Người ta gọi loãng xương là “bệnh thầm lặng” vì khi chúng ta phát hiện ra thì bệnh cũng đã nặng rồi. Hậu quả lớn nhất của loãng xương mà ai cũng sợ, đó là chỉ cần một va chạm nhẹ thôi, xương cũng đã bị gãy, trong y học gọi là “gãy xương không do chấn thương”.
Ngày nay, không chỉ người già mà nhiều người trẻ cũng bị loãng xương, đặc biệt là phụ nữ.
Nội dung chính ⇒
Loãng xương là gì?
Loãng xương là tình trạng mật độ các khoáng chất trong xương (như Can xi, Ma giê, Kẽm…) trở nên thưa hơn (khiến cho xương xốp, giòn, yếu, dễ gãy…).
Biểu hiện, hậu quả và tác hại của bệnh loãng xương
“Gãy xương” là tác hại đáng sợ nhất của bệnh loãng xương nhưng trên thực tế, căn bệnh này còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác nữa, chẳng hạn như:
- Khiến lưng còng, chân cong.
- Làm vóc dáng nhỏ lại, thấp xuống.
- Dễ hư răng, sâu răng, răng rụng sớm.
- Khả năng chống đỡ của xương kém đi và dễ gãy dù chỉ chấn thương nhẹ (để lại thương tật).
- Gãy cổ tay, gãy khớp háng, cong vẹo cột sống…
- Đau nhức cột sống, đau vùng xương chậu.
Vậy, những lý do gì khiến cho căn bệnh loãng xương ngày càng tăng?
Vì sao bị loãng xương?
Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng các nguyên nhân sau đây sẽ gây loãng xương:
- Ít vận động (khiến cho xương không được kích hoạt chức năng nâng đỡ cũng như khả năng tái tạo tế bào xương).
- Hút thuốc lá, uống rượu, cà phê…
- Thiếu khoáng chất (như Can xi, Ma giê, Kẽm, Ma giê…), đặc biệt là Can xi và vitamin D – chất giúp cơ thể hấp thụ Can xi.
- Thiếu nội tiết tố nữ estrogen (nên phụ nữ mãn kinh rất hay bị gãy xương).
- Do uống lâu dài những loại thuốc có tác dụng phụ gây loãng xương như thuốc lợi tiểu, thuốc chống động kinh, Corticoi, Heparin…
- Do di truyền.
Cách phòng ngừa và làm chậm quá trình loãng xương
Khung xương có vai trò rất quan trọng đối với vóc dáng và hoạt động sống của con người. Vì vậy, cách tốt nhất chính là phòng tránh loãng xương trước khi nó xảy ra.
Các nguyên tắc phòng ngừa loãng xương bao gồm:
- Bổ sung thức ăn giàu Can xi như cua, tôm, tép, đậu nành, mè, bông cải xanh… Lưu ý: Không nên ăn quá nhiều chất đạm vì nếu ăn thừa đạm thì sẽ làm giảm sự hấp thu Can xi.
- Bổ sung vitamin D vì vitamin này hỗ trợ cơ thể hấp thụ Can xi. Cách bổ sung vitamin D: dùng các thực phẩm giàu vitamin D như lòng đỏ trứng gà, cá trích, cá hồi, nước ép cam, sữa đậu nành… hoặc tắm nắng đúng cách để ánh nắng kích thích cơ thể sản xuất vitamin D.
- Ăn nhiều trái cây, giá đậu và rau xanh để bổ sung các khoáng chất tự nhiên cần thiết cho xương (đặc biệt là bắp cải, dưa leo, cà chua…). Bổ sung Kẽm và Ma giê nếu thấy cơ thể có dấu hiệu thiếu hai chất này (qua viên uống bổ sung hoặc qua thức ăn). Được biết, khi cơ thể thiếu Kẽm, da mặt sẽ nhiều dầu nhờn và mụn trứng cá hơn.
- Siêng năng vận động hơn, tránh để béo phì và cũng tránh để cơ thể quá gầy.
- Hạn chế cà phê vì cà phê làm tăng sự bài tiết Can xi.
