Mỗi khi đọc những câu kêu gọi dậy sớm, mình thấy “ngại” lắm.
Vì sao? Vì mình chưa bao giờ có tinh thần “dậy sớm để thành công”.
Trên mạng, mình thấy các hội nhóm rủ nhau cùng thức dậy vào lúc 4 giờ sáng, 5 giờ sáng… Sau khi thức dậy, họ sẽ tập thể dục, đọc sách và làm nhiều thứ khác.
Còn mình, nếu bắt mình thức vào 4 giờ sáng thì mình chỉ làm được 1 việc thôi, đó là: ngủ thêm một giấc nữa.

***
Thật ra, mình nghĩ như vầy: khi cơ thể thấy nó cần nghỉ ngơi, nó sẽ nghỉ ngơi. Khi bạn mệt mỏi, bạn tự nhiên muốn nằm nghỉ ngơi.
Vậy thì, sau một ngày ở trạng thái thức, bạn nên ngủ, phải không? Nếu cơ thể bạn thực sự khỏe mạnh, nó sẽ ngủ đủ giấc của nó rồi thức. Không có số giờ cụ thể cho điều này.
Nếu bạn ngủ 8 tiếng mỗi ngày và bạn thấy khỏe, bạn vẫn ổn.
Nếu bạn chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày và bạn thấy khỏe, bạn vẫn ổn.
Bạn không cần ngủ 4 tiếng như người A, cũng không cần thức vào lúc 4 giờ sáng như người B.
Cơ thể bạn có nhu cầu riêng của nó.
Chỉ cần sau khi ngủ, bạn thức dậy một cách tỉnh táo, vui vẻ và bạn làm việc hiệu quả, vậy là được.
***
Nhiều người nghĩ rằng nếu mỗi ngày ngủ 8 tiếng thì không còn bao nhiêu thời gian để sống. Xin đừng keo kiệt với bản thân như vậy! Nếu cơ thể bạn cần ngủ 8 tiếng mỗi ngày để làm nên cuộc sống của chính nó thì sao?
Hãy nhìn những người cố gắng dậy sớm để rồi ban ngày, thỉnh thoảng họ lại ngáp ngáp, trông họ có giống thành công không?
Mọi người nghĩ rằng dậy sớm là tốt nhưng bạn nghĩ xem, khi bạn đang ngủ ngon và bên tai bạn “reng reng reng”, … cơ thể bạn có thấy tốt?
***
Vì vậy, với mình, mình luôn cố gắng sắp xếp một công việc không bị gò bó về thời gian, để mình có thể ngủ “thẳng cẳng”.
Nếu cuộc sống này đã đầy rẫy những thứ không trọn vẹn, vậy thì ít nhất, bạn cũng nên giữ cho giấc ngủ của mình trọn vẹn, phải không?
Vậy nên, mình không thích đặt báo thức. Mình thích một giấc ngủ trọn vẹn, khi nào thức thì sẽ thức.
Mình cũng không cảm thấy bực bội hay khó chịu khi bị thức giấc nửa đêm. Những lúc như vậy, mình nghĩ: mình đã ngủ xong 1 giấc rồi.
Khi đó, nếu mình thấy buồn ngủ, mình sẽ ngủ tiếp. Nếu mình không ngủ được, mình sẽ thức và làm việc này việc nọ: đọc báo, viết văn, lướt face, tập thể dục nhẹ nhàng, suy nghĩ một vài chuyện… Sau một lát, tự nhiên mình sẽ buồn ngủ và ngủ.
Khi bạn không xem việc thức giấc nửa đêm như một triệu chứng của bệnh mất ngủ, bạn sẽ không thấy khó chịu vì điều đó.
***
Trước đây, mình không được như vậy. Mỗi lần mất ngủ, mình thức từ 12 giờ đêm tới sáng. Mình nằm trằn trọc, vật vã vì cái suy nghĩ “tôi không ngủ được”, “cứ thức thế này không làm được gì cả, thật uổng thời gian”. Lúc đó, mình tức lắm. Mình nghĩ “giờ này là giờ ngủ, tại sao mình phải thức?”. Thế là mình nằm lăn qua lăn lại, bực tức, khó chịu, trằn trọc…
Sau đó, bác sĩ cho mình thuốc ngủ. Mình uống xong, vẫn thức từ 12 giờ đêm tới sáng.
Sau này, mình học cách dễ chịu với mọi thứ. Thế là giấc ngủ tự nhiên đến và diễn ra một cách trọn vẹn hơn.
