Bạn có biết, từ xưa đến nay, bệnh tim mạch vẫn là căn bệnh gây tử vong nhiều nhất trên thế giới. Vậy, nó gồm những bệnh gì và người bị bệnh tim mạch nên ăn gì để cải thiện tình trạng bệnh?
Nội dung chính ⇒
Bệnh tim mạch bao gồm những bệnh gì?
Thật ra, bệnh tim mạch là tên gọi chung của nhiều dạng bệnh khác nhau thuộc về tim mạch như:
1. Tăng mỡ máu
Bệnh này dẫn đến hẹp mạch máu, tắc nghẽn động mạch, lâu ngày tạo thành các cơn đau thắt ngực và thiếu máu cơ tim.
Lời khuyên: Hạn chế ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo xấu, rượu bia…, nên ăn nhiều rau xanh.
2. Cao huyết áp
Bệnh này xảy ra khi huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg và huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg. Về lâu dài, nó sẽ dẫn đến các bệnh tim mạch khác.
Lời khuyên: Hạn chế các thức ăn nhiều muối hoặc quá mặn như nước mắm, nước tương… Hạn chế bia rượu, chất béo, nên ăn nhiều rau tươi, trái cây.
3. Bệnh mạch vành
Bệnh này xảy ra khi lòng động mạch quanh tim bị thu hẹp hoặc bị tắc nghẽn (do các khối xơ vữa tích tụ).
Tình trạng này sẽ ngăn cản lượng máu đến tim, dẫn đến đau thắt ngực và nghiêm trọng hơn là nhồi máu cơ tim.
Lời khuyên: Hạn chế bia rượu, tăng cường rau quả sạch, tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày khoảng 20 phút (không tập quá sức). Ngoài ra, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ xem có nên uống 1 viên aspirin liều thấp mỗi ngày không nhé!
4. Đau thắt ngực
Bệnh này xảy ra khi động mạch vành bị hẹp, làm cho tim không nhận đủ máu và oxy (do máu mang theo). Tình trạng này thường xảy ra khi người bệnh làm việc quá sức hoặc bị sốc, căng thẳng, lo sợ, tức giận…
Lời khuyên: Tránh các tình huống gây căng thẳng, hạn chế ăn các thực phẩm chứa chất béo, hạn chế làm việc quá sức…
5. Nhồi máu cơ tim
Bệnh này xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn.
Lời khuyên: Hạn chế thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo. Tăng cường axit béo omega 3 vì chất này tốt cho người mắc bệnh nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, bạn nên ăn nhiều rau tươi, trái cây tự nhiên.
6. Đột quỵ
Bệnh này xảy ra khi não bị tổn thương một phần nào đó. Tình trạng này là do:
- Thiếu máu não cục bộ (do lượng máu về não không đủ, gây thiếu oxy trong não và thiếu chất dinh dưỡng).
- Chảy máu trong não (do dòng máu về não bị vỡ đột ngột).
Sau đột quỵ, các bệnh nhân thường sẽ bị mất một số khả năng như: ghi nhớ, nói chuyện, cử động chân tay…
Lời khuyên: Tùy nguyên nhân gây ra mà có cách điều trị khác nhau. Riêng trường hợp những người có nguy cơ đột quỵ cao thì nên dùng thuốc chống đông máu theo hướng dẫn của bác sĩ.
7. Suy tim
Bệnh này xảy ra khi hiệu suất làm việc của tim suy giảm, khiến cho lượng máu được bơm không đạt yêu cầu để nuôi dưỡng cơ thể.
Lời khuyên: Hạn chế ăn thức ăn chứa muối, tránh căng thẳng thần kinh. Nếu người bệnh bị gầy ốm thì nên ăn thêm thức ăn giàu chất đạm (như các loại đậu…).
Những người dễ bị bệnh tim mạch
Người dễ bị bệnh tim mạch là người đang bị hội chứng chuyển hóa. Hội chứng này có các biểu hiện sau đây (nếu có 3 biểu hiện trở lên thì khả năng mắc bệnh của bạn là cao):
- Bị tiểu đường hoặc đường huyết lúc đói tăng cao (6,7 mmol/ lít máu).
- Cao huyết áp, huyết áp cao hơn 130/85 mmHg.
- Số đo vòng eo lớn hơn 88 cm (nữ) và 102 cm (nam).
- Lượng mỡ máu tốt trong cơ thể ở mức thấp.
- Lượng triglyceride trong máu là 2 mmol/ lít hoặc cao hơn.
Những người dễ bị bệnh mạch vành
Người dễ bị bệnh mạch vành là người đang mắc hội chứng chuyển hóa hoặc có 1 trong các dấu hiệu sau đây:
- Lượng mỡ xấu trong máu (LDL) cao hơn 3 mmol/ lít.
- Bị cao huyết áp.
- Lượng mỡ tốt trong máu (HDL) ở mức thấp.
- Gia đình có người bị bệnh tim mạch trước 55 tuổi (nam) và 65 tuổi (nữ).
- Bị bệnh tiểu đường.
- Đang hút thuốc lá.
- Đang bị béo phì.
- Bị tăng homocysteine hoặc tăng CRP (C-reactive protein).
- Bạn là người lớn tuổi (hơn 45 tuổi đối với nam và hơn 55 tuổi đối với nữ).
Bị bệnh tim mạch nên ăn gì?
Bệnh tim mạch phần nhiều là do ăn uống sai cách và lối sống lười vận động (hoặc vận động quá mức).
Vì vậy, với những người đang mắc bệnh tim mạch (hay có nguy cơ mắc bệnh) thì có thể tham khảo các gợi ý sau đây:
1. Ăn thêm các thức ăn từ đậu nành (như tàu hủ, sữa đậu nành…)
Theo FDA thì mỗi ngày, ăn một lượng vừa phải thức ăn làm từ đậu nành sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Lưu ý:
- Tránh dùng thức ăn từ đậu nành đã biến đổi gen.
- Hạn chế nêm quá mặn khi chế biến.
2. Giảm lượng homocysteine trong máu
Tăng homocysteine trong máu sẽ dễ dẫn đến hẹp lòng động mạch và xơ vữa động mạch.
Vì vậy, để giảm lượng homocysteine trong máu thì bạn nên bổ sung vitamin B6, vitamin B9 (axit folic) và vitamin B12 (có trong chuối, gạo lứt, cá thu…). Đây là các vitamin giúp biến homocysteine thành các chất khác (như axit amin methionine, cysteine…).
3. Ngưng bia rượu
Đây là điều quan trọng để phòng ngừa bệnh tim mạch. Riêng với rượu vang đỏ thì bạn có thể uống dưới 40 ml/ ngày, như thế sẽ giúp chống oxy hóa và bảo vệ tim mạch. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều thì sẽ gây tác dụng ngược: dễ bị cao huyết áp, đột quỵ, to tim…
4. Tăng cường thức ăn giàu chất xơ
Kết quả nghiên cứu cho thấy ăn chất xơ mỗi ngày sẽ giúp giảm lượng mỡ xấu trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Chất xơ có nhiều trong rau xanh, các loại đậu, gạo lứt còn nguyên cám, trái cây…
5. Giảm thức ăn chứa chất béo
Mỡ máu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh tim mạch và để giảm mỡ máu thì bạn cần giảm các thức ăn có nguồn gốc từ động vật như mỡ, thịt, lòng đỏ trứng, sữa, cá, nội tạng động vật như tim, gan, ruột…
Vì vậy, nếu bạn thích ăn trứng thì chỉ nên ăn lòng trắng trứng (không quá 2 lòng trắng mỗi tuần); nếu dùng dầu ăn để chiên xào thì nên chọn dầu hạt cải, dầu ô liu…; nếu bạn thích uống sữa thì nên hạn chế và chỉ chọn những loại sữa không béo, ít béo…
6. Có lối sống hợp lý, khoa học
Bên cạnh việc ăn uống thì chế độ sinh hoạt, làm việc cũng rất quan trọng trong phòng ngừa và điều trị bệnh.
Thứ nhất, hãy bỏ thuốc lá (nếu bạn đang hút).
Thứ hai, hãy giảm cân khoa học, chậm mà chắc (nếu bạn đang thừa cân, béo phì).
Thứ ba, tập thể dục nhẹ nhàng 20 phút mỗi ngày (chứ không phải tập quá sức, chạy quá sức… vì sẽ gây hại thêm).
Lưu ý: Nếu bệnh nhân bị đau thắt ngực thì hạn chế làm việc, tập thể dục quá sức (nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi chọn một phương pháp tập luyện nào đó).
Các nghiên cứu mới về bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch đã trở thành một trong những căn bệnh phổ biến nhất hiện nay. Số người chết vì tim mạch ngày càng nhiều, số người bị các di chứng, tai biến do bệnh tim mạch cũng tăng cao.
Vì vậy, những thông tin dưới đây sẽ giúp chúng ta có thêm cái nhìn về bệnh này, để phòng ngừa và điều trị hiệu quả hơn.
- Người từng bị bệnh tim mạch, nếu làm việc căng thẳng sẽ có nguy cơ tái phát gấp đôi (kết quả nghiên cứu tại Canada, trên 1000 người tham gia trong thời gian 6 năm).
