Hôm nay, có người đàn ông lạ chạy xe ngang nhà tôi. Trên xe là mùng mền lỉnh kỉnh lắc lư, hoa văn đủ kiểu.
Thật ra, đường vào nhà tôi rất khó đi nên bao năm nay, xe bán hàng chạy vào rất ít.
Thỉnh thoảng, có chú bánh mì chạy vào một đoạn xem có bán thêm được ổ nào không, xong thì cũng chạy ra.
Hiển nhiên, lâu lâu chú cũng bán được một vài ổ cho nhà tôi.
Cũng không biết phải nói thế nào. Mua thì lần sau chú lại tốn công chạy một đoạn khúc khỉu chỉ để bán cho nhà tôi. Còn không mua thì cứ ngồi nghe tiếng xe rao đều đều rồi nhỏ dần, biến mất.
Tiếng xe không ngắt quãng nghĩa là không có ai kêu ghé cả.
***
Tôi thích nghe tiếng rao hàng trên sông, tiếng rao hàng trên bờ. Tiếng rao dõng dạc, ấm áp; cất lên một lúc rồi im, rồi lại cất lên.
Tiếng rao bán bánh mì thì giòn giã, trầm ấm. Tiếng rao bán kem thì ngắn gọn, nhấn nhá. Tiếng rao bán đồ tươi thì dõng dạc, ngân vang.
Tiếng rao cho biết người đó đang ghé nhà tôi hay nhà dì Ba, ghé bến này hay bến khác.

Tôi thích nhìn những người bán hàng chạy xe về với cái sọt rỗng, không rao nữa mà thong thả buổi chiều. Nếu tôi hỏi, chú ấy sẽ trả lời bằng nụ cười thật tươi: “Hết rồi con”.
***
Hôm nay, có một người đàn ông lạ chạy xe ngang nhà tôi. Trên xe là mùng mền lỉnh kỉnh lắc lư, hoa văn đủ kiểu.
Phải rồi, mùa nước nổi ở miền Tây, nước ngập đầy đồng, nước tràn lên sân; mua lưới giăng thì lại tốn tiền mà lưới cũng có rẻ đâu, cá cũng không còn nhiều như trước.
Cho nên, nghề chài lưới, giăng câu bây giờ thực sự cũng không dễ ăn.
Trên mấy xóm ruộng, người ta hỏi nhau: “Làm gì để sống lúc này?”.
Miền Nam đất lành chim đậu, đúng đấy nhưng cũng không phải là nơi có thể ngồi mát ăn bát vàng.
Tự dưng nghĩ: sống trong này, mưa gió mấy hôm thôi là đã thấy bất tiện rồi, huống chi ngoài kia sinh ly tử biệt…
Miền Trung năm nào cũng lũ…
***
Hôm nay, có một người đàn ông lạ chạy xe ngang nhà tôi. Trên xe là mùng mền lỉnh kỉnh lắc lư, hoa văn đủ kiểu.
Không lẽ tôi lại mua thêm một cái mền?
Thật ra, bản thân tôi cũng bán nhiều thứ nhưng chỉ bán cho vui nên không bị lệ thuộc nhiều.
Cho nên, đối với áp lực ôm hàng, tôi thực sự khó mà cảm nghiệm được. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu được cảm giác đó, trải nghiệm đó, áp lực đó…
Thế nhưng, tôi biết rằng người đàn ông kia – anh ta không thể ôm hàng, nhất định không được ôm hàng. Ôm hàng là không có tiền, vợ con ở nhà nheo nhóc…
Nếu không bị áp lực ôm hàng, ai lại chạy vào con đường khúc khuỷu này, vào cái thời tiết này, chắc gì đã bán được cho ai mà sơ sẩy thì còn bị té nữa.
Tự dưng, lại nhớ câu nỏi của ai đó:
Bình đẳng giới, nghĩa là đàn ông cũng yếu đuối, cũng mệt mỏi với những cuộc mưu sinh…
Xem thêm: Mùa nước nổi năm xưa