Nhiều người ngại nói đến tiền bạc vì cho rằng nó làm mất đi sự thanh cao…
Nhưng nếu bạn là một người tử tế, siêng năng, lại biết quản lý nội tâm và cẩn trọng trong từng bước, vậy thì nếu bạn giàu có, điều đó có gì sai?
Bạn càng giàu có thì càng tốt chứ sao!
Đó là cái kết đẹp. Không có lý do gì để bạn không nhận thành quả đó!
Ai đã ra quy định rằng bước vào con đường tâm linh thì không thể giàu?
Không có ai cả. Các tôn giáo chỉ khuyên bạn không nên mê luyến của cải vật chất, nhưng bạn lại nghĩ rằng nếu giàu có thì khó tu hành, vì không mê của cải vật chất thì làm sao giàu!
Rõ ràng, bao nhiêu năm qua, chúng ta đã KHÔNG THÀNH THỰC.
Bởi vì có rất nhiều người giàu có nhưng họ không hề mê luyến của cải vật chất. Họ dùng sự giàu có của mình để giúp đỡ người khác, họ thanh thản với sự giàu có của mình.
Ngược lại, cũng có nhiều người bố thí, xuất gia, rời bỏ gia đình để tu hành… nhưng lòng tham vẫn là vô đáy.
Đức Phật trước kia đã từ bỏ được ham muốn trong tâm trí mình, sau đó, ngài ấy mới từ bỏ vật chất.
Vì vậy, dù Đức Phật không rời hoàng cung thì ngài ấy vẫn giác ngộ thôi, bằng cách này hay cách khác.
Chúng ta thì làm ngược lại.
Chúng ta chủ trương từ bỏ vật chất, nhưng liệu chúng ta có bỏ được những ham muốn trong tâm trí mình?
Điều tương tự cũng đã xảy ra khi con người cho rằng kinh nguyệt và tình dục là dơ bẩn. Người ta tránh nhắc đến vì sự nhạy cảm mà không nhận ra rằng: càng chối bỏ, tâm trí họ lại càng ám ảnh về tình dục.
Bao nhiêu bê bối đã xảy ra cũng chỉ vì cái nhìn méo mó và thái độ không thành thực.
Rõ ràng, chối bỏ bản tính người không phải là cách để tồn tại giữa cuộc đời này. Thánh nhân cũng cần ăn để sống. Nếu bạn chỉ ngồi thiền mà không nấu cơm thì bạn sẽ bị đói!
Đừng nghĩ đến chuyện giác ngộ xa vời khi ngay cả bữa ăn, bạn cũng không lo được! Cuộc sống này thực tế đến vậy!
Ngay cả những bậc giác ngộ, họ vẫn cần ăn để sống. Có thể họ sẽ ăn ít hơn bạn, nhưng họ vẫn cần ăn để duy trì cơ thể vật chất này. Khi bạn đang ở trong một dạng nào đó, bạn phải chấp nhận một số hạn chế nhất định của thể đó. Không có cách nào khác.
Và nếu bạn có một đứa con, bạn sẽ muốn nó thoải mái tu hành với của cải sung túc hay bạn muốn nó đi theo con đường khổ hạnh? Hãy trả lời thành thực.
Thế giới sẽ không tốt đẹp hơn nếu bạn cứ kéo mọi người vào những niềm tin sáo rỗng mà quên đi khía cạnh cơ bản hàng ngày.
Thế giới chỉ tốt đẹp hơn khi người thợ điện làm tốt công việc của họ và làm một cách vui vẻ; người chủ cửa hàng làm ăn phát đạt và vui vẻ; người lao công làm việc siêng năng và vui vẻ…
Họ thậm chí chẳng cần ngồi tưởng niệm hay tụng kinh.
Nếu họ luôn có được sự thư thái, vui vẻ trong công việc và cuộc sống, họ sẽ chẳng cần một thiên đường nào cả.
Thiên đường và hạnh phúc đã ở đây rồi!
