Nhụy hoa nghệ tây có tác dụng gì và có thực sự tốt như những lời đồn thổi không?
Nội dung chính ⇒
Nhụy hoa nghệ tây – thảo dược đắt như vàng
Thời gian gần đây, nhụy hoa nghệ tây được quảng cáo như một “thần dược” trên mạng xã hội, vừa trị bệnh lại vừa dưỡng nhan sắc.
Với mức giá đắt như vàng, sản phẩm được mệnh danh là “vàng đỏ Trung Đông” này có những giá trị cần ghi nhận nhưng cũng có những điểm cần cân nhắc. Mặt khác, nếu so sánh với các loại thảo dược khác thì nhụy hoa nghệ tây có phải là giải pháp tối ưu?
Đặc điểm nhụy hoa nghệ tây
Cánh hoa nghệ tây có màu tím xanh rất đẹp còn nhụy hoa thì có màu đỏ cam, rất nhẹ và thơm.
Khi ngâm trong nước lạnh hoặc nước ấm, nhụy hoa nghệ tây đều tiết ra màu vàng cam rất đẹp (chỉ cần dùng vài gam là đã đủ để ra màu cho cả chén nước).
Thoạt nhìn, các bạn sẽ thấy nhụy hoa nghệ tây rất giống với hồng hoa, một vị thuốc Bắc nhưng để ý kỹ thì sẽ thấy các sợi hồng hoa dẹp hơn (vì đó là các cánh hoa) còn các sợi nhụy nghệ tây thì tròn hơn.
Trên thế giới, nhụy hoa nghệ tây nổi tiếng là nguyên liệu cao cấp giúp tạo hương vị và màu sắc cho ẩm thực (cơm, bánh và các món ăn…). Bên cạnh đó, người ta còn dùng nhụy hoa nghệ tây để nhuộm màu cho trang phục, làm đẹp, thư giãn và trị liệu (tắm gội, làm thuốc, làm mỹ phẩm, làm trà…).
Ở các nước phương Tây, giá bán lẻ nhụy hoa nghệ tây khô trung bình vào khoảng 1000 $ / pound (453 g). Tuy nhiên, với mức bán bẻ số lượng nhỏ (theo gam) thì giá của nhụy hoa nghệ tây có thể tăng hơn mười lần.
Ở Việt Nam, mỗi kg nhụy hoa nghệ tây thành phẩm được bán từ 180 triệu đến 500 triệu đồng (7).
Giá thành nhụy hoa nghệ tây có thực sự tốt cho người dùng?
Có nhiều nguyên nhân làm cho nhụy hoa nghệ tây ở nước ta “đắt như vàng”.
1. Nhụy hoa nghệ tây ở nước ta là sản phẩm nhập khẩu, qua nhiều khâu trung gian nên khi đến tay người tiêu dùng thì giá thành đã tăng lên rất nhiều.
2. Tác dụng của nhụy hoa nghệ tây bị một số người buôn bán bất chính “thổi phồng” lên nhằm mục đích trục lợi.
3. Nhụy hoa nghệ tây rất nhẹ, sau khi phơi khô lại càng nhẹ hơn. Theo ước tính thì trung bình 1 pound nhụy hoa nghệ tây khô (khoảng 453 g) sẽ có từ 70 ngàn đến 200 ngàn sợi nhụy (tùy theo loại). Mặt khác, nhụy hoa nghệ tây tạo màu tốt và có hoạt tính khá cao, vì vậy, chỉ cần vài gam là đã đủ cho một lần sử dụng. Đây cũng xem như một sự bù đắp cho giá thành đắt đỏ của nó (7).
4. Chi phí đầu tư để thu được sản phẩm nhụy hoa nghệ tây thành phẩm là rất cao bởi nhà đầu tư phải thuê một đội ngũ nhân công đông đảo, thực hiện trực tiếp các công đoạn thu hái, tách nhụy trên từng cánh hoa trong thời gian ngắn để tránh ẩm mốc, hư hoại.
Hơn nữa, trong mỗi bông hoa nghệ tây lại chỉ có ba sợi nhụy, vì vậy, việc sản xuất nhụy hoa nghệ tây là một quá trình rất tốn thời gian và cả nguồn nguyên liệu đầu vào.
Theo ước tính, để có 150 ngàn sợi nhụy tươi thì phải cần canh tác trên diện tích 7140 m 2 (tức 0,7 ha) (7).
Nhụy hoa nghệ tây có tốt không?
Nhụy hoa nghệ tây chỉ phù hợp với những người có điều kiện kinh tế tốt bởi giá của nó “đắt như vàng”.
Ngược lại, sản phẩm này dễ sử dụng và giá thành cao của nó được bù đắp phần nào bởi lượng dùng rất nhỏ (chỉ vài gam cho mục đích làm thuốc và vài sợi khi dùng làm ẩm thực).
Như vậy, dùng nhụy hoa nghệ tây sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho những người bận rộn. Tuy nhiên, với người lao động bình dân thì vị thuốc này khó có thể dùng lâu dài được.
Nhụy hoa nghệ tây có tác dụng gì, trị bệnh gì?
Không thể phủ nhận nhụy hoa nghệ tây có nhiều công dụng quý nhưng khi xem qua các nghiên cứu về dược tính của vị thuốc này, chúng tôi thấy rằng các tác dụng của nó cũng không quá nổi trội so với các thảo dược khác đã có sẵn ở nước ta (với mức giá khiêm tốn hơn nhiều như giảo cổ lam, cây xạ đen, dây thìa canh, nụ tam thất, hồng hoa, táo đỏ, nhãn lồng… và nhiều thảo dược khác nữa).
