Đau bụng kinh nên uống thuốc gì?
***
Bạn biết không, khi dùng công cụ tra cứu những từ khóa mà các chị em hay gõ trên mạng để tìm hiểu về chứng đau bụng kinh và bế kinh, mình thực sự bất ngờ vì những từ khóa như: “đau bụng kinh ra máu cục”, “đau bụng kinh dữ dội ra máu đen”, “đau bụng kinh giống như gãy xương”, “đau bụng kinh phải nhập viện”…
Vâng, đó chính xác là những từ mà các chị em đã mô tả về tình trạng đau bụng kinh của mình. Và mình, người viết bài này cũng đã từng bị đau bụng kinh hành hạ đến mức không nhúc nhích nổi, phải cầu cứu mẹ mình tìm thuốc uống cho mình (hiển nhiên, có nhiều chị em khi hành kinh thì chỉ bị đau nhẹ, không đáng kể và không cần dùng thuốc).
Vì vậy, trong bài viết này, mình sẽ trả lời những câu hỏi thường gặp nhất của các chị em về đau bụng kinh và cách giảm đau bụng kinh hiệu quả (thực sự là hiệu quả thật đấy!). Cách này mình và nhiều người đã thử nghiệm, vừa rẻ lại vừa dễ dùng.
Nội dung chính ⇒
Đau bụng kinh cần tránh ăn gì?
Câu trả lời rất đơn giản là tránh ăn đồ chua, đồ nóng. Thế nhưng, đây rõ ràng là vấn đề nan giải với các chị em.
Đau bụng kinh nên ăn gì?
Quan điểm chung của các chị em khi bị đau bụng kinh là phải ăn đồ mát, rau quả xanh, đậu xanh, trái cây và uống nước mát như nước dừa (mỗi ngày từ nửa trái đến một trái và không uống quá 3 trái mỗi tuần).
Tuy nhiên, với nhiều chị em thì các cách trên đều vô dụng hoặc chỉ giúp giảm được một phần. Cơn đau bụng kinh sau đó lại trở thành nỗi ám ảnh hàng tháng.
Đau bụng kinh nên uống thuốc gì? Cách giảm đau bụng kinh
Khi lang thang trên mạng, bạn sẽ thấy nhiều cách hướng dẫn giúp giảm đau bụng kinh như: uống nước ấm hay làm các động tác massage…
Tuy nhiên, các cách trên không thể giúp giảm đau hiệu quả và có những cơn đau bụng kinh dữ dội đến nổi bạn không thể nhúc nhích được, cảm giác đau như sắp chết đi (mình không nói quá đâu!).
Vì vậy, những lúc như thế ta phải dùng thuốc.
Nên dùng thuốc Tây hay thuốc Nam, thuốc Đông y chữa đau bụng kinh?
Nhiều chị em thường dùng thuốc Tây để giúp giảm đau bụng kinh. Tuy nhiên, cũng có nhiều chị em lo sợ về các tác dụng phụ kèm theo của thuốc Tây nên chuyển sang dùng thuốc nam – thuốc Đông y.
Nói về thuốc Đông y điều trị đau bụng kinh thì có rất nhiều loại. Trước đây, các chị em hay dùng Cao Ích Mẫu nhưng nhiều người lại không hợp với thuốc này, càng uống thì tình trạng càng xấu hơn và bị nổi mụn nhiều thêm (hiển nhiên vẫn có người dùng hiệu quả vì thuốc Đông y còn tùy vào cơ địa mỗi người).
Vì vậy, ngay phần dưới đây, mình sẽ chia sẻ với các bạn kinh nghiệm trị đau bụng kinh, bế kinh (của cá nhân mình và nhiều chị em phụ nữ mà mình biết).
Được biết, hồng hoa là vị thuốc cổ truyền quen thuộc và theo tư liệu y học thì nó có tác dụng “phá ứ huyết, sinh huyết mới”.
Lưu ý: Phụ nữ mang thai và bị rong kinh không được dùng.
Hồng hoa điều trị đau bụng kinh do máu ứ hiệu quả
Nếu bạn hay bị đau bụng kinh quằn quại, dữ dội hàng tháng; đồng thời máu kinh ra ít, có mùi hôi tanh, vón cục màu nâu sẫm hoặc thâm đen và hay bị nhức lưng dữ dội vào lúc có kinh; hay bị trễ kinh, bế kinh… thì bạn có thể dùng hồng hoa để chữa trị.
Đây là vị thuốc Đông y cổ truyền chuyên trị các chứng trên (do huyết ứ, máu huyết không thông gây nên). Hồng hoa là một dạng thảo dược được lấy từ các cánh hồng hoa (hay còn gọi là hoa rum) và khác hoàn toàn so với hoa hồng nhé!