Khi bạn ngủ với đủ thứ lo toan, buồn chán, hận thù… và mệt mỏi, bạn sẽ dễ giật mình, dễ nói mớ, dễ thức giấc… Những cảm xúc tiêu cực ấy được bạn ôm ấp trong giấc ngủ và sau một đêm, nó lại lớn lên thêm.
Vì vậy, mình sẽ không bất ngờ nếu bạn nói rằng: bạn hay thức dậy với sự mệt mỏi, với những nếp nhăn… bởi vì nó đã được hình thành từ cảm giác mệt mỏi, chán chường… trong suốt một đêm bạn ngủ.
***
Vì vậy, bao nhiêu tâm sự trong lòng, trước khi ngủ, hãy để nó sang một bên. Mình không kêu bạn quên nó, mình chỉ kêu bạn để nó sang một bên, để cơ thể này chỉ còn chính nó thôi. Bao nhiêu bộn bề mang trên cơ thể này, suốt một ngày đã đủ rồi. Bây giờ, hãy để nó sang một bên và ngủ với sự dễ chịu nhẹ nhàng.
Nếu cơ thể bạn khỏe mạnh, nó sẽ biết ngủ bao nhiêu là đủ. Khi đó, dù bạn có ngủ thêm, đầu óc bạn cũng sẽ ở trạng thái tỉnh táo và bạn chỉ có thể nằm đó.
Ngược lại, khi cơ thể bạn không khỏe mạnh, dù về mặt thể chất hay tinh thần… thì bạn đều sẽ uể oải và buồn ngủ.
Hoặc có khi, giấc ngủ của bạn sẽ bị rối loạn.
Vì vậy, trước khi tìm cách ngủ ngon bằng một ly bia, một ly rượu, một viên thuốc hoặc các biện pháp khác, bạn hãy tự hỏi mình: tâm trí này có thực sự dễ chịu chưa? Nó có cảm thấy trọn vẹn về thể chất lẫn tinh thần chưa? Cái đầu này, nó đã yên chưa? Hay nó vẫn còn nặng nề suy nghĩ?
Khi tinh thần của bạn thư thái, nhẹ nhàng… giấc ngủ tự nhiên sẽ đến.
Điều quan trọng là bạn có thể ngủ và thức một cách tự nhiên, để cơ thể bạn tự sữa chữa những lỗi nhỏ nhặt bên trong của nó. Nếu bạn cứ dùng thuốc hay cái này cái kia để can thiệp thì làm sao nó có thể sửa chữa? Một cái quạt hư, bạn phải đợi nó tắt và đứng yên, bạn mới sửa được. Bạn không thể sửa khi nó đang quay, phải không?
***
Nếu bạn nhìn vào cơ thể mình, bạn sẽ thấy nó là một sự sáng tạo tuyệt vời.
Bạn không cần làm gì nhưng tim của bạn vẫn đập, hơi thở của bạn vẫn diễn ra liên tục…, không phải sao?
Vậy, phải chăng, bản chất của cơ thể này chính là năng lượng? Và cội nguồn sáng tạo đang ở trong này, nó làm nên động lực để tim bạn đập nhịp nhàng ngay cả khi bạn không nhận ra điều đó. Ngay cả khi bạn ngủ, tim của bạn, phổi của bạn, gan của bạn, thận của bạn… vẫn đang hoạt động, nó luôn hoạt động một cách nhịp nhàng.
Vậy thì, cội nguồn sáng tạo này, nó đã làm nên sự sống của bạn, nó đã làm ra một “cỗ máy” hoàn hảo như vậy… lẽ nào nó lại không thể khắc phục một lỗi nhỏ?
Cho nên, với những lỗi nhỏ nhặt, cơ thể của bạn có thể tự chữa lành. Và đó là lý do mà giấc ngủ lại quan trọng ngang với thiền định. Lúc bạn thức, bạn bận rộn với tiền bạc, địa vị, thể diện… Có bao nhiêu khoảnh khắc trong ngày, bạn thực sự cảm nhận được mình? Bạn đang tồn tại nhưng bạn chỉ cảm nhận mọi thứ xung quanh, bạn không cảm nhận được bản thân này.
Một ngày nào đó, bạn nhận ra mình, bạn nhận ra bạn có hai bàn tay, có đôi mắt, có gương mặt này, có suy nghĩ này… bạn nhìn lại nó, bạn sẽ thấy mình khác hơn.
Nếu bạn vẫn không hiểu mình đang nói gì, vậy bạn hãy làm thí nghiệm nho nhỏ này:
Bạn hãy để ý hơi thở của bạn. Hãy ngưng đọc bài này và để ý hơi thở của bạn thôi. Sau vài giây hãy đọc tiếp.
.
.
.
.
.
Có phải khi mình bảo bạn hãy để ý hơi thở của bạn, và bạn chú ý vào nó… thì bạn đang thở thủ công không?
