Indonesia cũng đã trồng được 160 ngàn ha loài cây này, cung cấp 120 tấn tinh dầu cho thị trường thế giới.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngọc lan tây còn khá xa lạ và hầu như chỉ được trồng làm cảnh (hoặc lấy hoa thờ cúng).
Hoa ngọc lan tây (hoàng lan) có thơm không, có mùi hương gì?
Thật khó để miêu tả mùi hương của ngọc lan tây. Nếu cầm đóa hoa trên tay và ngửi, bạn sẽ thấy nó có mùi rất mạnh, rất gắt và na ná như mùi mãng cầu hoặc mùi xoài non.

Tuy nhiên, khi để xa hơn hoặc khi vô tình đi ngang qua tán cây đang có hoa nở rộ, bạn sẽ thấy một mùi hương nhẹ hơn, dễ chịu hơn, ngát như hoa nhài vậy.

Tinh dầu ngọc lan tây có tác dụng gì?
Tinh dầu ngọc lan tây được chiết xuất từ hoa ngọc lan tây. Nếu chưng cất hoa bằng hơi nước, tinh dầu thu được sẽ rất thơm và cho chất lượng tốt (thường được gọi là tinh dầu Y lang). Ngược lại, nếu chiết xuất bằng ether dầu hỏa thì tinh dầu thu được sẽ cho chất lượng kém hơn, màu sắc tối hơn và có thêm chất nhựa (thường được gọi là tinh dầu Cananga).

Ứng dụng phổ biến nhất của tinh dầu ngọc lan tây là làm nước hoa cao cấp. Bên cạnh đó, chiết xuất hoa ngọc lan tây còn được dùng làm mỹ phẩm cao cấp (chẳng hạn như combo tẩy tế bào chết cho da mặt dưới đây).

Ở châu Âu, tinh dầu hoa ngọc lan tây còn được dùng với tác dụng điều trị cao huyết áp và làm dịu cơ thể (không uống trực tiếp mà nhỏ hai hoặc ba giọt lên một miếng đường rồi nuốt). Lưu ý, phụ nữ mang thai không nên dùng tinh dầu ngọc lan tây.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu trên chuột cũng cho thấy mùi hương của tinh dầu ngọc lan tây có tác dụng làm giảm lo âu (với thành phần chính là benzyl benzoate) (theo tạp chí Phytomedicine) (3).
Cây ngọc lan tây (hoàng lan) có tên khoa học là gì?
Ngọc lan tây là cây thân gỗ, cao từ 8 – 10 m, sống lâu năm, hoa có màu vàng lục hoặc màu vàng, tràng hoa dài và thường tạo thành 6 cánh mỏng, nhìn như sợi.
Cây có tên khoa học là Cananga odorata, thuộc chi Công chúa và thuộc họ Na (không thuộc họ Mộc lan như một số loài ngọc lan khác).
Ngọc lan tây có nguồn gốc từ Indonesia và được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á. Hiện tại, cây này cũng được trồng ở một số nước Châu Phi, Châu Mỹ và Thái Bình Dương.
Lưu ý
Cây ngọc lan tây trong bài viết này (thuộc họ Na) và cây hoàng ngọc lan (Magnolia champaca, thuộc họ Mộc lan) đều được gọi là hoàng lan. Vì vậy, cần chú ý để tránh nhầm lẫn hai loại cây này.
Xem thêm: Hoa bưởi được dùng làm gì? Hoa bưởi có tác dụng gì?
Một thời gian trước, mình may mắn được thấy cây hoàng lan và ngửi hoa của nó. Thật ra, hoa của nó thơm gắt như mùi lá xoài và để xa thì dễ chịu hơn, thoang thoảng hơn.
Còn tinh dầu ngọc lan tây thì mình cũng có dịp dùng qua. Nó thơm dễ chịu hơn hoa. Hiển nhiên, khi dùng thì bạn chỉ cần chấm một chút lên tay rồi chấm lên quần áo để mùi thơm nhè nhẹ phảng phất, không nên thoa trực tiếp lên da, bạn nhé!
Các loại tinh dầu nói chung, đa phần đều có tính nóng ấm hoặc dễ làm tổn thương da nếu dùng trực tiếp ở dạng nguyên chất. Vì vậy, bạn nên pha loãng ra (với nước hoặc các loại dầu nền phù hợp), bạn nhé!
Tư liệu tổng hợp
- Hoàng lan, https://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0ng_lan
- Hoàng ngọc lan, https://vi.wikipedia.org/wiki/Ho%C3%A0ng_ng%E1%BB%8Dc_lan
- The anxiolytic effect of essential oil of Cananga odorata exposure on mice and determination of its major active constituents, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0944711316301908
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 395.
- Nguyễn Văn Đàn – Vũ Xuân Quang – Ngô Ngọc Khuyến, Cây hoa chữa bệnh, NXB Y học, 2006, trang 156.