Gút (thống phong, gout) là căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Vậy, gút là gì và cách điều trị như thế nào?
Nội dung chính ⇒
Gút (gout) là bệnh gì?
Một ngày nọ, bạn chợt phát hiện ngón chân cái của bạn đau rát và nóng như lửa đốt. Sau khi nhìn kĩ, bạn phát hiện nó bị sưng phồng, đỏ ửng và có cảm giác nặng nề không chịu đựng nổi.
Vâng, bạn đã bị cơn gút cấp tính (dạng mới phát, đột ngột sưng đau). Bệnh này thường xảy ra vào ban đêm và thường sưng đau ở ngón chân cái, khớp bàn chân, mắt cá chân, bàn tay, đầu gối…
Bệnh gút (gout) có nguy hiểm không?
Bệnh gút không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây đau đớn, khó chịu cho người mắc phải. Vì vậy, chúng ta cần điều trị càng sớm càng tốt.
Nếu không điều trị sớm, bệnh sẽ biến chứng thành viêm khớp mãn tính và hình thành các sạn urate dưới da (hay còn gọi là các cục tophi).
Ngoài ra, một số bệnh nhân còn có thể bị biến chứng sỏi thận, tàn phế, suy chức năng thận…
Vì sao mắc bệnh gút? Nguyên nhân gây ra bệnh gút
Khi axit uric trong máu của chúng ta tăng quá mức, chúng sẽ lắng đọng thành các tinh thể sắc nhọn bám vào khớp và gây ra sưng – nóng – đỏ – đau. Đó là bệnh gút.
Vậy, tại sao lại có sự tăng axit uric quá mức?
Bạn biết đấy, trong cơ thể chúng ta luôn có một lượng purine nhất định (do cơ thể tự tạo và do hấp thụ từ thức ăn).
Chất purine này quan trọng với chúng ta vì nó là cơ sở cấu tạo nên DNA và RNA. Chính vì vậy, cơ thể của hầu hết các sinh vật khác trên trái đất (thực vật, động vật, con người…) cũng đều có purine. Nói cách khác, các thức ăn mà chúng ta ăn hàng ngày hầu như đều chứa purine (ít hoặc nhiều).
Tuy nhiên, với các purine có trong thức ăn thì cơ thể chúng ta không thể hấp thụ trực tiếp mà phải đưa cho gan chuyển hóa. Quá trình chuyển hóa này sẽ tạo thành một sản phẩm phụ là axit uric – đây là cái tên quen thuộc ám ảnh các bệnh nhân gút.
Thực ra, ở trạng thái bình thường, các axit uric này sẽ được cơ thể thải ra ngoài cùng nước tiểu. Tuy nhiên, khi chúng ta ăn quá nhiều thức ăn giàu purine (như thịt, cá, cua, tôm, sò, nội tạng động vật…) thì lượng purine sẽ rất cao (và tất nhiên, axit uric được thải ra từ quá trình chuyển hóa purine cũng rất cao). Lúc này, thận phải làm việc rất vất vả để thải axit uric dư thừa ra ngoài qua đường tiểu.
Khi quá trình này diễn ra trong thời gian dài, thận sẽ suy, axit uric sẽ không được thải hết và chúng sẽ lắng đọng lại thành dạng tinh thể. Các tinh thể này bám quanh khớp xương và vì chúng rất sắc nhọn nên sẽ gây viêm sưng, đau đớn (đây cũng là dấu hiệu của bệnh gút).
Ngoài nguyên nhân trên (ăn nhiều thực phẩm chứa purine) thì bệnh gút còn hình thành do:
- Di truyền.
- Giới tính: Nam giới thường bị gút nhiều hơn phụ nữ (với phụ nữ thì bệnh gút thường xảy ra ở độ tuổi sau mãn kinh).
- Do dùng thuốc: Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ bị gút như thiazide, aspirin liều thấp và cyclosporine…
- Do đang mắc một số bệnh khác: Những bệnh nhân tiểu đường, béo phì, máu nhiễm mỡ, tăng huyết áp, hẹp lòng động mạch,… và bệnh nhân ung thư đang hóa trị có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn.
- Do uống bia và rượu: Với nam giới, nếu uống hơn 2 cốc mỗi ngày thì nguy cơ mắc bệnh gút sẽ cao hơn. Với nữ giới, uống hơn 1 cốc mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút.
Bệnh gút (gout) có chữa trị được không?
Bệnh gút có thể chữa được nhưng dễ tái phát. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều cách để ngăn bệnh này tái phát, đặc biệt là bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt.
Cách điều trị bệnh gút – người bị bệnh gút nên ăn gì?
Với trường hợp gút cấp tính được phát hiện sớm, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc uống (hoặc qua đường tiêm) để làm giảm lượng axit uric trong máu.
Ngoài ra, các bệnh nhân cũng cần thực hiện chế độ ăn uống phù hợp để hỗ trợ điều trị gút và giảm nguy cơ tái phát.
Cụ thể như sau:
- Giảm cân (nếu bạn đang béo phì, thừa cân). Mục đích: Làm giảm áp lực cân nặng lên các khớp và giảm axit uric có trong máu. Lưu ý: Giảm cân từ từ, khoa học, không được nhịn đói vì như thế sẽ càng làm tăng axit uric.
- Hạn chế thức ăn chứa nhiều đạm động vật vì chúng chứa rất nhiều purine (như cá trích, cá thu, nội tạng động vật: gan, thận, lá lách…).
- Hạn chế bia rượu và cà phê (nhất là bia) và tốt nhất là không nên uống.
- Uống đủ nước để hỗ trợ quá trình đào thải axit uric (mỗi ngày, mỗi người trưởng thành nên uống khoảng 1,5 lít nước và nên chia thành nhiều lần uống).
- Tăng cường rau xanh và trái cây nhưng hạn chế những loại có vị chua.
Lưu ý: Người bị gout không được ăn rau mồng tơi, đậu rồng và dọc mùng (tức cây bạc hà theo cách gọi của người Nam Bộ – loại cây có bẹ lá to xốp như cây khoai môn).
Thông tin thêm: Bệnh “giả gout” là gì?
Ngoài bệnh gút thì còn có một bệnh khác gọi là “giả gút”. Bệnh này có đặc điểm như sau:
- Cũng gây sưng viêm và đau nhức khớp nhưng thường là ở các khớp lớn như khớp gối.
- Đau từ từ và ít trầm trọng như bệnh gút cấp tính.
- Bệnh này do sự lắng đọng tinh thể calcium pyrophosphate dihydrate (chứ không phải do lắng đọng axit uric). Vì vậy, cách điều trị cũng khác so với bệnh gút.
Tham khảo thêm – Purine là gì?
Purine là sản phẩm phụ được tạo ra từ quá trình chuyển hóa protein (có trong thức ăn) và là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng, dư thừa lượng axit uric trong máu. Khi axit uric dư thừa lâu ngày thì chúng sẽ kết tụ và gây ra các biểu hiện của bệnh Gút.
Được biết, nhiều động vật và thực vật đều có chứa purine. Vì vậy, lựa chọn của chúng ta là tránh những thức ăn giàu purine như:
- Cá thu, trứng cá, cua, cá mòi, cá trích, thịt động vật rừng, nội tạng động vật (gan, tim, mề…), sò điệp, nước sốt từ thịt và các sản phẩm có chiết xuất từ thịt.
- Cải bó xôi, bông cải (súp lơ), măng tây, các loại nấm (nấm rơm, nấm đông cô…).
Riêng với trứng (trứng gà, trứng vịt) thì chúng chứa nhiều chất đạm nhưng có lượng purine thấp.
Xem thêm: Các vị thuốc Nam dễ tìm giúp trị Bệnh Gout tại nhà
Tư liệu tổng hợp
- Nhiều tác giả, Bác sĩ tốt nhất là chính mình, tập 6, NXB Trẻ.
- Lisa Hark, Ph.D.&Dr. Darwin Deen, Thực phẩm khéo dùng nên thuốc, NXB Phụ nữ.
Từ khóa: cách trị bệnh gút