***
Vì vậy, vấn đề đặt ra là: làm sao để chúng ta trở thành một con người trọn vẹn: bình phàm mà vẫn phi phàm, rất con người nhưng cũng rất đỗi thiêng liêng!
Tôi muốn bạn bước đi trên con đường tâm linh mà vẫn tỉnh táo thực tế, sống hạnh phúc với mọi người… chứ không phải đắm chìm trong những triết lý cao siêu và rồi đánh mất thực tại!
Đừng nghĩ nghèo khổ mới tu được! Không!
Cái nghèo thường kéo theo rất nhiều bi kịch.
Dù bạn có tĩnh tâm đến mức nào thì khi bạn đang ngồi thiền, con của bạn cũng sẽ kéo áo bạn. Vợ của bạn sẽ lải nhải bên tai, khua nồi gõ chén. Chủ nhà trọ sẽ gõ cửa. Khi đó, bạn vẫn ngồi thiền?
Vì vậy, điều đầu tiên, bạn cần xác định đúng đắn con đường của mình.
Tôi sẽ bước vào con đường tâm linh. Tôi sẽ tu dưỡng thân tâm, cẩn trọng hơn trong mỗi quyết định của mình. Cuộc sống của tôi sẽ tốt hơn. Gia đình của tôi sẽ hạnh phúc hơn.
Điều quan trọng là: tôi không lệ thuộc vào tiền. Tôi không mong cầu của cải nhưng nó sẽ đến, bởi vì nó là hệ quả tất yếu. Nhưng ngay cả khi có rất nhiều tiền, tôi cũng không lệ thuộc vào tiền! Tôi phải làm được điều đó, nếu không thì tôi đã đi sai đường.
Bạn phải xác định rõ ràng như vậy.
Bởi vì khi bạn có được sự sáng suốt, tỉnh táo trong công việc; khi bạn có được sự hạnh phúc, thư thái trong tâm hồn; khi bạn có được sự khôn ngoan trong cuộc sống, trong cách đối nhân xử thế; có lý gì bạn lại không giàu?
Nó sẽ là hệ quả tất yếu. Nó không phải mục tiêu nhưng nó sẽ là phần thưởng. Ngay cả khi bạn không hướng đến của cải, của cải vẫn đến.
Ví dụ, bạn sống vui vẻ, hòa nhã nên mọi người thích bạn. Thỉnh thoảng có đồ ăn, họ sẽ cho bạn một ít. Đó không phải là của cải sao? Nó là như vậy đó.
Vì vậy, miễn là bạn làm ăn chân chính và việc bạn làm giúp nâng cao cuộc sống, nhận thức của mọi người; bạn làm nó với niềm vui và sự cố gắng chứ không phải tham vọng… thì đó đã là tuyệt vời rồi!
Điều quan trọng là: khi mất mát, bạn không đau khổ sầu lụy.
Bạn không bị vướng bận vào tiền bạc khi nó đến và cả lúc nó đi.
Đừng nghĩ tâm linh phải là cái gì đó ảo diệu siêu nhiên, tách rời cuộc sống.
Tâm linh thực sự là hiểu chính mình, hiểu bản chất của thế giới này.
Cơ thể này và của cải vật chất này, dù chỉ là giả tạm nhưng nó cũng có giá trị riêng của nó. Bạn không tôn thờ nhưng cũng đừng chối bỏ.
Nếu bạn chối bỏ xác thân và vật chất đã nuôi dưỡng bạn thì đó là thái độ vong ân!
***
Vì vậy, hãy thay đổi cuộc sống của mình theo cách mà ngày mai, khi nhìn vào gương, bạn sẽ thấy một gương mặt tươi tắn hạnh phúc chứ không phải một gương mặt sầu khổ!
Cảm xúc của bạn không còn bị lệ thuộc vào tiền bạc hay bất kỳ ai!
Khi bạn có một tầm nhìn rộng, nó sẽ mang lại cho bạn một cảm giác mới về cuộc sống.
Và bạn chợt nhận ra: có một cái gì đó cao hơn chính mình, rộng lớn hơn chính mình trong cơ thể này.
Bạn đã bước vào tâm linh thực sự.