Thở thủ công nghĩa là bạn đang chủ động hít vào và thở ra. Bạn làm lại thử xem, có phải như vậy không? Bình thường thì bạn thở tự động, bạn không có ý hít vào và thở ra nhưng bạn vẫn thở tốt, phải không? Khi mình bảo bạn chú ý vào hơi thở, bạn bắt đầu cố gắng thở và có vẻ, hơi thở của bạn khó khăn hơn, phải không?
Rõ ràng, cơ thể này đã là một “cỗ máy” hoàn hảo và tinh tế. Nhưng rồi, tâm trí của con người đã làm nó mất đi sự tinh tế đó, phải không? Khi bạn bắt đầu chú ý vào hơi thở, bạn bắt đầu nghĩ rằng thở nghĩa là “hít vào” và “thở ra”. “Hít vào” là hít không khí qua lỗ mũi, rồi “thở ra” là thở không khí ra, qua lỗ mụi… Khi bạn nghĩ như vậy, tự nhiên hơi thở của bạn sẽ có gì đó trục trặc, không tự nhiên… Cho nên đây là sự vô dụng của tâm trí. Khi tâm trí bạn chứa đầy những kiến thức mà bạn đã được học, nó sẽ máy móc gán những kiến thức đó vào cuộc sống. Và thế là trục trặc. Cuộc sống này vô cùng linh động trong khi kiến thức là cố định. Kiến thức chỉ giúp bạn cảm thấy yên tâm và giải quyết được một số vấn đề trong cuộc sống… Kiến thức không thể giúp bạn lĩnh hội những chiều hướng mà bạn chưa biết.
Vậy nên, cơ thể này là một kho năng lượng và là một cỗ máy tinh vi. Nếu bạn có thể truy cập vào nó, bạn có thể sửa chữa rất nhiều lỗi nhỏ và không cần dùng đến thuốc hay các biện pháp khác. Ở đây, vì sao nói rằng cơ thể bạn có thể tự sữa chữa một số lỗi nhỏ?
Vì nếu nói rằng cơ thể này có thể tự chữa lành tất cả bệnh tật thì nhiều người sẽ bỏ thuốc, bỏ ăn… hoặc có những ý nghĩ điên rồ. Không, có những loại bệnh cần sự can thiệp, hỗ trợ từ thuốc men, thậm chí là phẫu thuật…
Bạn không thể ngồi niệm chú để quên cơn đói và bạn không thể chữa bệnh viêm ruột thừa bằng niềm tin. Nếu bị viêm ruột thừa, bạn phải đi phẫu thuật. Bạn chỉ có một mạng thôi, xin đừng mạo hiểm!
Vì vậy, cơ thể này có thể sửa chữa một số lỗi nhỏ. Những lỗi nhỏ đó đa phần là về tinh thần, chẳng hạn như: mất ngủ, trầm cảm, mệt mỏi, buồn chán, lão hóa sớm… và một số trục trặc của hệ thống bên trong.
Cuối cùng, sau khi đọc bài này, mình muốn bạn làm một điều:
Tối nay, trước khi ngủ, bạn hãy nằm xuống một cách thoải mái nhất.
Và bạn hãy tự hỏi mình:
Cơ thể này là tôi đã ăn uống và lớn lên.
Tâm trí này, với những suy nghĩ này cũng do tôi tích lũy từ nhỏ đến giờ.
Những giây phút hạnh phúc và đau khổ vừa qua… cũng là tôi đã thu thập được.
Vậy, cái gì mới là tôi? Tôi thực sự là như thế nào?
Khi bạn đủ đau khổ để bật ra câu hỏi này, khi bạn thực sự cảm thấy đau khổ với sự thiếu hiểu biết của mình, về chính mình, bạn sẽ khóc suốt đêm.
Không, bạn đừng khóc.
Hãy vui vì bạn đang bước trên con đường tìm lại chính mình.
Và hãy ngủ với sự dễ chịu, thanh thản từ sâu bên trong mình. Sau một đêm, bạn sẽ thấy cơ thể mình mới lạ khác thường. Và ngày mai, bạn sẽ thức dậy với sự mới mẻ lớn lao như vừa mới được sinh ra.
***
Chào bạn. Mình là Nhi, người viết bài này, cũng là admin của kênh Youtube Phụng Nghi Đồng Tuyết Nhi.
Bạn có thể liên hệ mình qua sdt 0979 254 124.
Bạn cũng có thể thưởng cho mình ly sữa để tiếp tục viết văn qua stk Agribank 1800 259 157 122 (Đồng Tuyết Nhi).
Cảm ơn bạn.