Chúng tôi không cố ý phủ nhận công dụng của nhụy hoa nghệ tây bởi tính tiện dụng và đẳng cấp của nó trong đời sống hiện đại. Như vậy, tùy điều kiện kinh tế và quỹ thời gian mà bạn có thể chọn dùng hay không dùng sản phẩm này.
Sau tất cả, nhụy hoa nghệ tây có những hoạt tính đáng chú ý của nó, với những công dụng làm thuốc và những lưu ý khi dùng.
* Theo các kết quả nghiên cứu hiện đại, cánh và nhụy hoa nghệ tây có các hoạt tính đáng chú ý như:
- Ức chế tế bào ung thư đại trực tràng và có tiềm năng làm thuốc hóa trị các loại ung thư (2).
- Chiết xuất nước và etanolic từ cánh hoa có tác dụng chống viêm (3).
- Chiết xuất từ nhụy hoa nghệ tây góp phần làm giảm bệnh trầm cảm (4).
* Theo y học cổ truyền, nhụy hoa nghệ tây được dùng trong các trường hợp như:
- Bế kinh, ứ huyết (tác động lên tử cung, giúp hoạt huyết, hóa ứ).
- Ôn độc phát ban (nhụy hoa nghệ tây thông vào gan, có tác dụng giải độc và làm mát máu).
- Giúp giải uất, giảm trầm cảm và an thần.
- Giúp máu huyết lưu thông và hỗ trợ làm đẹp (nhụy hoa nghệ tây tác động lên hệ tuần hoàn máu) (5).
Cách dùng: sắc lấy nước uống 3 g mỗi ngày, lưu ý không được dùng quá liều.
Những lưu ý khi dùng làm thuốc
- Khi uống nhụy hoa nghệ tây, cơ thể bạn có thể xảy ra một số phản ứng phụ như nhức đầu, buồn nôn…
- Không dùng quá liều và không được dùng cho phụ nữ mang thai hoặc bị rong kinh (vì có tính hoạt huyết nên gây hư thai).
- Cẩn trọng để tránh mua nhầm nhụy hoa nghệ tây kém chất lượng, bị nhuộm màu, tẩm hương hoặc bị trà trộn với các loại khác (như trộn với hồng hoa khi ở dạng sợi và trộn với bột nghệ khi ở dạng bột).
- Tránh nhầm lẫn hoa nghệ tây với các loại cây khác có vẻ ngoài tương đương nhưng lại gây hại cho sức khỏe (chẳng hạn như cây bả chó Colchicum autumnale, nhìn bề ngoài rất giống cây nghệ tây nhưng có chất độc chết người).
- Khi chọn mua, nên lựa loại nhụy có màu đỏ cam thẫm, độ ẩm nhẹ và không bị giòn vụn (tức hàng mới).
- Trong mọi trường hợp, bệnh nhân nên hỏi ý kiến của bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể về liều lượng và những kiêng kỵ khi dùng thuốc.
Nhụy hoa nghệ tây trên thị trường
Hoa nghệ tây có tên khoa học là Crocus sativus (1), là loài cây được trồng ở nhiều nước trên thế giới như I ran, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Italia, Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Anh…
Trên thị trường, sản phẩm nổi trội thường được nhắc đến là nhụy hoa nghệ tây Dubai. Tuy nhiên, Dubai không trồng hoa nghệ tây mà nhập nhụy hoa nghệ tây từ các nước khác (với những quy chuẩn chặt chẽ về chất lượng). Trong đó, nhụy hoa nghệ tây có nguồn gốc từ Kashmiri Ấn Độ được xem là tốt nhất (còn nếu nói về quốc gia có xuất khẩu nhụy hoa nghệ tây nhiều nhất thì phải kể đến Iran).
Hoa nghệ tây, nhị hay nhụy?
Nhìn hoa nghệ tây với các sợi vàng sợi đỏ, người ta thường nghĩ rằng cái sợi dài hơn, có màu đỏ chính là nhị hoa (vì hoa lưỡng tính thường có các sợi nhị dài, chứa phấn hoa và phần nhụy ngắn, chứa noãn).
Tuy nhiên, với hoa nghệ tây thì ngược lại: các sợi dài, có màu đỏ lại chính là nhụy cái (saffron stigmas), hay nói chính xác hơn thì đó là phần đầu của nhụy hoa, được tẻ ra thành ba sợi dài (còn các sợi ngắn hơn, có màu vàng mới là nhị đực – saffron stamen).
Xem thêm: Khi bị đau bụng kinh, bế kinh thì nên dùng hồng hoa hay nhụy hoa nghệ tây?
Tư liệu tham khảo
- Nghệ tây, https://vi.wikipedia.org/wiki/Ngh%E1%BB%87_t%C3%A2y
- Crocin from Crocus Sativus Possesses Significant Anti-Proliferation Effects on Human Colorectal Cancer Cells
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2658895/. - Antinociceptive and anti-inflammatory effects of Crocus sativus L. stigma and petal extracts in mice, https://bmcpharma.biomedcentral.com/articles/10.1186/1471-2210-2-7
- Crocus sativus L. in the treatment of mild to moderate depression: a double‐blind, randomized and placebo‐controlled trial, https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1002/ptr.1647
- Nguyễn Văn Đàn – Vũ Xuân Quang – Ngô Ngọc Khuyến, Cây hoa chữa bệnh, NXB Y học, trang 183.
- Bả chó (cây), https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A3_ch%C3%B3_(c%C3%A2y).
- Trade and use of saffron, https://en.wikipedia.org/wiki/Trade_and_use_of_saffron