Nếu để ý, bạn sẽ thấy trong các chai dầu gió thảo dược Thái Lan thường có nụ đinh hương. Vậy, nụ đinh hương có tác dụng gì?
Nụ đinh hương có màu nâu, còn khép và trông như cây đinh vậy. Đặc biệt, đinh hương rất cay và tê, bạn chỉ cần cắn cho vỡ làm hai thôi thì vài giây sau đã thấy tê lưỡi rồi.
Nói về công dụng của đinh hương thì tiện dụng nhất là chữa nhức răng. Nếu bị nhức răng, bạn chỉ cần lấy một nụ đinh hương, giã nát ra rồi nhiễu chút nước vào cho sệt sệt, sau đó nhét vào lỗ râu răng hoặc chân răng bị nhức thì sẽ tê và hết đau ngay (xong thì nhả bỏ). Cách này giúp giảm đau tạm thời rất tốt, đã được nhiều người kiểm nghiệm và tin dùng.

Bạn biết đấy, chiết xuất Eugenol từ nụ đinh hương còn được ứng dụng để gây tê khi nhổ răng (trong nha khoa). Nếu ngửi qua, bạn cũng dễ dàng phát hiện ra mùi của đinh hương rất giống với mùi của thuốc tê nhổ răng.
Đặc biệt, đinh hương rất rẻ, bạn chỉ cần mua 10 đến 20 ngàn là có thể dùng nhiều lần.
Nụ đinh hương là thuốc gì?
Vị thuốc đinh hương là nụ hoa của cây đinh hương (Syzygium aromaticum), được bán rất phổ biến trong các tiệm thuốc Bắc.

Nụ đinh hương có tác dụng gì?
Đinh hương là vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền và thường được dùng trong các bài thuốc như:
1. Giúp giảm nhức đầu
Với trường hợp nhức đầu, bạn chỉ cần lấy vài nụ đinh hương giã nát ra rồi cho thêm ít nước vào, thoa lên trán, như thế thì một lát sau cơn đau đầu sẽ giảm xuống.
2. Chữa lạnh bụng, khó tiêu
Đinh hương có tính ấm, vì vậy, nó có hiệu quả đáng kể đối với chứng lạnh bụng (gây khó tiêu, căng bụng, buồn nôn sau khi ăn). Mỗi lần dùng, bạn có thể lấy 2 – 6 g nụ đinh hương (một lượng rất nhỏ), nấu lấy nước uống (nước này cay the nhưng nhìn chung không khó uống).
3. Rượu đinh hương chữa nhức mỏi
Nếu bị nhức lưng, nhức cổ, nhức vai gáy, tay chân… , bạn có thể lấy đinh hương ngâm rượu rồi thoa lên, sau đó xoa bóp thì sẽ giảm đau nhức (hiển nhiên, đây chỉ là biện pháp giảm đau tạm thời).
4. Chữa chứng ăn vào lại ói ra
Với trường hợp này, bạn có thể lấy 40 g nụ đinh hương, nghiền nát ra cùng với ô mai (xí muội) và vo thành viên, mỗi viên to bằng hạt súng. Mỗi khi thấy buồn nôn, bạn ngậm một viên như thế là sẽ khỏi.
5. Chữa chứng mọc thịt trong lỗ mũi
Trường hợp này hiếm thấy nhưng vẫn xảy ra. Để khắc phục, bạn có thể lấy miếng vải lụa nhỏ, bọc nụ đinh hương lại rồi nhét vào lỗ mũi là từ từ sẽ khỏi.