- Những cặp vợ chồng sống không hạnh phúc, không hòa hợp, không thấu hiểu cho nhau… có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 34 % so với người bình thường (kết quả nghiên cứu của trường Đại học London).
- Những người bị suy giảm hoạt động của tuyến giáp có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.
- Những người hay phiền muộn, rầu lo, suy nhược cơ thể…, nếu không điều trị thì sau khi bị bệnh tim sẽ dễ bị tái phát hơn.
- Người bị tim mạch, nếu bị cả béo phì thì cần giảm cân bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống. Điều này sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch (kết quả nghiên cứu từ Đại học Y Massachusetts).
- Phụ nữ lớn tuổi, nếu sống trong cảm giác sợ hãi khoảng 6 tháng sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 3 lần, nguy cơ đột quỵ cũng cao gấp 3 lần (kết quả nghiên cứu từ bệnh viện Đa khoa Massachusetts).
- Thức ăn chứa nhiều chất béo, nếu đem chế biến với nhiệt độ cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch (vì chúng gây rối loạn tình trạng giãn mạch). Kết quả này được công bố từ các nhà nghiên cứu thuộc trường Y Sinai.
- Phụ nữ lớn tuổi, nếu uống nhiều viên uống bổ sung Canxi cũng sẽ dễ bị bệnh tim mạch hơn (đặc biệt là những phụ nữ trên 70 tuổi). Kết quả này được công bố bởi trường Đại học Auckland.
- Trong củ hành tây và rau hẹ có chứa nhiều hợp chất giúp giảm mỡ máu, giảm nguy cơ xơ cứng động mạch và làm sạch thành mạch.
- Thức sớm trước 5 giờ sáng không tốt như bạn nghĩ vì nó sẽ gây hại cho tim. Theo kết quả nghiên cứu từ Nhật Bản thì những người hay dậy sớm trước 5 giờ sáng sẽ có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn (như bệnh cao huyết áp, xơ cứng động mạch…). Vì vậy, tốt nhất là bạn nên thức dậy một cách tự nhiên.
Người bị tim mạch cần chú ý những chỉ số nào?
Bệnh tim mạch là tên gọi chung của nhiều bệnh khác nhau thuộc về hệ tim mạch, ví dụ như: cao huyết áp, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch…
Và với những người bị bệnh tim mạch thì có nhiều chỉ số cần quan tâm. Đó là:
- Huyết áp: Đây là chỉ số quan trọng cho biết áp lực của máu ở thành động mạch. Nếu huyết áp tâm thu từ 120 – 139 là hơi cao (và nếu lớn hơn 140 là cao).
- Chỉ số mỡ máu (cholesterol): nếu mỡ máu cao sẽ dễ dẫn đến xơ vữa động mạch và đột quỵ.
- Chỉ số BMI: chỉ số BMI lý tưởng là từ 18,5 – 24,9. Vì vậy, nếu chỉ số BMI của bạn cao hơn 25 thì bạn đã bị thừa cân, nếu trên 30 thì bạn đã bị béo phì, nếu trên 40 thì bạn đã quá béo phì và rất nguy hiểm vì nó sẽ dẫn đến nhiều bệnh khác. Cách tính chỉ số BMI: lấy cân nặng (số kg) chia cho bình phương chiều cao (số m). Ví dụ, bạn nặng 54 kg và cao 1,6 m thì bạn lấy 54 chia cho 1,6; sau đó lấy kết quả ấy chia tiếp cho 1,6 nữa thì sẽ ra 21,09… Số này nằm trong khoảng 18,5 – 24,9, vậy nên, người này có chỉ số BMI lý tưởng (không quá gầy cũng không quá béo).
- Chỉ số đường huyết: có nhiều căn bệnh liên quan đến bệnh tim, trong đó có bệnh tiểu đường.
- Chỉ số CRP (C-Reactive Protein): là chỉ số khá mới nên ít người biết. Tuy nhiên, sự xuất hiện của chỉ số này có liên quan đến chứng phình mạch máu và nhiều bác sĩ đã dùng nó để chẩn đoán nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Với người bình thường thì chỉ số CRP vào khoảng 1 mg/dL hoặc thấp hơn. Với những người có chỉ số CRP lớn hơn 1 thì có nguy cơ trung bình và nếu chỉ số này lớn hơn 3 thì người đó sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch khá cao. Hơn nữa, nếu trong nhà bạn có người từng mắc bệnh tim thì chỉ số CRP của bạn cũng có thể cao (do di truyền).
Tư liệu tham khảo
- Lisa Hark, Ph.D & Dr. Darwin Deen, Thực phẩm khéo dùng nên thuốc, NXB Phụ nữ, 2022.
Từ khóa: Bệnh tim mạch nên ăn gì?
Xem thêm: Tăng huyết áp nên ăn gì?