Trong “Thần kỳ bí phổ” (thời nhà Minh) có đoạn nói về cổ cầm như sau:
“Cổ cầm là vật do thánh nhân làm thành… là linh khí của trời đất, là thần vật của đời thái cổ…, là vật để người quân tử tu dưỡng chính mình”.
Vì vậy, muốn chơi cổ cầm được hay thì cầm nhân phải có nội hàm, giữ tâm ngay thẳng, không có tà niệm.
Đối với người xưa, chơi cổ cầm là để nuôi dưỡng vẻ đẹp cao quý của trí tuệ, để kết nối với tự nhiên và thần linh.
Cảnh giới của chơi cầm chính là “thiên – địa tương thông”, “cầm – nhân hợp nhất”.
Vì vậy, có thể nói cổ cầm là loại nhạc cụ hướng nội, giúp con người tìm hiểu sâu hơn về bản thể của mình.
Cũng vì thế mà người xưa đã đặt ra những điều cấm kỵ (như một lời khuyên) để thú vui cổ cầm không bị mai một và có thể trở thành phương tiện tu dưỡng, xiển dương đạo đức.
Trong đó, có “lục kỵ” là 6 điều kiêng kị khi chơi cổ cầm, bao gồm:
- Đại hàn (thời tiết lạnh rét)
- Đại thử (thời tiết nóng bức)
- Đại phong (khi gió lớn)
- Đại vũ (khi mưa lớn)
- Tấn lôi (khi sấm chớp)
- Đại tuyết (khi tuyết đổ, bão tuyết)
Nghĩa là, cầm nhân chỉ chơi đàn khi thời tiết êm hòa, khoáng đạt, mát mẻ…, mục đích là để dây đàn và tiếng đàn không bị ảnh hưởng bởi thời tiết (ngày xưa cổ cầm được làm bằng dây tơ nên rất nhạy với độ ẩm).
Ngoài ra, tránh các điều kiêng kị trên còn để tâm người chơi không bị quấy nhiễu bởi hoàn cảnh bên ngoài.
Ngoài ra, trong chơi cầm còn có “thất bất đàn” là 7 trường hợp không đàn, đó là:
- Nghe tin có đám tang
- Khi xung quanh tấu nhạc ồn ào
- Khi xung quanh bon chen, lộn xộn
- Khi cơ thể không sạch sẽ
- Khi trang phục không ngay ngắn, chỉnh tề
- Khi không có hương đốt
- Khi không có người biết thưởng đàn (không có tri âm)
Có thể thấy, 7 điều trên có đôi chỗ còn nghiêm khắc, chẳng hạn như phải đốt hương thì mới chơi đàn, phải có người tri âm thì mới gảy đàn. Thực ra, việc chơi đàn có khi là tự mình thưởng thức, giải bày tâm tình, cho nên không có tri âm cũng chẳng sao vì mình đã là tri âm của mình rồi. Còn việc đốt hương, thiết nghĩ nếu có thì sẽ tạo bầu không khí hợp với cổ cầm hơn, giúp tinh thần người chơi thư thái; ngược lại, nếu không có thì cũng chẳng sao.
Người chơi đàn, có khi thích những chốn non xanh nước biếc, có khi thích thư phòng tĩnh lặng, điền viên. Miễn là không gian xung quanh đủ thanh tịnh, trong lòng đủ thanh tịnh thì đã có thể chơi rồi!
Tản mạn về cổ cầm và cầm nhân
Ngày xưa, không ít các hiền nhân quân tử nổi tiếng với tài chơi cổ cầm (như Khổng Tử, Bá Nha, Bá Ấp Khảo, Kê Khang…).
Bên cạnh đó, cũng có không ít tuyệt phẩm cổ cầm còn lưu lại đến ngày nay mà khi nhắc đến thì không thể bỏ qua những cái tên như Quảng Lăng tán, Lưu thủy, Bình sa lạc nhạn, Mai hoa tam lộng, Ly tao…
Và mỗi khúc nhạc bao giờ cũng có một câu câu chuyện riêng. Ví như Quảng Lăng tán, không phải đến đời Kê Khang là thất truyền, mà là sau khi Kê Khang chết đi thì không còn ai có thể đàn khúc ấy hay như Kê Khang nữa (Quảng Lăng tán đã được sáng tác từ trước đó và Kê Khang là người nâng nó lên thành một thiên tuyệt cầm)!
Ngày nay, người ta vẫn còn nhắc đến câu chuyện Kê Khang bị hãm hại, thế nhưng, trước pháp trường, ông vẫn thản nhiên diễn tấu bài Quảng Lăng tán khiến cho trời đất cũng phải cảm động.
Ngày nay, số người yêu thích cổ cầm tại Trung Quốc vẫn khá đông và ở Việt Nam cũng dần dần tăng lên. Những khúc nhạc cổ cầm từ xưa lại được tấu lại bằng những cảm hứng riêng.
Và người chơi cầm thì nhiều, song người có thể chơi đến mức điêu luyện thì rất ít ỏi, ví dụ như danh cầm Quản Bình Hồ (1879 – 1967) – người được xem là cầm nhân giỏi nhất thế kỷ 20. Tiếng đàn của ông là tinh hoa của nhân loại, đã được thu âm và gửi vào vũ trụ, đánh dấu cho chặng đường phát triển của cổ cầm cũng như gửi lời cảm ơn của nhân loại đến trời đất, đến các bậc tiền nhân.
Ở nước ta, tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có một nhóm cổ cầm đã hoạt động bài bản từ nhiều năm nay. Những buổi giao lưu cổ cầm, dạy chơi cổ cầm đã được tổ chức, thu hút nhiều người đam mê thể loại âm nhạc này (đặc biệt là các bạn trẻ).
Nhìn chung, cho đến thời điểm hiện đại, cổ cầm vẫn chưa thực sự phổ biến như các loại đàn tranh, đàn guita, đàn tỳ bà… Tuy nhiên, bằng đam mê, những người chơi cầm vẫn tự học qua Internet, qua sách vở, qua những người đi trước, có người còn sang tận Trung Quốc, Đài Loan… để học hỏi (thậm chí là sản xuất cổ cầm để bán ngược lại cho người Trung Quốc).
Điều cuối cùng là, các cầm nhân thường không quan tâm đến sự nổi tiếng, cũng như không quan trọng việc biểu diễn trước đám đông. Họ thường thích sự tĩnh lặng, đi tìm không gian yên tĩnh, non xanh nước biếc, vắng vẻ thư phòng… để đàn cho mình và bạn tri âm cùng nghe, cùng tĩnh tâm và tu dưỡng.
Cầm nhân cứ thế, đeo cổ cầm trên lưng, ung dung hành trình trải nghiệm bản thân, trải nghiệm làm người!
Xem thêm: Cổ cầm giá bao nhiêu, có bao nhiêu kiểu dáng và ý nghĩa của các dây đàn