6. Chữa chứng băng huyết ngày đêm không ngưng
Lấy 80 g đinh hương, cho vào nồi, đổ thêm hai chén rượu trắng vào và nấu cho đến khi nước sắc lại còn một chén thì tắt bếp, để nguội và uống dần.
Tuy nhiên, bài thuốc này hơi khó uống. Vì vậy, nếu gần các hiệu thuốc Bắc, bạn nên đến tận nơi khám để được điều trị tốt hơn.
7. Chữa chứng nấc cụt không ngừng do tì vị hư hàn và nấc cụt do rối loạn thần kinh chức năng
Bài thuốc này giúp giáng khí, giáng nghịch, hòa vị và làm ấm bụng nên trị các chứng trên rất tốt.
Cách dùng như sau: lấy 8 g nụ đinh hương, 8 g đảng sâm, 4 g củ gừng và 8 g thị đế (tức tai quả hồng), tất cả cho vào ấm, nấu lấy nước uống.
8. Điều trị viêm loét miệng
Đinh hương có thể ngăn chặn sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn thường gặp, giúp chống viêm và giảm đau. Vì vậy, bạn có thể dùng nó để điều trị chứng viêm loét miệng (hoặc viêm loét ngoài da).
Cách dùng như sau: lấy 5 g đinh hương (hoặc 5 – 10 nụ), giã nát như bột rồi cho vào chén, sau đó đổ thêm một ít nước sạch vào, để như thế khoảng 4 tiếng thì lấy nước ấy thoa lên vùng da bị viêm loét, nhiễm trùng.
9. Giúp giảm viêm xoang, sổ mũi, át xì (hắt hơi), hơi thở hôi
Rất đơn giản. Bạn chỉ cần lấy một nụ đinh hương, bẻ ra cho thơm rồi ngửi mùi hương của nó thường xuyên (vài lần trong ngày) là được.
10. Giúp hết nhức răng nhanh chóng
Theo y học hiện đại, đinh hương có tác dụng giảm đau hiệu quả thông qua cơ chế gây tê. Vì vậy, nó có thể giúp bạn hết đau nhức răng (do sâu răng) một cách nhanh chóng và tài tình.
Vì vậy, mỗi khi bị nhức răng, bạn chỉ cần lấy vài nụ (mua ở tiệm thuốc Bắc, tầm 20 ngàn là sẽ được rất nhiều), giã nhỏ ra rồi nhét vào lỗ răng sâu thì vài giây sau (chỉ vài giây thôi), bạn sẽ hết nhức răng ngay.
Nếu bạn không có lỗ răng sâu thì bạn giã nát ra, thấm thêm chút nước cho sệt rồi thoa lên vòng vòng chân răng bị nhức.
Lưu ý: Với những người bị đau nhức răng do mọc răng khôn (răng cùng trong hàm) thì không dùng cách này được. Với răng khôn, nếu gây nhức không chịu nổi thì bạn cần đến gặp nha sĩ để được tư vấn dùng thuốc hoặc nhổ bỏ (vì có nhiều dạng răng khôn gây hành đến sốt, viêm sưng, nhiễm trùng và thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng).
Lưu ý khi dùng đinh hương
- Vị thuốc này có tính ấm nên chỉ hợp với những bệnh do hư hàn. Vì vậy, những người thể tạng nóng nhiệt không nên uống.
- Người mắc chứng hen suyễn nặng và xuất huyết dạ dày cũng không nên uống.
- Đinh hương kỵ lửa.
- Không kết hợp đinh hương với uất kim vì hai vị này kỵ nhau.
- Tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng.
Ngoài ra, khi mua đinh hương, bạn nên chọn những nụ còn nguyên, cứng, thơm, có màu vàng nâu (loại để lâu ngày biến thành màu đen hoặc bị mối mọt, bóp dễ vụn… thì không nên dùng vì chúng đã bị mất hầu hết dược chất).
Thông tin thêm về công dụng của đinh hương
- Về tên gọi: Trong y học cổ truyền, đinh hương còn được gọi là “đinh tử” (丁子), “đinh tử hương” (丁子香), hay “công đinh hương” 公丁香…
- Về các hướng ứng dụng: Đinh hương còn được dùng trong các công thức gia vị để kích thích tiêu hóa, làm thuốc tê trong nha khoa…
- Sách Ngọc thư dược giải còn ghi về công dụng của đinh hương như sau: “Đinh hương chữa cho tì vị được nóng ấm, khỏi đầy bụng, trừ khí thấp lạnh và trừ giun sán. Đàn ông dùng thì cường dương. Phụ nữ dùng thì trừ được chứng khí lạnh“.
- Liều dùng: Theo công trình Thuốc Bắc thường dùng thì liều dùng vị thuốc này là từ 1 – 4 g mỗi ngày.
Ở Sơn Đông, Trung Quốc, nhiều gia đình luôn có một ít nụ đinh hương trong nhà bếp để làm gia vị (vì ở đây, vào mùa lạnh sẽ có tuyết rơi, vì vậy, người ta thường ăn các món cay hoặc dùng các vị thuốc có tính ấm, cho thêm vào thức ăn để làm ấm cơ thể, giúp dễ tiêu và khử mùi tanh của thức ăn…).
Xem thêm: Rau răm điều trị buồn nôn, khó tiêu do lạnh bụng và 7 bài thuốc thường dùng
Tư liệu tổng hợp
- Đinh hương, https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90inh_h%C6%B0%C6%A1ng_(gia_v%E1%BB%8B)
- Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, trang 790.
- Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, trang 95
- Nguyễn Văn Quý – Nguyễn Phương, Thuốc Bắc thường dùng, trang 382.
- Thanh Huyền, Chữa bệnh bằng cây thuốc quanh nhà.