- Hạn chế bia rượu và các thức uống chứa cồn vì chất cồn làm ảnh hưởng xấu đến khả năng hấp thu Can xi của ruột.
- Hạn chế hút thuốc lá vì hút thuốc lá làm tăng nguy cơ loãng xương và làm xương khó phục hồi khi bị gãy.
- Với phụ nữ, không nên để bản thân trầm cảm vì khi trầm cảm thì cơ thể sẽ sinh ra cortisol – chất này làm giảm lượng khoáng chất trong xương (làm giảm mật độ xương ở vùng hông và vùng cột sống).
Một số món ăn, bài thuốc phòng chống loãng xương
Có nhiều món ăn, bài thuốc giúp xương chắc khỏe, chẳng hạn như:
1. Món mộc nhĩ – đường phèn
Món này hợp với những bệnh nhân loãng xương thể âm hư nội nhiệt (có các triệu chứng như hay sốt nhẹ vào buổi chiều, người gầy yếu, hay nhức đầu, chóng mặt, ù tai, táo bón và có cảm giác như nóng trong xương, nóng trong lòng bàn tay và bàn chân).
Thành phần: 15 g mộc nhĩ đen (tức nấm mèo), 15 g mộc nhĩ trắng (tức nấm tuyết) và 10 g đường phèn.
Cách dùng: Ngâm nở hai loại nấm trên, cắt bỏ chân nấm rồi thái sợi mỏng, sau đó nấu cho chín nhừ rồi cho đường phèn vào, để ăn trong ngày.
2. Món canh tôm nõn củng cố hệ thống xương
Thành phần: 50 g tôm nõn, 1 cái trứng gà và 200 g hẹ.
Cách dùng: làm sạch từng nguyên liệu rồi lấy hẹ nấu canh với tôm, khi tôm chín thì đập trứng gà vào và nêm gia vị cho vừa ăn (ăn lúc còn nóng).
3. Cao thuốc Bắc củng cố xương
Thành phần: 2,5 kg quả dâu tằm chín, 50 g hoàng tinh, 50 g thục địa, 50 g hoài sơn (củ mài) và 100g thiên hoa phấn.
Cách dùng: Trước tiên, bạn rửa sạch dâu tằm, giã nát, ép lấy nước. Tiếp theo, lấy các vị thuốc còn lại nấu thật kỹ cho đến khi nước rút còn khoảng 0.5 lít thì chắt nước ấy ra và hòa với nước ép dâu tằm. Sau đó, bạn đem hỗn hợp nước ấy nấu lên, vặn lửa nhỏ cho đến khi cô đặc thành dạng cao thì tắt bếp, cho vào hũ thủy tinh để dùng dần (không đựng trong vật chứa bằng kim loại).
Liều lượng: Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần uống một muỗng canh.
Thông tin thêm – nên tắm nắng vào thời điểm nào?
Nếu có ý định tắm nắng để kích thích cơ thể sản xuất vitamin D (phòng thừa thiếu Can xi, loãng xương), bạn có thể tắm mỗi ngày 15 phút. Thời điểm thích hợp để tắm nắng là:
- Từ 4 – 6 giờ chiều, khi nắng yếu dần.
- Từ 6 giờ rưỡi – 7 giờ rưỡi sáng, khi nắng lên (nếu vào những ngày trời nắng trễ như mùa đông thì tắm nắng từ 7 h – 9 h sáng).
Lưu ý: Không tắm nắng lúc trời nắng gắt, không tắm nắng quá lâu (15 phút là đủ) và không nên dùng kem chống nắng.
Xem thêm: Cách trị “giời ăn” từ hạt đậu xanh
Tư liệu tổng hợp
- Nhiều tác giả, Bác sĩ tốt nhất là chính mình, tập 6, NXB Trẻ.
- Loãng xương là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, trang bệnh viện Thu Cúc.
- 4 thay đổi nhỏ giúp làm chậm quá trình loãng xương, https://caythuoc.org/4-thay-doi-nho-giup-lam-cham-qua-trinh-loang-xuong.html