Nhìn sơ bên ngoài, hồng hoa khá giống với nhụy hoa nghệ tây nhưng nó ngắn và vụn hơn (vì nó là các cánh hoa chứ không phải sợi nhụy). So về công dụng thì nhụy hoa nghệ tây nó cũng trị bế kinh nhưng hồng hoa thì rẻ và hiệu quả hơn.
Cách dùng hồng hoa giúp giảm đau bụng kinh
Bạn chỉ cần lấy một ít (khoảng một muỗng hồng hoa – loại muỗng canh, không phải muỗng cafe), cho vào ly rồi đổ một chén nước sôi vào, đợi nước nguội lại, còn âm ấm thì uống. Sau khi uống, bạn có thể đổ thêm một ít nước sôi nữa vào ly, đợi nguội thì uống tiếp lần hai (vì dược tính của nó vẫn còn).
Sau khi uống một lát thì bạn sẽ thấy giảm đau bụng kinh, máu kinh ra nhiều và tươi hơn. Nếu không còn đau bụng nữa thì bạn ngưng, không cần uống thêm. Nếu còn đau thì sau nửa ngày, bạn uống thêm một lần nữa (ngày uống 2 lần và lưu ý không uống quá 4 lần/ tháng với trường hợp đau bụng kinh do ứ huyết). Thông thường thì các chị em uống hai lần là hết đau và không cần uống thêm.
Đó là vì hoạt tính của hồng hoa rất mạnh, nếu lạm dụng thì máu kinh sẽ ra rất nhiều và dẫn đến rong kinh (người mang thai uống nhầm cũng sẽ bị hư thai).
Hồng hoa điều trị bế kinh, trễ kinh
Ngoài công dụng giảm đau bụng kinh do máu ứ thì hồng hoa còn chữa được bế kinh và trễ kinh.
Cụ thể, nhiều chị em bị trễ kinh từ 5 – 10 ngày và cảm thấy nhức lưng, đau bụng âm ỉ (mình cũng từng bị tình trạng này và chỉ uống hồng hoa một, hai lần là có kinh lại).
Bên cạnh đó, nhiều chị em còn bị bế kinh lâu ngày khiến cho không thể mang thai được (như trường hợp của chị họ mình là khoảng 4, 5 tháng mới có kinh một lần và máu kinh rất xấu, suốt mấy năm liền không mang thai được).
Sau đó, chị ấy đã dùng hồng hoa uống mỗi ngày hai lần, mỗi lần một muỗng, pha như trà thì sau vài hôm (khoảng 5 ngày liên tiếp), chị ấy đã có kinh lại và ngưng thuốc (vì khi đã có kinh lại, nếu lạm dụng dùng tiếp thì sẽ bị rong kinh, lúc này lại phải mua thuốc Bắc uống để cầm máu).
Mình nói như thế là để nhấn mạnh rằng:
Hồng hoa có dược tính cao, rất hiệu quả với bế kinh nên bạn dùng đến khi hết bế kinh, trễ kinh (do ứ huyết) thì ngưng, không nên dùng tiếp (nếu dùng quá 10 lần vẫn chưa khỏi bệnh thì nên đi khám kỹ hơn và xin ý kiến của thầy thuốc xem có nên tiếp tục dùng không). Vào tháng sau, nếu tiếp tục bị trễ kinh thì bạn hãy dùng thêm.
Như vậy, hồng hoa chỉ hợp với bệnh do ứ huyết (máu ứ). Với trường hợp rong kinh, xuất huyết thì tuyệt đối không dùng. Các bà bầu cũng cần tránh xa vị thuốc này vì nếu uống nhầm, nó sẽ gây sảy thai.
Vị thuốc hồng hoa trị bế kinh, đau bụng kinh hiệu quả mua ở đâu?
Bạn có thể mua hồng hoa trong các hiệu thuốc Bắc.
Thông tin về thuốc: Bạn cần lưu ý hồng hoa là vị thuốc dễ bị ẩm mốc, sâu mọt nên trong quá trình lưu trữ, mỗi tháng, khi lấy ra dùng, bạn nên đem phơi nắng một lát cho nó khô ráo, hạn chế mối mọt nhé!
Nếu bạn mua ở các hiệu thuốc Đông y thì cũng cần kiểm tra thật kỹ vì các con mạt trong thuốc rất nhỏ (thật ra, mối mọt trong hồng hoa là điều phổ biến nhưng nếu chỉ bị nhẹ thì ta vẫn có thể sàng lựa ra và dùng, thuốc vẫn phát huy hiệu quả nhất định). Còn như bạn mua mà thấy hồng hoa vụn nát, nhiều mọt, mạt thì không nên dùng, bạn nhé!
Ngoài hồng hoa thì dây cứt quạ uống cùng nước dừa tươi cũng giúp giảm đau bụng kinh rất tốt (mình đã từng dùng). Bạn có thể tham khảo trong các bài viết dưới đây nhé: